Thứ 5, 09/05/2024 19:31:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tình yêu 10:25, 08/01/2023 GMT+7

Cùng con vượt qua tự kỷ

Hà Anh
Chủ nhật, 08/01/2023 | 10:25:20 5,758 lượt xem

Em gái em năm nay 32 tuổi, có 1 con trai 8 tuổi. Vợ chồng em gái sống khá hòa thuận. Tuy nhiên, cách dạy con của em gái làm cả gia đình thật sự bất lực.

Khi con làm sai hoặc dạy con không tiếp thu, em ấy thẳng tay đánh mắng con. Cháu tuy 8 tuổi nhưng chậm nói, chưa biết hết mặt chữ, rụt rè so với các bạn cùng trang lứa. Ngoài giờ học, cháu thường nhốt mình trong phòng, có dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Gia đình em thương cháu, nhiều lần khuyên nhủ em gái phải thay đổi cách dạy con, làm bạn cùng con chứ không phải dùng roi vọt nhưng mọi chuyện đâu lại hoàn đó.

Bây giờ em phải làm sao để em gái đồng hành với con, để cháu phát triển bình thường như những đứa trẻ khác, mong chị cho em lời khuyên.

A.N (Đồng Phú)

A.N thân mến!

Ông bà ta thường nói: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, bậc làm cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho con, vì vậy dùng roi vọt hay la mắng cũng chỉ muốn con mình nên người. Tuy nhiên, cái gì quá cũng sẽ phản tác dụng. Dùng roi vọt và la mắng nhiều sẽ khiến con trẻ trở nên ương bướng, tổn thương tâm sinh lý.

Qua chuyện em kể, rõ ràng em gái em đã dạy con sai cách dẫn đến cháu có tình trạng như hiện nay. Có thể do chính tâm lý em gái em có vấn đề. Em hãy nhẹ nhàng khuyên nhủ, đưa em gái và cháu đến chuyên gia tâm lý để được trò chuyện, tháo gỡ “nút thắt”. Nhiều khi người trong gia đình nói không được nhưng gặp chuyên gia tư vấn, được giải thích cặn kẽ biết đâu em gái em sẽ thay đổi.

Hiện cháu em 8 tuổi, đã ý thức và bắt đầu thể hiện quan điểm riêng. Khi bị đánh mắng, cháu hiểu và sẽ ghi nhớ rất lâu. Cháu chậm nói, trốn tránh và không chịu giao tiếp, đó là dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Nếu tiếp tục dạy cháu theo cách ấy, cha mẹ sẽ đẩy con vào “ngõ cụt”, cháu sẽ bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài và sau này sẽ không thể tự mình đối mặt với cuộc sống.

Nuôi dạy con là vấn đề rất khó, phải có sự cộng đồng trách nhiệm của cả vợ và chồng. Chị nghĩ, sau khi khuyên em gái và cháu đi kiểm tra tâm lý thì em rể em và gia đình phải cùng hỗ trợ để có giải pháp thiết thực nhất. Để em gái thay đổi cũng cần một quá trình và đặc biệt là chồng em ấy phải đồng hành với vợ con.

Cháu đã 8 tuổi mà vẫn chưa biết hết mặt chữ, đó không phải là “chuyện nhỏ” nữa. Em hãy khuyên em gái bỏ ngay roi vọt, la mắng con và thay vào đó là giải thích cặn kẽ khi con làm sai, động viên, khích lệ khi con chưa làm được. Và quan trọng nhất là yêu thương, thưởng - phạt rõ ràng. Hãy coi con là bạn, cùng học, cùng chơi với con. Nếu có thể, em hãy cùng em gái cho cháu tham gia các hoạt động ngoại khóa như: học bơi, học vẽ, chơi bóng đá… tùy theo năng khiếu của cháu, hoặc cho cháu đi du lịch khi có thời gian rảnh. Ngoài ra, ba mẹ cũng tìm hiểu các biện pháp can thiệp để có phương pháp dạy con hiệu quả. Có như vậy, con mới thoát khỏi ám ảnh đòn roi, la mắng do mẹ tạo nên và dần mở lòng mình. Chị chúc gia đình em luôn mạnh khỏe và cháu sớm hòa nhập trở lại.

  • Từ khóa
158859

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu