Thứ 5, 09/05/2024 02:33:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 19:08, 15/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Chuyện bây giờ mới kể

Diệp Viên
Thứ 4, 15/06/2022 | 19:08:03 2,701 lượt xem
BPO - Nếu tính cả thời gian tập sự, đến nay tôi đã có suýt soát 40 năm gắn bó với nghề làm báo. Hằng năm, mỗi khi ngày 21-6 đến gần, tôi lại thả lòng mình lang thang về miền ký ức sâu thẳm. Dẫu biết rằng năm tháng đã lặng lẽ mang theo những kỷ niệm đi vào dĩ vãng. Song, trong những ngày này, tôi vẫn cứ muốn “lội ngược thời gian” để trở về quá khứ, về với những dấu ấn không thể nào quên. Và, “chuyện bây giờ mới kể” là một trong số đó, bởi chính kỷ niệm này đã mang lại cho tôi bài học nhớ đời về tác nghiệp trong thế giới phẳng.

…Giật gân, phản cảm và bất nhân

Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 8-6-2016, lúc đó tôi đang ngồi duyệt bản bông (bon) để nhân viên tòa soạn chỉnh sửa lần cuối trước khi chuyển cho nhà in, thì nghe tiếng gõ cửa. Mời vào! Tôi vừa nói xong thì nhà báo Trần Phương, khi đó là Thư ký Tòa soạn mở cửa bước vào và báo cáo ngay: Trên mạng xã hội vừa xuất hiện một clip với tựa đề “Công an Bình Phước bắn chết ông già 80 tuổi”. Không những tựa đề giật gân, có dấu hiệu bịa đặt mà nội dung của clip này cũng rất phản cảm và bất nhân…, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận về hình ảnh của lực lượng công an. Đề nghị đồng chí Tổng biên tập gác lại bài trong chuyên mục bình luận, thay bằng bài viết về sự việc này.

Nghe báo cáo xong, tôi đề nghị chuyển đường link của clip trên để tôi xem và sẽ có ý kiến chỉ đạo sau. Sau 15 phút xem xong clip, tôi nhận thấy nhận xét của Thư ký Tòa soạn khá chính xác. Hơn nữa, sự việc lại xảy ra tại địa bàn “nóng” về tệ nạn xã hội từ nhiều năm – thôn 7, xã Long Hà, huyện Phú Riềng. Và chỉ sau hơn một giờ xuất hiện trên mạng, clip này đã có hơn chục ngàn lượt người xem. Phải có phản hồi để ngăn chặn clip có nội dung phản cảm, không khách quan này. Suy nghĩ như vậy và tôi đã liên lạc qua điện thoại với Đại tá Trần Thắng Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, hiện là Thiếu tướng, Phó cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an.

Nhà báo Diệp Viên (đứng) giới thiệu với các độc giả ấn phẩm của Báo Bình Phước tại Hội báo xuân Nhâm Thìn 2012. Ảnh: H.T

Sau khi nghe xong đề nghị của tôi cần phải thông tin về vụ việc để định hướng dư luận, đồng thời chỉ ra những những nội dung sai sự thật để cộng đồng mạng cùng tham gia phản bác, vì là vụ việc nhạy cảm và chưa có kết quả xác minh cuối cùng, nên Đại tá Phúc có phần lưỡng lự, e ngại. Hiểu được suy nghĩ này, tôi nói rằng tòa soạn chỉ cần những thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng và chúng tôi sẽ chỉ cho cư dân mạng thấy rõ những nội dung sai sự thật trong clip. Hơn nữa, nếu không thông tin kịp thời thì hình ảnh của lực lượng công an Bình Phước sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi sự việc bị các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng để xuyên tạc trên các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài. Nghe tôi phân tích vậy, Đại tá Phúc đồng ý, nhưng yêu cầu tôi chờ 10 phút để đồng chí xác minh lại lần cuối trước khi thông tin lại cho tôi.

Sự thật được làm sáng tỏ

Sau khi nhận được thông tin phản hồi và đồng thuận từ Giám đốc Công an tỉnh, tôi yêu cầu Thư ký Tòa soạn Trần Phương trực tiếp viết bài phân tích, bình luận để phản bác lại thông tin thiếu khách quan, không chính xác và chụp mũ trong nội dung clip trên. Thứ nhất là trong đoạn đầu của clip có tiếng súng và người xem để ý kỹ sẽ thấy cả khói súng. Thế nhưng khoảng hơn 2 phút sau thì mới thấy một ông già đầu bạc mặc áo quần đùi và dài tay bước vội từ trong nhà ra ngoài sân. Vậy nhưng tác giả của clip trên lại khẳng định rằng “Công an Bình Phước bắn chết ông già 80 tuổi”. Bị bắn chết trước đó hơn 2 phút thì làm sao còn đi được? Vì thế, đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt. Thứ hai, ông già trong clip trên có phải chết vì bị bắn hay không? Câu trả lời là hoàn toàn không. Sự thật là ông này chết vì bệnh lý – nhồi máu cơ tim, và một phần do chính những người thân trong gia đình vì cố tình không đưa ông già đi cấp cứu kịp thời.

Trước đó, một người con trai của ông già này là đối tượng có tiền án và nhiều tiền sự liên quan đến hành vi đánh bạc. Lực lượng an ninh đã theo dõi nhiều lần nhưng chưa bắt được đối tượng. Hôm đó, đối tượng về nhà và 2 chiến sĩ cảnh sát đến và yêu cầu đối tượng về trụ sở công an xã để làm việc. Nhưng đối tượng đã tháo chạy và ngay lúc đó, tất cả người thân trong gia đình, dòng họ ở gần đó đã kéo tới ngăn cản, chống đối không cho 2 chiến sĩ công an thi hành nhiệm vụ. Trong số đó, có không ít phần tử có liên quan đến một số vụ đánh bạc tại địa phương đã có hành vi kích động, xô đẩy, lăng mạ, hành hung hai chiến sĩ công an. Trước tình hình đó, một chiến sĩ đã nổ súng chỉ thiên để cảnh cáo và yêu cầu mọi người giải tán.

Thế nhưng, số người kéo đến mỗi lúc một đông và vây quanh hai chiến sĩ công an để đối tượng đào thoát. Thấy vậy, ông già – bố của đối tượng từ trong nhà bước vội ra sân. Tuy nhiên, vì vướng vào bậc cửa nên ông ta đã bị té. Sau khi được một số người dìu lên, nhưng ông già không đứng mà ngồi bệt trên mặt sân, hai chân duỗi về phía trước, miệng la hét và hai tay khua lên khua xuống. Một lúc sau, dường như bệnh tim tái phát, ông già ngồi bất động. Thấy vậy, một chiến sĩ cảnh sát yêu cầu đưa ông già đi cấp cứu, nhưng đám đông dứt khoát ngăn cản. Trước tình thế đó, chiến sĩ công an đã phải hét lên rằng, nếu ông già có mệnh hệ gì thì chính các anh chị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đến lúc đó, đám đông mới giãn ra và chính hai chiến sĩ công an đã đưa ông già đi cấp cứu. Tuy nhiên, vì bệnh cũ tái phát nên ông già đã tắt thở tại trạm y tế xã.

  Nội dung sự việc là vậy và ngay sau khi bài viết được thực hiện xong các khâu, tôi yêu cầu cho đăng tải ngay lên Báo Bình Phước online. Hôm sau, ngày 9-6, tờ báo in được phát hành vào lúc 6 giờ, đến 9 giờ thì tôi nhận được điện thoại cảm ơn của Giám đốc Công an tỉnh, vì Báo Bình Phước đã thông tin kịp thời, rõ ràng, chính xác. Thực tế là sau khi bài báo được đăng tải trên Báo Bình Phước online thì clip trên số người truy cập đã giảm nhanh và đến trưa thì không còn ai xem. Ngược lại, bài viết trên Báo Bình Phước online có số lượt người truy cập tăng nhanh và gấp nhiều lần so với số lượt người xem clip, với nhiều bình luận đồng thuận và khen ngợi. Và điều quan trọng hơn là sau đó mấy ngày, người đăng tải clip kia đã tự gỡ bỏ. Hiện trên kênh Youtube còn tồn tại clip này nhưng đã bị cắt bỏ phần đầu, phần cuối và đoạn giữa có nhiều chỗ bị bôi mờ, đồng thời hình ảnh rung lắc, nhòe nên rất khó xem.

Nhà báo - đừng là người đưa tin hạng hai

Từ sự việc trên cho thấy, trong thế giới phẳng ngày nay, nếu ai đó có trong tay chiếc smartphone  - điện thoại thông minh thì cũng có thể trở thành người đưa tin. Trong khi đó, đây cũng là công việc chính yếu và thường nhật của một phóng viên, nhà báo. Với nền tảng của công nghệ 4.0, người đưa tin đã chiếm ưu thế so với phóng viên, nhà báo về thời gian. Vậy nên, vấn đề đặt ra ở đây là phóng viên hay nhà báo tuy đi sau, song phải làm gì để có chỗ đứng trong lòng bạn đọc? Nói cách khác là nhà báo phải làm gì để giữ chân bạn nghe, bạn xem đài và bạn đọc báo? Nếu không trả lời được câu hỏi này thì nhà báo chắc chắn và mãi mãi chỉ là người đưa tin hạng hai mà thôi!

Trước hết, mỗi nhà báo phải thấm nhuần lời dạy của nhà báo vĩ đại trong mọi thời đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng: “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì”?, “Viết cho ai”, “Viết thế nào”? Vì, viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Do đó, đòi hỏi mỗi nhà báo không chỉ có tác phong làm việc nhanh nhạy, kịp thời mà cần phải có thái độ bình tĩnh, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác. Nhanh nhạy nhưng không hấp tấp, bình tĩnh nhưng không chậm chạp, tỉ mỉ nhưng không lề mề, kịp thời nhưng không cẩu thả. Và quan trọng hơn nữa là mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đó là tác phong làm báo của một nhà báo có bản lĩnh chính trị, có trách nhiệm xã hội trong thời đại 4.0.

  • Từ khóa
144515

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu