Thứ 5, 09/05/2024 06:41:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tình yêu 15:52, 06/01/2022 GMT+7

Điểm số không giúp con thành tài

Ngọc Tú
Thứ 5, 06/01/2022 | 15:52:32 1,921 lượt xem
BPO - Có một thực tế lâu nay ở nước ta là đa số phụ huynh đều rất xem trọng điểm số học tập của con. Kết quả, thứ hạng, thành tích... trở thành thước đo đong đếm “hơn - thua” về giá trị con trẻ của nhiều bậc phụ huynh. Nhưng thực tế, nhiều điểm số của học sinh chỉ nói lên rằng: con đã chăm chỉ “học vẹt” để có điểm cao còn đầu óc rỗng tuếch, không chút kỹ năng sống khi ra đời...

Tuần này, học sinh bắt đầu bước vào thi học kỳ I, năm học 2021-2022. Thời điểm này lại khiến không ít phụ huynh “đau đầu”. Tôi từng nghe một bà mẹ quen biết kể: “Tôi vừa “sạc” cho cô giáo một trận đấy (!?). Bài văn con bé viết hay thế mà cô chấm có 6 điểm... Định “dìm” con bé à? Không dễ đâu...”. Nghe chuyện tôi chỉ biết im lặng. Bởi, với sự phấn khích như vậy, lời khuyên không đồng tình lúc này vô nghĩa, không khéo còn bị “sạc” thêm...! Không biết bài văn hay đến mức nào nhưng với cách hành xử của người mẹ thì bài học về “lễ” với con xem như đã thất bại.

Áp lực điểm số từ các bậc phụ huynh đang khiến nhiều trẻ rơi vào bế tắc - Ảnh: internet

Thực tế cho thấy, có những phụ huynh không chỉ yêu cầu con đạt điểm cao mà phải tuyệt đối, hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa… Thế là áp lực điểm số luôn đè nặng lên con mọi lúc, mọi nơi. Không ít phụ huynh luôn chỉ nhìn kết quả học tập của con để kỳ vọng, đặt bước đi cho cuộc đời con; thậm chí thay họ thực hiện khát vọng dang dở của bản thân mà không mảy may nhìn vào thực lực, sở trường, sở đoản của chúng.

Khá nhiều phụ huynh “mặc định” thành tích, điểm cao, khen thưởng là “giấy thông hành” để con mình có một tương lai tươi sáng. Chính sự “ép khung” này vô tình khiến con ám ảnh về điểm số. Nhiều cha mẹ còn bất chấp cả tâm lý, sức khỏe của con chỉ với suy nghĩ, ép để con tập trung học tốt hơn.

Sự việc bé trai 12 tuổi rơi từ tầng 22 chung cư Goldmark City (Hà Nội) xuống đất tử vong tối 16-12-2021 vừa qua, chắc chắn nhiều người vẫn còn bàng hoàng khi nghe tới. Đau lòng hơn khi biết nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên là do bé gặp áp lực trong học hành, thi cử và đỉnh điểm là khi bị mẹ la mắng sau kết quả thi không như ý. Năm 2018, một nữ sinh lớp 7 cũng đã để lại 2 bức thư tuyệt mệnh, xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút, không được như kỳ vọng của thầy cô, ba mẹ rồi tự tử ngay trong lớp. Một nam sinh lớp 10 ở TP. Hồ Chí Minh nhảy lầu quyên sinh vì áp lực điểm số, áp lực vì bố mẹ muốn con đứng đầu khối...

Thực tế, điểm số đã khiến không ít trẻ rối loạn về sức khỏe tâm thần. Từ nhiều năm nay, khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được ngành giáo dục đưa ra như một tôn chỉ với mục tiêu là giảm áp lực, tạo hứng khởi cho trẻ đến trường, nơi mang đến cho các em niềm vui, tiếng cười, hạnh phúc. Nhưng “bệnh thành tích” hiện vẫn rất trầm kha và chưa có thuốc đặc trị. Áp lực thành tích của nhà trường, thầy cô, thành tích gắn với mỗi trò đã trở thành gánh nặng, nỗi ám ảnh thường trực với trẻ...

Bản chất của việc học là hướng trẻ đến những giá trị cốt lõi của sự hiểu biết, sống đẹp, sống có ích, sống trách nhiệm… Con đến trường để được trau dồi kiến thức, để chạm tới kho tri thức vô tận của nhân loại và được học nhiều kỹ năng từ cuộc sống để thấy mình trưởng thành hơn chứ không phải chạy đua về điểm số. Đó mới là chân giá trị của giáo dục từ xưa đến nay của dân tộc ta.

Một đứa trẻ lớn lên, thành công hay hạnh phúc phụ thuộc vào thái độ sống, nỗ lực của bản thân chứ không phải điểm số hay những tấm giấy khen. Phụ huynh cần nhận thức rõ, điểm số không có quyền uy vạn năng, càng không là công cụ để đo lường giá trị của một con người trong xã hội. Vì vậy, cha mẹ muốn con có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ thì ngay từ bây giờ, đừng nên để điểm số trở thành vòng kim cô trói buộc cuộc đời con.

Hơn ai hết, trên chặng đường học làm người của con, cha mẹ là người vô cùng quan trọng và chịu trách nhiệm cuối cùng. Spencer Johnson - nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ từng nói: “Là người làm cha mẹ, tuyệt đối không nên quá xem trọng điểm số thi cử của con mà nên chú ý đến việc bồi dưỡng phương pháp học tập và khả năng tư duy của trẻ. Tuyệt đối không nên chỉ dựa vào điểm số mà phán đoán ưu điểm của trẻ, càng không nên khiến trẻ vì việc này mà hình thành nên quan điểm về danh dự và nhục nhã”. Bởi nếu quan điểm này mà trở thành nhân sinh quan rồi áp đặt cho trẻ thì hệ lụy sẽ còn tiếp diễn khôn lường.

  • Từ khóa
135033

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu