Thứ 4, 08/05/2024 17:15:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:55, 17/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Tâm sự của người trong cuộc

Vũ Thuyên
Thứ 6, 17/06/2022 | 09:55:11 2,708 lượt xem
BPO - Vùng đất quê tôi vốn cằn cỗi, nghèo khó nên lớn lên ai cũng quyết tâm học lên đại học với khát khao tìm một công việc ổn định trong cơ quan nhà nước như công an, bộ đội, giáo viên. Tôi không là ngoại lệ. Thế nhưng viết báo - cái nghề rất lạ lẫm mà trong thâm tâm tôi từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ dám nghĩ tới lại bén duyên với mình suốt gần 12 năm qua. Thời gian chưa đủ dài, trải nghiệm chưa đủ nhiều để lột tả hết mọi góc cạnh của nghề báo, nhưng trong những ngày mà cả xã hội đang hướng về kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), tôi cũng có đôi dòng tâm sự để “khoe” về cái nghề đam mê, yêu thích của mình.

Cơ duyên với nghề báo

Tốt nghiệp cử nhân ngành Lịch sử, kèm theo chứng chỉ sư phạm, tôi được nhận về dạy học tại “trường làng”. Công tác được 4 năm nhưng với nhiều lý do khác nhau nên tôi không thể bám trụ với nghề mà khăn gói vào Nam lập nghiệp. Làm ở môi trường mới với công việc không phù hợp chuyên môn, sở trường nên khiến tôi bỡ ngỡ, hụt hẫng, nhiều lúc nản đến độ muốn quay trở về. Nhưng vì sự sĩ diện của người đàn ông miền Trung, tôi quyết ở lại với hy vọng công việc sẽ thuận lợi, sáng sủa hơn. Thế rồi tận dụng thời gian rảnh tôi theo đồng nghiệp tập tành viết lách và gửi cộng tác cho đặc san Sở Khoa học và Công nghệ, Báo Bình Phước, bản tin khuyến nông… Số lượng bài cộng tác tần suất ngày một nhiều nên tôi may mắn được nhận vào Báo Bình Phước thử việc, khoảng giữa năm 2012. Đó là cơ duyên đến với nghề báo - nghề mà mình không chọn từ ban đầu đã gắn bó với tôi từ ngày ấy đến nay.

Tác giả trong một lần tác nghiệp tại Trường THCS Tân Phú, thành phố Đồng Xoài

Vào Báo Bình Phước, tôi được phân về Phòng Chính trị - Xã hội và được chị Phương Thảo, lúc đó là Phó phòng, giao phụ trách lĩnh vực giáo dục (thay cho nhà báo Ngọc Tú, dành thời gian cho việc học tập nâng cao nghiệp vụ). Ngoài lĩnh vực, ngành thì quan điểm của Ban biên tập Báo Bình Phước là phân chia địa bàn phụ trách để phóng viên sâu, sát với cơ sở. Ban đầu, tôi được giao phụ trách huyện Bù Đốp, 3 năm sau chuyển sang địa bàn huyện Bù Gia Mập.

Năm 2019, Báo Bình Phước và Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước hợp nhất thành Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) nên phóng viên Phòng Chuyên mục - Chuyên đề như tôi không còn phụ trách lĩnh vực giáo dục cũng như địa bàn nữa mà thay vào đó thực hiện theo các chuyên mục, chuyên đề khác nhau.

Đam mê nghề giáo từ nhỏ cộng với sự yêu mến, lễ phép, kính trọng người thầy của học sinh vùng quê khiến ký ức thời trẻ luôn ùa về trong tôi mỗi khi đến với cơ sở giáo dục. Vì thế, dù ở BPTV chưa có chuyên mục về lĩnh vực giáo dục (do 2 cơ quan Sở GD&ĐT và BPTV chưa ký kết hợp tác tuyên truyền) nhưng khi được phân công thực hiện ở chuyên mục nào tôi đều hướng đến ngành giáo dục. Thời gian gần đây, một số chuyên mục tạm dừng phát sóng nhưng tôi vẫn không “bỏ quên” mà thể hiện tác phẩm, bản tin thông qua chương trình thời sự, báo in, báo điện tử.

Dành trọn sự ưu ái đối với bản thân

“Đam mê”, “bám” trọn nghề với ngành giáo dục không chỉ bởi tôi xuất phát từ ngành này mà từ sự “đặc ân” của thầy cô, cơ quan, đơn vị, đồng nghiệp đối với bản thân. Hàng chục năm nay, ngành giáo dục Bình Phước trở thành điểm sáng của cả nước về chất lượng nên tôi có nhiều đất để diễn, để khai thác. Mặt khác, các thầy cô, cán bộ trong ngành luôn dành trọn niềm tin yêu, trân quý, kính trọng mỗi khi tôi đến “tác nghiệp”. Khác với một số cán bộ ở cơ sở thường né tránh khi phóng viên liên hệ công tác thì các thầy cô lại rất cởi mở, thân thiện với truyền thông. “Lâu nay, không thấy em ghé thăm trường thầy”, “Mai anh lên trường em dự lễ và đưa tin nha”, “Trường chị có thầy này nhiệt huyết, đam mê sáng tạo, em xem có viết bài đăng báo được không nha”… Đặc biệt hơn, khi có vấn đề, sự kiện nổi bật, người đứng đầu ngành giáo dục đều trực tiếp gửi thông tin cho tôi liên hệ viết bài. Cũng từng xuất phát điểm từ giáo viên nên dù ở bất kỳ cương vị nào, nhà báo Diệp Viên vẫn lưu tâm đến lĩnh vực giáo dục. Khi còn là Tổng biên tập Báo Bình Phước và sau này là Phó giám đốc - Phó tổng biên tập BPTV, rồi về hưu làm Chủ tịch Hội Nhà báo, trong các cuộc họp giao ban chuyên môn hay trên bàn trà, anh Viên đều không quên gợi mở, chia sẻ cho tôi đề tài lĩnh vực giáo dục… Tất cả điều đó không chỉ là tình cảm trân quý mà là sự tin tưởng, kỳ vọng của các thầy cô, đồng nghiệp, người anh đối với bản thân.

Hiện nay vì bản thân phải phụ trách nhiều chuyên mục khác nhau nên lĩnh vực giáo dục ít được thể hiện hơn. Tuy nhiên, do đã nhiều năm gắn bó, dấn thân với mảng này nên dù viết không hay, không giỏi nhưng trong tôi luôn hướng về giáo dục. Nếu một vài tuần không có bài trên trang 8 báo in (trang thường dành cho giáo dục) thì tôi lại có cảm giác như mình không còn được viết báo nữa.


Và những trăn trở với nghề

Dù đã hơn 10 năm viết báo với hàng ngàn tác phẩm được đăng tải, phát sóng, nhưng cứ mỗi lần “con đẻ” của mình ra đời tôi luôn có cảm giác hồi hộp, vui sướng, nâng niu, đọc đi, xem lại nhiều lần. Một tác phẩm báo chí “ra lò” không phải là ý tưởng, sản phẩm riêng của cá nhân mà qua rất nhiều khâu biên tập, duyệt. Khi các anh, chị, em đồng nghiệp sửa mo-rát, biên tập, duyệt thì các lỗi chính tả, câu từ được hoàn thiện trơn tru, chuẩn xác và cô đọng hơn. Vì thế, việc đọc kỹ từng bài báo của mình, của đồng nghiệp cũng là cách để học tập kinh nghiệm, hoàn thiện cách làm báo của bản thân. Bài báo hay phải mang hơi thở của cuộc sống, được đông đảo bạn đọc, công chúng đón nhận, chia sẻ. Nhưng dù có hay đến mấy mà sai sót thông tin, nhất là những vấn đề nhạy cảm về chính trị, chức danh lãnh đạo thì mọi cái đều trở về 0, thậm chí phải trả giá rất đắt.

Với một số ngành, nghề, lĩnh vực khác có thể thay đổi thông tin về thời gian, địa điểm và các số liệu thì có thể hoàn thiện một bản báo cáo dài trang nhưng tác phẩm báo chí lại hoàn toàn khác. Từ một tấm ảnh, bản tin 50 từ đến một tác phẩm dài kỳ 10.000 từ đều được thực hiện hoàn toàn mới mẻ, không được trùng lắp câu từ, số liệu. Và có lẽ khó nhất đối với 1 tác phẩm báo chí là đề tài. Bởi tác phẩm phải vừa hấp dẫn, mang tính thời sự, được đông đảo bạn đọc đón nhận và có hiệu ứng trong thực tiễn cuộc sống thì phải hoàn toàn khác biệt, không được trùng đề tài với đồng nghiệp. Khi có được nội dung đề tài, tiến hành thu thập thông tin, tư liệu nhưng khi triển khai thực hiện thì lại gặp khó ở việc đặt tên đề tài. Bởi tên đề tài là linh hồn của cả tác phẩm nên phải mới, độc, lạ, kích thích sự tò mò của độc giả. Và khi đã có được tít lớn, tít phụ, sapo thì gần như hoàn thành 50% bài báo.

Thực tế trong cuộc sống thường nhật, phóng viên không khó để tìm ra đề tài hay. Tuy nhiên, đề tài nhạy cảm, dư luận xã hội đang quan tâm lại bị một số cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương né tránh nên rất khó tiếp cận. Còn đề tài dạng như gương người tốt, việc tốt lại “giẫm chân” lên nhau. Ví như đề tài “Đảng viên trẻ làm kinh tế giỏi”, có thể sử dụng vào bản tin thời sự, chuyên mục khởi nghiệp, sức trẻ, người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt, Đảng trong cuộc sống thậm chí là nông thôn mới. Vì thế, chỉ 1 nhân vật nhưng có nhiều phóng viên cùng liên hệ tác nghiệp. Đây cũng là vấn đề khiến cơ sở “bội thực” với đội ngũ phóng viên. Trong một lần thực hiện đề tài “Sức sống mới ở khu Hai Căn”, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, do là người đồng hương lại ít khi đến địa phương nên tôi được anh Chủ tịch UBND xã niềm nở tiếp đón. Làm xong việc đã gần 12 giờ nên lãnh đạo địa phương mời ê-kíp ở lại dùng cơm trưa. Đang bữa ăn vui vẻ, anh chuyên viên văn phòng xã buộc miệng nói: “Tuần này xã mình tiếp 12 đoàn nhà báo anh ạ”. Câu nói đó không biết có nhắc khéo gì mình hay không nhưng sao tôi thấy đắng miệng, nuốt không trôi cơm…

Không chỉ là trùng, khó tìm đề tài, thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc tác nghiệp của phóng viên cũng gặp không ít khó khăn do thông tin dần được bão hòa. Vì thế, để được công chúng đón nhận, mỗi phóng viên, nhà báo cần chủ động làm mới mình để sản xuất ra tác phẩm báo chí hấp dẫn, theo kịp với thời đại.

Với tôi, nếu tính tuổi “nghỉ hưu” thì còn khoảng 18 năm nữa. Trong cơ chế hiện nay cũng như khó khăn của cơ quan BPTV, không biết tới đây tôi có còn được thỏa sức niềm đam mê viết báo hay làm một việc khác ngoài ý muốn. Nhưng nếu được chọn lại tôi vẫn chọn nghề báo gắn với lĩnh vực mà mình yêu thích là giáo dục.

  • Từ khóa
144597

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu