Thứ 5, 09/05/2024 06:27:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tình yêu 15:09, 28/08/2021 GMT+7

Đừng ràng buộc nhau “vì con”!

Ngọc Mai
Thứ 7, 28/08/2021 | 15:09:00 6,063 lượt xem

Chị Ngọc Mai thân mến!

Em là công chức, lấy chồng được 8 năm và có 2 cô con gái. Con gái lớn học tiểu học, còn cháu nhỏ mới 3 tuổi. Khi mới yêu, gia đình anh phản đối vì chê em trình độ thấp (cao đẳng) không xứng đôi vì anh là kỹ sư xây dựng, nhà lại có điều kiện, đã có nhà riêng. Nhưng anh vẫn theo đuổi vì nói em xinh, ngoan hiền...

Anh quyết tâm cưới em bằng được nên gia đình đành nhượng bộ, nhưng bằng mặt chứ không bằng lòng.
Sau khi cưới, tưởng hôn nhân sẽ bình yên vì vợ chồng ở riêng, không va chạm với ba mẹ chồng. Nào ngờ chồng em cực kỳ gia trưởng cộng với việc anh là trụ cột kinh tế, em thì không được lòng nhà chồng nên càng lép vế. Anh độc đoán, áp đặt, muốn tâm sự anh cũng gạt đi khiến em rất cô đơn…

Mâu thuẫn nhiều lần khiến em rất bức bối. Em cay đắng nhận ra, phụ nữ càng mềm yếu, ngoan ngoãn, dễ thông cảm càng bị chồng khinh. Nhất là mọi việc sắm sửa lớn bé trong nhà đều do anh quyết định và chi trả. Em chỉ lo ăn uống trong gia đình nên giờ nhìn lại vẫn tay trắng.

Sau nhiều lần cân nhắc, em quyết định ly hôn và yêu cầu được nuôi con. Chồng em đồng ý nhưng với điều kiện, mẹ con em ra đi với hai bàn tay trắng và không được đòi trợ cấp. Có lẽ, chồng nghĩ với sự nhu nhược bấy lâu, em sẽ không dám ly hôn. Nhưng thật sự, em rất muốn ly hôn vì đã hết tình cảm với chồng. Em đã nghĩ đến việc sẽ ở trọ và lương đủ cho 3 mẹ con sinh sống tối thiểu. Nhưng em đang phân vân vì con còn quá nhỏ, cần có sự chăm sóc, yêu thương của ba. Không biết quyết định ly hôn của em có sai lầm, gây tâm lý bất ổn cho con khi thiếu cha?

Tuệ Mẫn (TP. Đồng Xoài)

Tuệ Mẫn thân mến!

Hôn nhân tan vỡ là điều không ai muốn. Nhưng nếu đợi con lớn rồi ly hôn thì sự tổn thương của các con còn tăng gấp nhiều lần. Vì lúc đó, các con đã nhận thức được sự mất mát, bất hòa trong gia đình, chứng kiến những tổn thương mà mẹ phải gánh chịu…

Vợ chồng còn yêu thương thì cùng nhau vun đắp, ngược lại đừng cố gắng gượng ép, càng không thể lấy con cái làm lý do níu kéo. Hơn nữa, ba mẹ không sống với nhau đâu có nghĩa là hết thương con.

Tâm lý phụ nữ thường gửi gắm niềm tin, hy vọng, đặt ước mơ vào cuộc hôn nhân lớn hơn đàn ông nên khi thất vọng cũng sẽ nhiều hơn. Ly hôn là điều không ai muốn nhưng là giải pháp tốt để giải thoát khi không còn cách để hóa giải mâu thuẫn. Đặc biệt là khi hai người không còn tình cảm với nhau. Em không còn tình cảm với chồng, anh ấy cũng không đáp ứng nhu cầu chia sẻ vui buồn khiến em cô đơn trong chính ngôi nhà của mình thì giải phóng khỏi cuộc hôn nhân bế tắc, không có tình yêu là điều nên làm…  

Đó là chưa kể, khi hạnh phúc gia đình được tạo ra theo cách giả tạo để che mắt các con thì đến lúc đủ lớn để nhìn nhận, đứa bé chứng kiến gia đình không có tình yêu, tâm lý con có thể sẽ phát triển lệch lạc rất khó uốn nắn. Nếu em xem việc chồng để 3 mẹ con ra đi với hai bàn tay trắng, không chút ăn năn là “giọt nước đã tràn ly” thì càng không nên lăn tăn “vì con” mà ở lại.

Theo tâm lý người Á Đông, phụ nữ Việt Nam vẫn thường hy sinh vô điều kiện cho chồng, con. Nhưng khi chồng không xứng đáng với sự hy sinh ấy, có cần để em tiếp tục không? Sao không suy nghĩ thoáng hơn: Ly hôn cũng là giải pháp để cuộc sống của em nhẹ nhàng hơn? Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn, sao cứ phải níu kéo trong đau khổ, dằn vặt và không biết ngày mai sẽ ra sao? Nếu đã hết yêu, hãy buông bỏ, quan trọng là em đã có một ngã rẽ để lòng thanh thản và tiếp tục vui sống bên con.

  • Từ khóa
128977

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu