Thứ 5, 09/05/2024 05:50:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 11:26, 17/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Làm công tác phát thanh - truyền hình phải có cái tâm

Thứ 6, 17/06/2022 | 11:26:07 3,265 lượt xem
BPO - Hơn 30 năm về trước, cuộc hành trình “xẻ núi” san đường, thực hiện cuộc chinh phục đỉnh cao Bà Rá để phủ sóng thông tin, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân 5 huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé đã được triển khai. Sức người và lòng quyết tâm của những người làm công tác phát thanh - truyền hình (PT-TH) đã chinh phục thiên nhiên, hình thành nên một Trung tâm phát sóng quốc gia. Năm 1990-1991, nhiều anh em kỹ thuật viên đã đầu quân hoặc được điều động về đây để bắt tay cùng nhau xây dựng đài từ giữa vùng rừng thiêng nước độc của núi Bà Rá. Những khó khăn chồng chất ban đầu về chế độ, nơi ăn chốn ở, sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần vô cùng thiếu thốn đã làm nản lòng không ít người, nhiều người đã bỏ Đài Bà Rá ra đi.

Anh Phan Văn Thảo sinh năm 1965, quê ở Dĩ An - Bình Dương, vào ngành năm 1984, được điều động từ Đài PT-TH Sông Bé lên làm trưởng Trung tâm tiếp vận PT-TH Bà Rá vào năm 1991. Năm 1999, anh được bổ nhiệm là Phó giám đốc phụ trách hành chính - kỹ thuật - quảng cáo của đài. Năm 2017, anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Đài PT-TH Bình Phước và đến tháng 10-2019, anh là Phó giám đốc Đài PT-TH và Báo Bình Phước. Anh là người được người dân Phước Long yêu thích đặt cho biệt danh chúa núi Ba Auto. Chúng tôi có dịp phỏng vấn anh nhân dịp Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6).

Ba Auto trong một chuyến tác nghiệp cùng các phóng viên, biên tập viên

* Cánh nhà báo, nhất là những người công tác ở các Đài PT-TH miền Đông Nam Bộ, thường gọi anh là chúa núi Ba Auto. Vì sao lại có biệt danh này, thưa anh?

Cái tên này lúc đầu do anh Năm Chua (lúc đó là Giám đốc Công ty Cầu đường Phước Long) đặt cho. Sau này mọi người cũng hay gọi như vậy có lẽ vì tôi là người đầu tiên phụ trách trên đỉnh núi.

Trong hai năm 1989-1990, với quyết tâm “khai sáng thông tin” cho người dân 5 huyện phía Bắc Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Phước), Đảng bộ và nhân dân Sông Bé đã mở đường, thực hiện cuộc chinh phục đỉnh cao Bà Rá để xây dựng Trung tâm Tiếp vận Phát thanh - Truyền hình Bà Rá, là 1 trung tâm phát sóng phát thanh, truyền hình lớn của quốc gia. Xây dựng được Trung tâm phát sóng Bà Rá đã là khó, cái khó hơn là tuyển dụng nhân sự để công tác tại nơi đây, rừng thiêng nước độc, quanh năm heo hút, sống ở một ngọn đồi cao trên 400m, còn phải đi mất hai tiếng lên làm việc ở đỉnh trên 700m. Do vậy, mọi người mới đặt cho tôi nickname “Chúa núi”. Còn Ba auto, trong gia đình tôi là con thứ ba, auto tức là tự động. Do khi công tác trên đỉnh núi Bà Rá, tôi luôn là người đi đầu trong tất cả các hoạt động của Đài Bà Rá, ai không làm thì tôi làm, mà khi tôi làm thì tất cả anh em đều làm theo. Bởi vậy nên họ cũng gọi là Ba auto.

Ba Auto giao lưu văn nghệ cùng các giảng viên khoa Báo chí Truyền thông Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)  và đồng nghiệp BPTV. Ảnh: H.T

* Anh đã hình thành một “gia đình nhỏ” trên Đài Bà Rá. Anh có thể cho biết chút ít về “gia đình nhỏ” đó không”?

Lúc ban đầu gian nan, vất vả, kẻ đến rồi đi, trên đỉnh Bà Rá chỉ có tôi và mấy “chú lính chì”, chung lưng đấu cật, thầm lặng làm nhiệm vụ truyền dẫn phát sóng, canh giữ làn sóng PT-TH của tỉnh. Tám chú lính chì đã tự mình hình thành nên một gia đình Đài Bà Rá, có anh có em, phân theo thứ tự tuổi tác.

Đứng đầu theo cách gọi của dân Nam bộ là anh Hai Lớn, người được anh em gọi một cách trìu mến là anh Hai nông hội, tính tình hiền lành, thật thà, lại hay làm công việc của nhà nông. Thứ ba là tôi, Ba Thảo hay còn gọi là Ba auto, Chúa núi. Thứ tư là anh Tư Trọng. Thứ năm là anh Năm Hữu. Thứ sáu là anh Sáu Dũng hay còn gọi là Sáu xị, Sáu duyên dáng. Bảy xị hay Bảy nhựa là biệt danh của anh Dương Hữu Hùng. Thứ tám là anh Nguyễn Thanh Phong, là cây đàn ghi ta của anh em ở Bà Rá, hiện đã xuất ngoại cùng gia đình. Thứ chín là anh Chín Sự. Trong quan hệ công tác hàng ngày mọi người vẫn quen cách gọi thân mật như thế.

* Hơn 30 năm gắn bó với ngành PT-TH, kỷ niệm nào trong công việc làm anh nhớ nhất?

Trong quá trình xây dựng và công tác trong ngành, nhất là thời gian tại Trung tâm Phát sóng Phát thanh và Truyền hình Bà Rá - Phước Long, có biết bao chuyện vui, buồn mà giờ đây đã là kỷ niệm. Với tôi cái nào cũng là “kỷ niệm nhớ nhất”. Nhưng anh hỏi thế thì tôi xin kể một chuyện về những người sống chung với… “thiên lôi”.

Số là có một ngày, khoảng 5, 6 giờ chiều, là ca trực của tôi và anh Sáu Dũng. Trời bên ngoài đã bắt đầu đổ mưa, mấy anh em đang ngồi trên nhà chờ cơm. Tôi chuẩn bị rút phích điện nồi cơm thì “chạch, rầm…” - một luồng điện xanh lè bao trùm cả căn nhà và mùi khét lẹt của điện. Tôi đứng như trời trồng, chôn chân một chỗ, còn mấy anh em khác vội nhảy lên chiếc bàn gỗ. “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Vậy mà thần sét cũng không tha. Mất một lúc sau, mọi người mới định thần trở lại, vội vàng kiểm tra các thiết bị máy móc. Hú vía! Cả 5, 6 chiếc đèn neon đều cháy rụi, điện thoại cũng mất liên lạc và bốc mùi khét nghẹt. Nhìn ra thấy một góc tường bị cháy sém, cây thu lôi bị đánh trúng nám đen, may mà không ai bị sao. Thế là anh em dùng bữa cơm chiều vừa thơm mùi lúa rẫy, vừa thơm mùi “thần sét” mà tim vẫn còn run bần bật.

“Chúa núi” Ba Auto và giảng viên Vũ Hải Sơn, Khoa Báo chí Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tại Trung tâm phát sóng Phát thanh - Truyền hình Bà Rá. Ảnh: H.T

Sống chung với “thiên lôi”, chắc chắn anh phải có suy nghĩ kế sách để đối phó với tình trạng sét đánh thường xuyên?

Sau khi khánh thành thì sét đánh tưng bừng, đánh liên tục, lớp đánh thẳng vào tháp ăng ten, lớp đánh bọc hậu vào phòng máy, lớp đánh lan truyền trên đường dây cáp điện. Anh em cán bộ, công nhân kỹ thuật trực máy phát sóng tinh thần hoang mang, dao động. Nhưng chúng tôi vẫn bám núi, bám máy giữ vững làn sóng điện PT-TH. Chúng tôi đã kết hợp giữa chống sét cổ truyền với chống sét hiện đại chủ động phát sóng, thu sét về và triệt sét, giữ vững sóng PT-TH Bà Rá vững vàng, hiên ngang phát sóng liên tục ngày ngày.

Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, tâm tư của anh có khi nào dao động không?

Dao động thì không nhưng tâm tư băn khoăn thì có. Nhất là mỗi khi xuân về. Trong khi mọi người, mọi nhà đang đầm ấm quây quần bên nhau bên chén rượu thì ở đồi Bằng Lăng có những kỹ thuật viên của Trung tâm phát sóng Phát thanh và Truyền hình Bà Rá đang làm việc trong cái giá rét run người để giữ vững làn sóng PT-TH phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho mọi người. Hơn 20 năm hoạt động, rất ít năm những người cán bộ kỹ thuật trên đỉnh Bà Rá, kỹ thuật viên lưu động được sum họp cùng gia đình để vui Xuân, đón Tết. Trong ký ức nhớ về cái Tết đầu tiên ở núi rừng Bà Rá vào năm 1991, nhiều người trong chúng tôi đã rơi lệ. Đêm giao thừa năm đó, trực phát sóng trên đỉnh núi. Khi chiếc đồng hồ trên tivi gõ nhịp thời gian, rồi những âm thanh của những tràng pháo hoa tung bay báo hiệu giờ giao thừa đã điểm, bước ra khỏi phòng máy, trong cái gió rét của núi rừng, tôi thắp mấy nén hương cho vong linh các chiến sĩ rồi đứng nhìn về những ánh đèn xa xa phía dưới chân núi, bất chợt nhớ đến cái không khí đón giao thừa ở gia đình một cách da diết. Mọi người ở đây đều có chung một ý nguyện là muốn được thắp mấy nén hương lên bàn thờ ông bà, sửa soạn mấy cành mai, muốn được ngồi bên nồi bánh để nghe mùi thơm của nếp, của lá và tiếng tí tách của bếp lửa. Một cơn gió lạnh bất chợt ùa đến, có người đã vội bước vào phòng máy để giấu đi những dòng nước mắt…

Nguồn động viên nào đã giúp anh vượt qua những khó khăn đó để bám trụ với ngành?

Để bám trụ được, tôi nhận được sự động viên từ gia đình, bà con Phước Long. Về phía cơ quan, tôi luôn nhớ đến chú Út Tuyền, Giám đốc Đài PT-TH Sông Bé, chú thường xuyên thăm hỏi động viên tôi để hoàn thành nhiệm vụ. Đến bây giờ chú vẫn là một vị lãnh đạo mà tôi quý mến nhất.

* Sau này anh là Phó giám đốc rồi Giám đốc Đài PT-TH Bình Phước, nay là Phó giám đốc Đài PTTH và Báo Bình Phước, anh có dự định gì cho tương lai, có tiếp tục gắn bó với nghề không?

Phát thanh - truyền hình trở thành cái nghiệp của tôi. Tôi từng kinh qua nhiều nhiệm vụ, kỹ thuật viên, phát thanh viên, cán bộ truyền thanh cơ sở, bây giờ làm công tác quản lý, tôi vẫn tâm niệm gắn bó với ngành, với nghề. Tôi không hề có ý định gì khác ngoài việc tiếp tục cống hiến sức lực và tâm huyết cho sự nghiệp PT-TH tỉnh nhà. Với tôi làm việc gì cũng phải có cái tâm; người làm báo, làm công tác báo chí cũng phải có cái tâm. Và ở vị trí nào, ở trong hoàn cảnh nào, tôi toàn tâm, toàn ý phục vụ cho sự nghiệp đó.

* Xin trân trọng cám ơn anh!

Ngọc Dũng (thực hiện)

  • Từ khóa
144606

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu