Thứ 6, 10/05/2024 19:59:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:35, 20/04/2021 GMT+7

Đừng là cây tầm gửi

Diệp Viên
Thứ 3, 20/04/2021 | 08:35:02 441 lượt xem
BPO - Ngày 17-11-2020, Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, ngày bầu cử là chủ nhật, 23-5-2021.

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3 diễn ra ngày 16-4, 100% đại biểu đã biểu quyết thống nhất danh sách 51 người ứng cử đại biểu HĐND huyện Chơn Thành khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026 - Ảnh: Đỗ Trình

Những ngày này, nhân dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc đang có nhiều hoạt động nỗ lực, thiết thực chào mừng sự kiện chính trị trọng đại của đất nước - cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thế nhưng, đi ngược với không khí tích cực sôi nổi ấy, đã và đang xuất hiện tình trạng không ít việc làm, tiếng nói lạc lõng, thiếu thiện chí, đưa thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, chống phá nhằm gây hoang mang trong dư luận, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân vào cuộc bầu cử. So với những kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp trước đây thì lần này, mức độ chống phá của các thế lực phản động, thù địch ở ngoài nước và những kẻ cơ hội chính trị ở trong nước có diễn biến mới, trắng trợn, thâm độc hơn. Một trong những nội dung mà các đối tượng này hướng tới là chiêu trò có tên gọi “không biết không bầu”. Thậm chí có những kẻ bất mãn, “trở cờ”… còn thiểu não nói rằng, “không đi bầu cũng là quyền”, “luật không buộc phải đi bầu” và “không đi bầu cũng chẳng sao”…

Cụ thể, vào ngày 4-3-2021, trên trang facebook của mình lão gần đất xa trời Nguyễn Đình Cống - nhân vật “trở cờ” - đã viết về cái gọi là “không biết không bầu”. Trong bài viết này, ông ta khẳng định, việc các cơ quan trung ương giới thiệu nhân sự bầu đại biểu Quốc hội về các địa phương để ứng cử là một biểu hiện của “Đảng cử, dân bầu”. Thế nên, việc cử tri bầu những người này chỉ là hình thức. Họ không đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri mà chỉ bảo vệ lợi ích cho Đảng, nhằm “đàn áp” nhân dân. Chưa hết, ông ta còn có ý đồ muốn tẩy chay cuộc bầu cử: Tôi cho rằng tẩy chay có mặt đúng và hay, nhưng bây giờ chưa có thời cơ và lực lượng để làm việc đó. Một thực tế không thể phủ nhận là Quốc hội vẫn tồn tại và hoạt động. Nó đang bị lợi dụng với khá nhiều đại biểu thiếu năng lực, kém phẩm chất, chỉ làm tốt vai trò nghị gật. Cuối cùng, ông ta kết luận: Đảng muốn thế nhưng dân không muốn thế, vậy dân phải làm như thế nào… Với cử tri, thực hiện phương châm là “không biết không bầu”.  

Việc kêu gọi “không biết không bầu” là chiêu trò rất thâm hiểm. Mục đích là để tẩy chay vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam, xóa bỏ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi vì, nó không chỉ là một hình thức cổ vũ cho chủ nghĩa tự do vô chính phủ, chủ nghĩa dân túy, mà còn tung hỏa mù để người dân hiểu sai và đi đến vi phạm pháp luật. Bằng chứng là bầu cử là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. Mục đích nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Theo đó, Điều 27 của Hiến pháp quy định rõ: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Như vậy, bầu cử là quyền của mỗi công dân, ai cũng có quyền đi bầu cử. Tuy nhiên, luật cũng quy định không ai được phép ép buộc người khác không đi bầu hoặc đi bầu nhưng thực hiện theo ý chí của mình. Đồng thời, tại Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015 quy định về nguyên tắc bỏ phiếu như sau:… Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp… không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử… Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử.

Theo đó, cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác đi bầu hộ, trường hợp không thể có mặt để bỏ phiếu thì nhân viên tổ bầu cử sẽ mang thùng phiếu đến tận nhà, hoặc cử tri có thể làm giấy ủy quyền cho người khác để có thể bỏ phiếu theo nguyện vọng và ý chí của mình. Điều này có nghĩa, việc bầu cử không chỉ đơn giản là quyền, mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước. Tại Điều 15 của Hiến pháp đã quy định rõ: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân… Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Do đó, khi công dân thực hiện đúng quyền bầu cử của mình cũng là đã làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Vì vậy, mọi công dân không được phép từ chối thực hiện quyền này, nếu từ chối tức là không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận của một công dân với quốc gia, dân tộc.

Vẫn biết rằng, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành ở nước ta không có quy định nào xử phạt hành chính đối với hành vi không đi bầu cử. Nhưng một công dân mà khước từ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với đất nước thì có khác gì một cây tầm gửi hay một sinh vật ngoại lai? Vì vậy, để cuộc sống tốt đẹp hơn, đất nước sớm đến đích phồn vinh, hùng cường thì trước hết mỗi người dân phải hết sức cảnh giác trước những luận điệu thâm độc của các thế lực xấu. Đặc biệt là, đừng ai quên rằng “quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”.                            

  • Từ khóa
122507

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu