Thứ 5, 09/05/2024 05:40:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 17:39, 15/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Sống cuộc đời phong phú

Phương Dung
Thứ 4, 15/06/2022 | 17:39:24 2,383 lượt xem
BPO - Hơn 15 năm làm báo, với tôi giờ đây dù đó là công việc hàng ngày, nhưng mỗi khi tháng 6 về, nó luôn mang theo những cảm xúc thi vị cho một nghề mà mình đã chọn.

Sáng sớm, không cài báo thức, tôi chợt nghe tiếng ting ting từ chiếc smartphone bên cạnh. Như một bản năng, tôi choàng tay quơ lấy chiếc điện thoại (vì biết đâu có một sự kiện đột xuất mà đồng nghiệp đang cần hỗ trợ gấp) để mở xem tin nhắn. Một sự ngọt ngào trỗi dậy xâm chiếm cả người tôi, đọc đến đâu những con chữ khiến tôi tỉnh ngủ đến đó: “Chào nhà báo, anh đã đặt mua được Mỳ Quảng, sáng cầm qua nhưng nhà chưa mở cổng, anh treo cẩn thận rồi, anh mời cả nhà ăn sáng”.

Làm báo tôi luôn có những niềm vui bất ngờ như vậy. Vui như cái 21-6 năm nào, tôi nhận được một lẵng hoa và lời chúc dễ thương: “Thay mặt bà con ấp…. xã …. chú chúc cháu 21-6 thật vui và viết ngày càng khỏe nhé”. Số là trước đó khá lâu, tôi có viết bài phản ánh về sự đoàn kết giữ gìn văn hóa truyền thống ở một khu dân cư. Các cô chú gặp được tôi vui lắm, kể biết bao là chuyện về những bất cập của cuộc sống hiện đại khiến các nét văn hóa truyền thống chao đảo. Con cái thì bận bịu với cuộc sống xô bồ, cháu chắt thì mê đồ công nghệ hơn ông bà. Thấy lạc lõng, các cô chú mới bàn nhau lập ra sân chơi nho nhỏ, quy tụ 5-6 gia đình để dạy các cháu học hát cải lương. Không ngờ đến nay sân chơi ấy vẫn phát triển và trở thành điểm sáng của khu dân cư.

Tác giả Phương Dung (bìa trái) cùng ê kíp sản xuất chương trình Hành trình Bình Phước tại núi Bà Rá, thị xã Phước Long

Thời nay, người ta thường hay nhắc đến 2 từ trải nghiệm và với tôi, những trải nghiệm đặc biệt trong nghề báo khiến tôi thấy cuộc sống của mình thật phong phú, thậm chí tôi được sống nhiều hơn 1 cuộc đời mà tôi có. Cái thú của nghề báo là sự tự do, được đi nhiều, biết nhiều, tích lũy được nhiều kinh nghiệm để làm giàu thêm vốn sống cho bản thân. Quá trình tác nghiệp, nhà báo chúng tôi có thể gặp bất cứ ai, từ người lao công, phụ hồ, nông dân, trí thức, doanh nhân, cho đến các lãnh đạo cấp cao… Đó là điều mà không phải nghề nào cũng có được. Càng trải nghiệm nhiều, tôi thấy nhiều người còn bất hạnh, kém may mắn hơn mình. Có người không có chân tay, có người không thể nhìn thấy ánh sáng, có người đang phải vật lộn với những căn bệnh nguy hiểm… Khi đồng cảm với những trái ngang cuộc đời của nhân vật, tôi học được ở họ sự mạnh mẽ vươn lên. Đó là hành trình đứng lên của ông chủ Gara ô tô không chân Đặng Quốc Tài (Gara ôtô Miền Đông, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài), nghị lực sống của cô gái không tay chân Dương Thị Thắm (huyện Chơn Thành); sự cho đi vô điều kiện của anh Điểu Giá (huyện Phú Riềng)… Thử đặt mình vào hoàn cảnh của những nhân vật mà nghề báo tạo điều kiện cho tôi có cơ duyên được gặp gỡ, tôi càng cảm thấy yêu và biết ơn cuộc sống. Vì thế tôi đã tận dụng thời gian một cách triệt để để sống một cuộc đời ý nghĩa mà tôi mong muốn. Nghề báo đòi hỏi sự nỗ lực, vì vậy tôi học cách hy sinh, chấp nhận nhọc nhằn, đánh vật với từng con chữ. Nhờ đó, nghề báo đã giúp tôi hiểu hơn về cuộc đời, cho tôi cơ hội để hiểu mình và phát triển bản thân, biết sống vì cộng đồng.

Tác giả tham gia chuyến thiện nguyện tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú

Mỗi dịp 21-6, nghề báo lại giúp tôi gom nhặt những kỷ niệm thật đẹp về nghề, về hơi thở cuộc sống, về những nhân vật tôi đã gặp, đã viết. Để rồi, khi đọc lại các bài viết của mình, tôi vẫn thấy bồi hồi, xao xuyến bởi như nhìn thấy được những nhiệt huyết của tuổi trẻ. Hơn 15 tuổi nghề, tôi thấy mình ngày càng trưởng thành trong nghề “xếp chữ”, có kinh nghiệm khi chuyển tải “thông tin cứng” trở nên mềm mại, biết cách hướng độc giả đi tìm giá trị của cuộc sống, chân - thiện - mỹ của cuộc đời. Gắn bó với nghề viết đủ lâu, tôi còn tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp về các thể loại báo chí để làm phong phú hơn cách thể hiện tác phẩm, hướng tới đáp ứng nhu cầu của đông đảo khán thính giả, độc giả thời 4.0. Việc chủ động mở mới chương trình “Sách - Người bạn tốt” trên sóng phát thanh, báo in và mạng xã hội đã góp phần khẳng định giá trị của văn hóa đọc trong đời sống xã hội, đồng thời giúp bạn đọc tiếp cận được với những cuốn sách hay, làm phong phú tâm hồn và xây dựng lối sống đẹp. Với tôi, sự ủng hộ của thính giả, độc giả không chỉ là niềm vui, mà còn là món quà quý mà nghề báo đã trao tặng để tôi tự tin tiếp tục thực hiện sứ mệnh nghề mình đã chọn.

Nghề báo luôn có sức hấp dẫn đặc biệt, bởi đi nhiều, biết nhiều, sản phẩm được nhiều người biết đến và hữu ích cho xã hội. Giờ nghĩ lại, dù so với đồng nghiệp, việc mình làm còn quá ít, đóng góp của mình với cộng đồng còn quá bé nhỏ, nhưng nói thật, tôi vẫn luôn mong được tiếp tục gắn bó với nghề nhiều hơn nữa.

  • Từ khóa
144507

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu