Thứ 5, 09/05/2024 04:59:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 19:22, 15/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

“Chồng quay, vợ viết”

Thanh Nga
Thứ 4, 15/06/2022 | 19:22:46 3,750 lượt xem
BPO - “Ô, tụi em là vợ chồng à? Chồng quay, vợ viết, thích quá còn gì!”; “Oày, chồng quay, vợ viết, tiền về một nơi!” hay “Cả vợ, cả chồng đang còn ở đây thì con cái ở nhà ai chăm?”… là những câu nói vui, tò mò hay sự ngạc nhiên của nhiều người khi biết chúng tôi không chỉ là đồng nghiệp mà còn là vợ chồng. Bên cạnh sự yêu nghề, thì chính sự cảm mến, yêu quý của mọi người là động lực, niềm tin để chúng tôi sống trọn với nghề báo.

CÁI DUYÊN TỪ NGHỀ BÁO 

Trước khi trở thành đồng nghiệp với nhau tại Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), chúng tôi làm ở hai cơ quan khác nhau. Tôi là phóng viên tại Báo Bình Phước (thời điểm BPTV chưa hợp nhất), còn anh là quay phim của kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam, thường trú tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Gặp nhau từ những chuyến đi công tác hay những buổi cà phê cuối ngày chính là những bước đệm kết nối tình cảm chúng tôi. “Vì yêu mà ở lại”, anh từ chối quay về cơ quan ở Hà Nội, bắt đầu hành trình khá gian nan tại Bình Phước để ở lại cùng tôi. Tôi nhớ đó là những ngày cuối năm 2016. Những ngày thật sự khó khăn với anh…

Một thời gian dài phải “thử việc” trở lại, đến tháng 3-2018, anh trở thành quay phim chính thức tại Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước. Và tháng 10-2019, khi Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước và Báo Bình Phước hợp nhất thành Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, chúng tôi chính thức trở thành đồng nghiệp chung cơ quan và trước đó đã “chung nhà” được hơn 1 năm.

Ngày 21-6 hằng năm cũng là minh chứng cho số năm mà chúng tôi đã quyết định về chung một nhà

Lại nói về chuyện chúng tôi về chung một nhà, ngày ấy cũng liên quan đến nghề mà cả hai đam mê, tâm huyết. Đánh dấu cho sự kiện “chung nhà” đó chính là buổi chiều 21-6-2018. Mặc dù đã gần 5 giờ chiều, hai đứa vẫn nài nỉ chị công chức tư pháp ở phường “ưu tiên” để được đăng ký hết hôn vào ngày hôm đó. Nghe trình bày của hai đứa, cả chị công chức tư pháp và anh phó chủ tịch UBND phường đã nán lại và hoàn thành thủ tục cho chúng tôi. Thủ tục đăng ký kết hôn hoàn thành lúc 5 giờ 15 phút ngày 21-6 (Ngày báo chí cách mạng Việt Nam) kèm với đó là một bức thiệp chúc mừng do UBND phường gửi tặng. Thật sự đối với chúng tôi vô cùng ý nghĩa!

Là vợ chồng lại là đồng nghiệp, chính vì thế trong cuộc sống hay trong công việc, chúng tôi có nhiều điểm thú vị. Ngoài thời gian nghỉ ngơi hay một trong hai người phải đi công tác, hiếm khi không khí gia đình có sự im lặng quá 1 giờ. Bởi, chúng tôi có thể trao đổi nghiệp vụ, nói chuyện Đông, chuyện Tây ở mọi lúc, mọi nơi. Hoặc khi đang đi dạo trên đường, bắt gặp một hình ảnh hay, chúng tôi lại “rà trúng sóng” cùng phân tích xem nội dung đó có thể thực hiện được phóng sự hay không; nếu được thì triển khai như thế nào để gửi “hơi thở” cuộc sống vào đó…

Tình yêu nghề báo còn vui hơn khi cùng nhau công tác và “bị” các cô, chú, anh chị ở cơ sở phát hiện chúng tôi là vợ chồng. Thấu hiểu nghề báo vốn vất vả thì bên cạnh những câu bông đùa, đó còn là những lời động viên, khích lệ của mọi người để chúng tôi cố gắng hơn. Tất nhiên lúc đó ngoài trách nhiệm công việc thì sự “tự hào” còn trỗi dậy hơn rất nhiều. Chúng tôi càng thêm yêu nghề và “yêu” luôn những nhân vật mà mình có dịp gặp gỡ, trao đổi.

ĐỒNG CẢM VỚI NHAU HƠN TRONG NGHỀ

Cơ quan sau hợp nhất với nhiều sự thay đổi, đặc biệt yêu cầu đổi mới cách thể hiện, hình thức của tất cả tin tức, phóng sự cho đến format các chuyên mục, chuyên đề. Và thực sự khi là đồng nghiệp cùng nhau trên một chuyến tàu đó, tôi cảm nhận mình có nhiều lợi thế. Trước hết, khi tôi đưa ra một nội dung cần thực hiện, ngay lập tức, người đồng nghiệp “đặc biệt” này sẽ tư vấn tôi hình ảnh đi kèm, những cụm hình cần quay để đi vào trọng tâm câu chuyện, tránh dàn trải và lan man hình ảnh; thậm chí còn góp ý cho tôi nên đặt câu hỏi như thế nào cho gọn, để nhân vật dễ trả lời… Những tư vấn đó giúp tôi định hình lại đề tài của mình một cách gọn gàng và chi tiết nhất. Và khi bắt tay thực hiện, từ nội dung đến hình ảnh đều được sát sao và lan tỏa thông tin một cách tốt nhất.

Vốn dĩ là người miền Trung, vì “ngại” với chất giọng cũng như ngoại hình nên hiếm khi tôi tham gia dẫn hiện trường cho phóng sự của mình. Trước yêu cầu đổi mới nội dung của Ban giám đốc - Ban biên tập, “điểm yếu” này của tôi cần nhanh chóng khắc phục, nếu không chương trình sẽ không thu hút được khán, thính giả và không được đánh giá cao.

Vợ chồng cùng làm nghề báo đã cho chúng tôi nhiều lợi thế, từ sự cảm thông, chia sẻ trong cuộc sống lẫn nghề nghiệp

Hiểu ra điểm hạn chế của tôi, người đồng nghiệp “đặc biệt” đã hỗ trợ nhiệt tình để tôi có thể tự tin hơn. Trong tâm thế “sẵn sàng”, người đồng nghiệp này vẫn vui vẻ bấm máy cả chục lần để tôi có thể hoàn thành phần dẫn hiện trường một cách tốt nhất. Và khi tác phẩm hoàn thành, được bạn đọc, người xem đón nhận, chúng tôi thực sự rất vui và tạm hài lòng với sản phẩm mình làm ra. Sau mỗi chương trình phát sóng, trong bữa cơm gia đình chúng tôi xem lại và rút ra những điều chưa hay, chưa tốt ở tác phẩm đó để tích lũy thêm cho mình những kinh nghiệm cho tác phẩm tiếp theo.

21-6 hằng năm luôn là một ngày đặc biệt với người làm báo như chúng tôi. Bởi đó là ngày để tôn vinh những người làm báo, những người vốn rất được xã hội trọng dụng bởi có trong tay rất nhiều thông tin và nhiều mối quan hệ. Và ngày 21-6 hằng năm cũng là minh chứng cho số năm mà chúng tôi đã quyết định về chung một nhà. Ngày 21-6 rình rang ở ngoài xã hội và cũng có một ngày 21-6 rất riêng đối với cả gia đình nhỏ của chúng tôi! Bởi chúng tôi vẫn hay đùa với nhau rằng: Nếu không nhờ nghề báo, chắc gì bây giờ đã biết được mặt nhau!

Cảm ơn nghề báo, cảm ơn người đồng nghiệp “đặc biệt” của tôi!

  • Từ khóa
144516

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu