Thứ 6, 10/05/2024 22:54:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:25, 21/02/2021 GMT+7

BBC - cái loa võ đoán

Nhật Minh
Chủ nhật, 21/02/2021 | 08:25:00 543 lượt xem
BPO - Đã từ nhiều năm nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cả ở trong và ngoài nước luôn luôn dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hành vi thâm độc và bỉ ổi nhất mà chúng thường dùng là nói xấu, vu khống, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, dựng chuyện bằng cách nói có thành không, biến không thành có. Mục đích cuối cùng của chúng là thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; nhằm mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thủ tiêu thành quả cách mạng, làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, hướng lái Việt Nam theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Có một thực tế mà ai cũng nhận thấy đó là, đất nước ta càng phát triển, càng đổi mới thành công, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế càng được nâng cao, thì những thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội chính trị, bất mãn với chế độ lại càng cay cú và cực đoan hơn. Đáng giận là có không ít người trong bọn chúng đã và đang được sống, hưởng thụ thành quả của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, kể cả những kẻ được nuôi dưỡng, học hành trong chế độ của chúng ta. Thậm chí có kẻ còn được hưởng những ưu đãi đặc biệt của chế độ, nhưng chỉ vì một lý do bất mãn mà chúng sẵn sàng phủ nhận thành tựu, sự nỗ lực, cố gắng của cả một dân tộc. Chưa hết, chúng hô hào tập hợp lực lượng, kéo bè kéo cánh nhằm phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; rồi tìm kiếm, bới móc và tỏ rõ thái độ hả hê trước những khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ, chính quyền các cấp; tung ra những luận điệu mang nặng tính suy diễn, võ đoán về tình hình đất nước, về công việc nội bộ của Đảng. Đặc biệt, chúng lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội để đẩy mạnh xuyên tạc, dựng chuyện, bịa đặt nhằm tác động mạnh vào tâm lý, nhận thức của công chúng và xã hội.

Bằng chứng là khi Việt Nam được cả thế giới hoan nghênh, tôn vinh trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19, thì bọn chúng lại càng cay cú và tìm mọi thủ đoạn để chống phá. Và tiếp sức cho chúng là các đài phát thanh tiếng Việt ở hải ngoại là BBC, RFA, VOA, RFI, các trang mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài. Cụ thể vào ngày 2-8-2020, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị người dân cài đặt ứng dụng Bluezone - ứng dụng hỗ trợ phát hiện truy vết nhanh những người có nguy cơ lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, hướng dẫn phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành triển khai nhanh nhất việc này. Ngay sau đó, đông đảo người dân Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về việc cài đặt ứng dụng Bluezone lên điện thoại thông minh để giúp phát hiện việc tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đến hết ngày 6-8-2020, cả nước đã có hơn 8,5 triệu lượt tải Bluezone trên các nền tảng IOS và Android.

Thế nhưng chỉ 1 ngày sau, tức ngày 7-8-2020, BBC đã đăng tải bài viết có tựa đề “Việt Nam: Bluezone truy vết Covid-19 và rủi ro cho người dùng”. Nội dung bài báo có đoạn viết rằng: Trong giới chuyên gia an ninh mạng, có ý kiến cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn đối với người dùng và đối với nhà nước Việt Nam. Chia sẻ với BBC News tiếng Việt hôm 7-8-2020, ông Dương Ngọc Thái, kỹ sư bảo mật ở Silicon Valley, nói: “Ai đột nhập vào hệ thống dữ liệu của Bluezone sẽ có được social graph (đồ thị tiếp xúc xã hội) của cả nước. Ngoài ra, họ còn có thể phá hoại bằng cách biến một người bất kỳ thành F0, F1 hay F2. Tức là họ có thể khiến nhiều người bị cách ly và khiến các cơ quan y tế phải tốn công sức kiểm tra những người không bị bệnh”.

Tuy nhiên, những thông tin nêu trên hoàn toàn bia đặt, đoán mò và không có cơ sở khoa học. Còn nhân vật có tên Dương Ngọc Thái mà BBC gọi là kỹ sư bảo mật ở Silicon Valley cũng chẳng ai biết người đó có thật và đang sống ở đâu. Trong khi đó, tính ưu việt của phần mềm Bluezone đã được chứng minh trong thực tế là có chức năng tự động thống kê và ghi lại việc tiếp xúc giữa những người đã cài đặt Bluezone với nhau. Lịch sử tiếp xúc trong ứng dụng Bluezone sẽ cho biết một người từng tiếp xúc với “ai”, vào lúc nào. Hai người được Bluezone xác định là có tiếp xúc với nhau nếu như cả hai đều cài đặt và bật ứng dụng Bluezone trên smartphone, ở cạnh nhau trong khoảng cách dưới 2m và liên tục trong 15 phút trở lên.

Tất cả thông tin nêu trên đều được mã hóa dưới dạng mã ID. Mã ID cũng sẽ thay đổi liên tục để đảm bảo vấn đề bảo mật. Những dữ liệu này không được đưa lên server mà lưu trữ trực tiếp ngay trên thiết bị người dùng. Người dùng Bluezone khác chỉ nhìn thấy một phần mã ID của người đang tiếp xúc gần, nên hoàn toàn loại trừ được khả năng một người nào đó (có thể nổi tiếng) bị kẻ xấu sao chép mã ID để làm ảnh hưởng uy tín của họ. Khi có một ca nhiễm bệnh (F0), mã ID của ứng dụng Bluezone trên máy người bệnh sẽ được gửi tới tất cả cộng đồng người dùng Bluezone. Ứng dụng khi đó sẽ tự so sánh đoạn mã này với lịch sử tiếp xúc trên thiết bị của bạn. Trong trường hợp trùng khớp, Bluezone sẽ hiển thị thông tin cho biết chủ nhân của máy đã trở thành F1.

Chưa hết, bài viết do BBC đăng phát còn xuyên tạc một cách trắng trợn rằng: “Với ứng dụng Bluezone, máy chủ sẽ thu thập hết lịch sử tiếp xúc của F0, F1, F2. Khi tập trung tất cả dữ liệu ở một chỗ sẽ giúp việc truy vết dễ dàng và hiệu quả hơn, nhưng điều đó cũng có nghĩa là Bluezone, tức nhà nước Việt Nam, sẽ biết được ai đã gặp ai, trong bao lâu, vào lúc nào. Từ thông tin này có thể suy ra được ai quen ai,… Đây là thông tin rất nhạy cảm, vì nó tiết lộ, chẳng hạn như, ai đang cặp bồ với ai. Giữa trưa mà thấy hai số điện thoại liên tục trao đổi “mã số” cả tiếng đồng hồ là có thể đoán được họ chỉ đang nằm ôm nhau cho đỡ rét thôi".

Những ngày gần đây, khi dịch Covid-19 tái phát ở một số địa phương trong nước, Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng Bluezone để truy vết và ngăn chặn nguồn lây, thì vẫn với giọng điệu võ đoán nêu trên, BBC đã đưa ra kết luận: “Lý do mà nhiều nước không chọn cách ứng dụng Bluezone vì e ngại tập trung quá nhiều thông tin vào một chỗ sẽ dễ dẫn đến lạm quyền”. Trong khi đó, thực tế chứng minh chính việc sử dụng phần mềm Bluezone mà Việt Nam đã khống chế được đại dịch. Còn các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp, Đức không sử dụng phần mềm để truy vết những người có nguy cơ nhiễm bệnh thì số bệnh nhân tăng đột biến và số tử vong có khi vượt 1.000 ca trong một ngày. Thế mới biết, các thế lực thù địch, phản động không từ một thủ đoạn, âm mưu nào để chống phá Việt Nam. Tuy nhiên, những luận điệu nhảm nhí, bỉ ổi của chúng chẳng lừa được ai.

  • Từ khóa
120340

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu