Thứ 5, 09/05/2024 07:26:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 21:35, 16/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Những “nhà báo” không chuyên

Trần Đình Hiếu
Thứ 5, 16/06/2022 | 21:35:22 2,865 lượt xem
BPO - Nói đến nhà báo, nhiều người cứ nghĩ rằng họ là những cử nhân khoa học xã hội được đào tạo bài bản từ các trường đại học báo chí. Thế nhưng, ở không ít cơ quan truyền thông có rất nhiều những nhà báo không chuyên. Đó là những cộng tác viên, thông tín viên, nhà văn, nhà thơ hoặc thậm chí chỉ là một người dân bình thường, họ thấy những việc làm, hành động đẹp mang tính nhân văn cao cả hay những hành vi không có văn hóa nơi công cộng liền rút điện thoại lia vài tấm hình, quay đoạn clip gửi về cơ quan báo chí... chỉ ít giờ sau đã thấy tên mình được ghi trang trọng cuối bài viết trên trang báo. Ta có thể gọi họ là nhà báo không chuyên. Và ngay cả bản thân tôi cũng có thể được gọi như vậy khi thường xuyên viết tin, bài cho các báo và tạp chí.

Trước đây, khi đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn cho mình một ngành, nghề để theo đuổi - nghề báo đã là một sự lựa chọn của tôi. Nhưng vì một cơ duyên nào đó mà tôi đã không được “dấn thân”! Tôi nhập ngũ và trở thành một sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng trong thâm tâm vẫn “day dứt”, nên tôi viết báo để thỏa mãn sở thích và đam mê.

Công tác trong ngành quân đội, với công tác chuyên ngành tưởng như khô cứng ấy tôi chợt nhận thấy rằng “ươm mầm” nghề báo trên mặt trận này dẫu khó khăn nhưng nếu thành cây sẽ rất vững chãi. Tôi đắn đo, suy tính và đi đến quyết định bắt tay làm báo theo cách “bán chuyên nghiệp”, một người lính viết báo, viết về hoạt động của lực lượng vũ trang và hoạt động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Qua kinh nghiệm công tác và thực tế của ngành, tôi viết tin, bài để tuyên truyền trước hết là tới nhân dân, giúp cho họ nhận thức được nhiệm vụ giữ gìn và đảm bảo quốc phòng - an ninh, về âm mưu của các đối tượng xấu, thủ đoạn của tội phạm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch… để họ có khả năng tự bảo vệ mình và cung cấp tin báo, tố giác tội phạm cho lực lượng chức năng để phòng ngừa, đấu tranh.

Các phóng viên: Quang Thạch, Phòng Chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Đông Kiểm, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) tác nghiệp trên đất bạn Campuchia. Ảnh: H.T

Thêm vào đó, nhiệm vụ, công tác quân sự, quốc phòng qua báo chí làm cho độc giả có thể thấy rõ hơn các mặt hoạt động, những công việc khó khăn vất vả của lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ, từ đó chung sức, đồng lòng giúp đỡ lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng và quân đội nói chung hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, nhân dân giao phó.

Như nhiều người nói: Viết báo thế nào cho đúng, cho hay? Một câu hỏi tưởng chừng như rất dễ nhưng xem ra lại không đơn giản chút nào. Làm thế nào để bài báo trở nên hấp dẫn đối với độc giả và có ý nghĩa xã hội? Điều đó đòi hỏi người làm báo phải tâm huyết, lao động miệt mài và sáng tạo không ngừng để mỗi vấn đề, một sự kiện qua ngòi bút của mình trở nên có sức hút đối với độc giả. Cũng như những nhà báo chuyên nghiệp, người làm báo không chuyên chúng tôi luôn thấu hiểu trách nhiệm xã hội của mình. Trước đây khi chưa tham gia viết báo, tôi chưa hình dung hết được sự phức tạp và khó khăn của công việc. Nhưng khi đã viết, tôi thấy làm báo không chấp nhận sự lười biếng, thiếu sáng tạo. Khi mới viết tôi chỉ nghĩ mình viết từ những gì mình được trực tiếp làm, trực tiếp giải quyết công việc, tức là tiếp cận vấn đề một cách dễ dàng, thuận lợi và đó cũng được coi là “thế mạnh” của người làm báo không chuyên. Tuy nhiên, để chuyển tới độc giả một cách đầy đủ, sâu sắc đến tận cùng của vấn đề muốn chuyển tải thì người làm báo chuyên hay không chuyên cũng đều phải dấn thân, đó cũng là cách người làm báo khẳng định mình, khẳng định được tâm huyết với công việc làm báo.

Ai đã đam mê nghề báo, thấu hiểu được công việc của người làm báo qua những trang viết đều thừa nhận đó là nghề nhiều khó khăn, lắm vất vả. Với những chiến sĩ như chúng tôi, khó khăn, vất vả ấy càng nhân lên gấp đôi. Khi mấy ai biết đằng sau những niềm vui, hạnh phúc mà nghề nghiệp mang về lại là những nỗi nhọc nhằn thầm lặng chỉ có anh em trong nghề mới hiểu mà chẳng biết chia sẻ với ai. Đó là những ngày tháng nhọc nhằn lăn lộn trên thao trường bãi tập với người chiến sĩ, mà mồ hôi đổ xuống ướt đẫm bờ vai, hoặc nhỏ thành giọt trên chiếc camera cũ mèm sờn rách. Có khi bất chấp hiểm nguy bám sát chiến sĩ đang nổ súng khi tham gia diễn tập bắn đạn thật, khiến thủ trưởng, đồng đội đứng trên vị trí tham quan cũng suýt đứng tim và phải thường xuyên nhắc nhở qua loa phóng thanh (vì khoảng cách của phóng viên và xạ thủ đạn hỏa lực quá gần dễ mất an toàn). Hoặc khi lăn lộn quên mình cùng chiến sĩ trên trận tuyến phòng chống thiên tai bão lụt, dịch bệnh, rồi khi không quản ngại vùng sâu, vùng xa, biên giới đến với nhân dân để có những khuôn hình sống động, chân thực của đồng bào đang nỗ lực cùng lực lượng vũ trang địa phương trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới…

Có thể nhận định rằng, nhiều bài báo được đăng tải, rèn luyện được cách viết và tăng sự sắc sảo trong mỗi bài báo, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, quan tâm của tòa soạn, của các nhà báo chuyên nghiệp. Những người làm báo không chuyên như tôi, có thuận lợi là được tiếp cận những gì muốn viết từ chính công tác chuyên môn của mình, có am hiểu nhất định về vấn đề, đề tài muốn viết. Song, thực tế việc viết ấy đôi khi chỉ mang tính tự phát, nhất thời, không có sự định hướng, kế hoạch viết hay sự phân công từ phía tòa soạn báo mà trực tiếp là Ban biên tập; nghiệp vụ báo chí hạn chế cũng là một trở ngại lớn đối với những người viết báo không chuyên…

Qua những lần cộng tác, bản thân tôi cũng mong muốn nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa từ tòa soạn báo như có kế hoạch cụ thể, chi tiết về nội dung, chủ đề báo muốn tuyên truyền; thường xuyên gặp gỡ trao đổi, hướng dẫn để chúng tôi nâng cao kiến thức, khả năng viết báo, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các cộng tác viên. Đồng thời có những trao đổi, phản hồi với tác giả, thông báo về bài viết gửi đến tòa soạn nhưng chưa hoặc không được đăng, để chúng tôi rút kinh nghiệm ở những bài viết sau được tốt hơn, hay hơn, cùng góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, giàu đẹp.

  • Từ khóa
144579

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu