Thứ 7, 27/04/2024 19:30:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tình yêu 14:13, 09/07/2023 GMT+7

Cùng con cởi bỏ áp lực

Chủ nhật, 09/07/2023 | 14:13:44 4,623 lượt xem

Chị Hà Anh thân mến!

Con gái em năm nay 14 tuổi, là học sinh giỏi của trường. Vợ chồng em hướng cho con thi vào trường chuyên của tỉnh. Thời gian gần đây, tính tình con thay đổi, về nhà ít nói. Đến giờ cơm, con không ăn cùng gia đình mà chờ mọi người ăn xong mới ra ăn. Năm nay, con sẽ chuyển cấp nên ngay từ bây giờ con đã ý thức cao trong học tập. Mặc dù được nghỉ hè nhưng con vẫn tham gia các lớp học thêm và thường đọc truyện rất khuya. Em khuyên nhủ thì con lầm lì và cãi lại. Vừa giận vừa thương con, em đã nấu nhiều món ngon để bồi bổ nhưng con không ăn. 

Em rất lo lắng về tình trạng của con nên đã gọi hỏi cô giáo dạy thêm. Cô cho biết, ở lớp con vẫn vui vẻ, hòa đồng với bạn bè. Tuy nhiên, về nhà con lại không nghe lời và hay cãi lại cha mẹ. Em phải làm gì để thay đổi con, mong chị tư vấn giúp em. 

B.A (Chơn Thành)


B.A thân mến!

Theo như em kể, con em đến lớp học thêm vẫn vui vẻ, hòa đồng với các bạn, có ý thức cao trong học tập. Khi về nhà, con không giao tiếp và ăn cơm cùng gia đình. Ở lứa tuổi này, tâm sinh lý con thay đổi rất nhiều, dễ bị tổn thương, chỉ cần một lời nói vô ý cũng sẽ làm con suy nghĩ và phản kháng. Vì vậy, vợ chồng em hãy lựa lời trò chuyện, tâm sự cùng con để tìm cách khắc phục. Em hãy phân tích cho con hiểu, bữa cơm là để cả gia đình cùng đoàn tụ, là nếp nhà cần gìn giữ. Dù thế nào con phải cùng ăn với gia đình để cảm nhận sự đoàn viên ấm áp và con còn nhỏ, bài học về tình cảm gia đình càng phải rèn giũa kỹ hơn.

Vợ chồng em hướng con thi vào trường chuyên, vấn đề này em đã bàn với con chưa? Và ý kiến con thế nào? Cũng có thể con bị áp lực về chuyện học hành và trở nên “khó bảo”. Nếu nguyên nhân vì chuyện học hành thì em hãy động viên con học với tâm lý thoải mái, mẹ không áp đặt con bằng mọi giá phải đậu trường chuyên, không đậu trường này thì học trường khác. Con không nên thức khuya vì sẽ không tốt cho sức khỏe và con đang tuổi lớn, rất cần sự phát triển thể chất toàn diện. Do đó, con phải phân bổ thời gian cho việc học, đọc truyện và nghỉ ngơi hợp lý.

Trong thực tế đã có nhiều câu chuyện do áp lực trong học tập, không được sẻ chia, đồng cảm đã dẫn đến những hậu quả đau lòng. Vì thế, vợ chồng em hãy quan tâm, yêu thương con đúng cách, gia tăng sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời, thay đổi cách giao tiếp với con, để con cảm nhận cha mẹ đang quan tâm tới mình chứ không phải là những câu tra hỏi, áp đặt.

Ngoài ra, vợ chồng em hãy tạo môi trường thoải mái cho con. Ngày nghỉ cuối tuần, em có thể khuyến khích con rủ các bạn đến nhà chơi, làm những món con yêu thích để con và các bạn được vui vẻ thưởng thức. Hoặc cả gia đình cũng có thể tổ chức đi du lịch, về quê thăm họ hàng… để tinh thần con thư giãn và bớt áp lực chuyện học hành. Từ đó sẽ giúp con cảm nhận rõ tình cảm cha mẹ dành cho mình và gia đình càng gắn kết, yêu thương nhau hơn.

Ngoài ra, em có thể hỏi thăm những người bạn thân của con để biết thêm tâm tư, nguyện vọng cũng như cảm xúc của con lúc này. Qua đó có giải pháp kịp thời giúp con “gỡ khó”.

Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp em có thêm lựa chọn để gần con hơn. Chị chúc gia đình em luôn hạnh phúc!

Hà Anh

  • Từ khóa
172116

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu