Thứ 5, 09/05/2024 07:17:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 22:07, 16/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Chỉ là mơ ước

Thứ 5, 16/06/2022 | 22:07:14 3,001 lượt xem
BPO - Ngoài đi dạy, tôi rất thích viết văn, viết báo. Tôi luôn mong muốn mình trở thành một phóng viên. Tuy nhiên đó chỉ là mơ ước mà tôi hằng ước mơ.

Ngày học cấp ba, tôi muốn thi vào đại học báo chí nhưng mẹ tôi một mực ngăn cản: “Con nên thi sư phạm vì làm nghề báo phải đi đây, đi đó nhiều để viết bài, không có thời gian cho gia đình; còn làm cô giáo dễ có thời giờ rảnh chăm sóc chồng, kèm cặp con cái học hành. Hơn nữa huyện mình và các huyện vùng sâu, vùng cao đang thiếu giáo viên trầm trọng”. Lời mẹ nói nghe ra cũng có lý, tôi biết mẹ đam mê cho con đi nghề giáo vì các dì tôi đều là cô giáo. Tôi hiểu và thương ước mơ mà mẹ ấp ủ cho con gái nên quyết định chọn nghề sư phạm. Vì vậy chưa bao giờ hối tiếc vì tôi yêu mẹ, yêu nghề giáo, yêu học trò hơn bao giờ hết. Song mơ ước là một phóng viên luôn canh cánh trong lòng tôi.

Nhớ có lần, cô giáo dạy Lí luận văn học ở lớp sư phạm của tôi nói: “Nhiều người học báo chí ra trường lại đi dạy, còn có người học sư phạm văn ra trường thì theo nghề báo”. Tôi hiểu vì cô học ngành báo chí mà bao năm vẫn chưa rời bục giảng. Chợt thấy lòng lay động và tự hỏi: “Có khi nào ra trường mình theo nghề báo?”. Thế nhưng khi ra trường, như bị cuốn vào vòng xoáy, tôi phải đi dạy tăng cường cho trường Tiến Hưng một năm do thiếu giáo viên rồi vì cơm áo gạo tiền phải xoay sở làm thêm nhiều việc để bám nghề bám lớp nên chẳng còn thời gian nghĩ đến việc viết lách. Vậy mà mỗi lần biên tập làm báo tường, báo tập cho lớp, sự đam mê thức dậy trong tôi. Có lẽ vì thế báo tường, báo tập lớp tôi luôn được giải hạng cao, có lần vượt qua bốn mươi lăm lớp để đoạt giải nhất vì bao nhiêu tâm huyết tôi đã dành vào đó. Sau này, tôi không còn làm công tác chủ nhiệm nữa nhưng nhiều lớp vẫn nhờ cô làm báo tường. Trên lớp, tôi thường tâm sự với học sinh: “Có người nói đùa thế này: Nhà văn + nhà báo + nhà giáo = nhà nghèo, song “nhà” nào cô cũng thích nhưng trở thành nhà báo với cô chỉ là mơ ước”.

Điều mơ ước của tôi bắt đầu được nhen nhóm như nhúm cỏ khô cọ xát vào tảng đá xanh để khè ra lửa từ khi tôi bước chân vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Đây là ngôi nhà thứ hai chắp cánh cho tôi như chú chim non mềm yếu tập chuyền cành với sự say mê nhiệt huyết. Tôi lần mò đến thế giới văn chương và báo chí. Số đầu tay của tôi là hai bài được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Phước (đây là điều hiếm hoi vì mỗi số phát hành thường mỗi tác giả chỉ được một bài). Tôi thật sung sướng và hạnh phúc dù tiền nhuận bút không là bao. Nhớ có lần trò chuyện với một nhà báo, tôi nói: “Nếu bài được đăng thôi là đủ, không cần nhuận bút cũng được vì em muốn mọi người biết đến những gì mình viết, cảm nhận về cuộc sống hiện tại, thế giới con người…’’.

  Rồi tôi được tham gia nhiều chuyến đi biên giới. Nơi đây cùng các văn nghệ sĩ trải nghiệm, tôi đã hiểu cuộc sống, sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của chiến sĩ yêu và gắn bó với đồn thế nào. Tôi càng thấu đáo câu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Say mê thú vị nơi đồn biên giới và các đơn vị bộ đội trên địa bàn tỉnh mà tôi có nhiều bài ghi chép được đăng trên báo Bình Phước và tạp chí Văn nghệ tỉnh như: “Thành quả của Đồn biên phòng Lộc Thịnh’’, “Góc bình yên nơi biên giới’’, “Những việc làm cao cả”; cùng một số bài thơ được lên sóng Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước: “Vệt nắng biên thùy”, “Anh lính trinh sát”, “Hoa hồng bên súng”…

Tác giả thăm Đồn biên phòng Tà Pét. Ảnh: Huy Du

 Qua những chuyến đi thực tế được trải nghiệm, tôi cảm nhận, hiểu nhiều hơn, nhờ đó phần nào thấu được nỗi vất vả của nghề làm báo. Tôi trân quý công việc của phóng viên. Bởi họ là người tiên phong trong mọi lĩnh vực: Ngoài mặt trận bom rơi đạn nổ vẫn dũng cảm đối mặt để có những thước phim sống động. Hay nơi vùng bão lụt, lũ quét, đất lở họ đều có mặt để ghi nhận những hình ảnh, sự việc diễn ra qua lăng kính của mình nhằm tái hiện cho người đọc, nghe, xem hình dung, thấu hiểu được. Với tôi, nghề phóng viên thật thú vị, được đi đây đó, có mặt khắp mọi nơi. Mỗi lần xem truyền hình thấy phóng viên đang tác nghiệp ở một đất nước nào đó làm cầu nối truyền tải hình ảnh sự kiện về nước mình tôi thực sự ngưỡng mộ, thích thú. Nhất là những ngày đại dịch thương các bác sĩ và những người tuyến đầu chống dịch bao nhiêu tôi lại thương và khâm phục các phóng viên bấy nhiêu. Vì họ không ngại gian khó xông xáo nơi tuyến đầu lấy tin tức, hình ảnh để thông tin trên các loại hình hàng ngày, hàng giờ. Nếu là nhà văn hoặc người viết như tôi chỉ đơn giản ngồi ở nhà trong những ngày dịch viết một truyện ngắn, một bài cảm nhận thì nhà báo không đơn giản chút nào. 

Bao tấm gương xấu, tốt, hiện tượng, sự kiện… được mọi người biết đến nhờ sự tỉ mỉ ghi chép, quan sát, cảm xúc và hình ảnh chụp qua lăng kính của người làm báo. Với tôi nghề báo thật thú vị và thiết thực vô cùng. 

Bây giờ về hưu tôi đã thỏa niềm đam mê đi đây đó để viết. Tuy nhiên, sự tư duy sáng tạo vốn kiến thức còn rất hạn chế và sức khỏe không tiện. Vậy mới thấy làm phóng viên không đơn giản chút nào. Phải có một sức khỏe dẻo dai, ý chí kiên cường… Nhưng tôi sẽ cố gắng vén mở bức màn mây đang che khuất ước mơ tận chân trời xa tít: Phóng viên - tên gọi đầy cuốn hút và đam mê.

Nguyễn Ngọc Dung
(Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước)

  • Từ khóa
144580

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu