Thứ 5, 09/05/2024 05:10:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:54, 15/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Chiếc xe cũ kể những câu chuyện xưa

Huỳnh Nguyên
Thứ 4, 15/06/2022 | 10:54:45 947 lượt xem
BPO - Thời điểm mới thành lập năm 1997, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước gặp rất nhiều khó khăn, cả về nhân lực đến cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị dựng phim, camera… Lúc đó 2, 3 phóng viên sử dụng chung một cái máy, muốn có máy thì phải đăng ký như đăng ký xe đi công tác bây giờ... Xe máy thời đó đối với nhiều anh em phóng viên chỉ là giấc mơ. Cả cơ quan chỉ có mỗi chiếc Toyota cá mập đời 1993, thường trực tại Bình Dương, phục vụ hoạt động của Ban giám đốc và “bộ chỉ huy”. Còn bộ phận thường trú tại Đồng Xoài có chiếc môtô Angel 80, biển số xanh 93B1-0079.

Đây là chiếc môtô đầu tiên và cũng là duy nhất tỉnh cấp cho đài, nên rất được trọng dụng. Trải qua 25 năm, chiếc xe này vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh, tiếp tục góp sức cho đời, ghi lại nhiều cảm xúc cho người.

Chiếc xe môtô của Đài PT-TH Bình Phước dành cho phóng viên tác nghiệp ở cơ sở từ những năm mới thành lập 1997 - chiếc xe nhiều kỷ niệm

Ngày đầu xuất trận, chiếc xe môtô này “cõng” phóng viên và bác Hai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước, xông pha vào ấp Thạch Màng, nơi có dịch bọ xít muỗi tàn phá vườn điều đang ra hoa đậu trái. Hậu quả của chuyến công tác này là chiếc xe bị gãy 2 cây căm, thủng lốp, bác Hai phải phụ đẩy, 5 giờ chiều mới về tới nhà.

Ngày mới thành lập, tần suất phát chương trình thời sự của đài là 3 ngày/lần, do đội ngũ phóng viên chưa tới 8 người thực hiện. Anh em hầu hết mới ra trường, rất nhiệt huyết, năng nổ, nên chiếc xe vì thế cũng dành hết “tuổi trẻ” xông pha, có mặt gần như cả 100% xã, cho dù là xa nhất như Bù Gia Mập hay Đăng Hà. Ngày ấy đi Đăng Hà vào mùa mưa, không cẩn thận là bị lũ cuốn… cả người lẫn xe. Cực khổ là vậy nhưng bù lại phóng viên được lãnh đạo và nhân dân địa phương, cơ sở rất quý mến, tiếp đãi thân tình…

 Ngoài nhiệm vụ chở phóng viên đi công tác, chiếc xe còn kiêm luôn nhiệm vụ chở băng video lên núi Bà Rá để phát sóng. Chuyện là thế này, ngày mới thành lập đài, trang thiết bị phục vụ sản xuất chương trình, phát sóng rất thiếu thốn nên quy trình sản xuất, phát sóng chương trình rất phức tạp, tốn kém nhiều chi phí và không an toàn.

Đầu tiên là phóng viên khai thác tin tức, sự kiện ở tỉnh Bình Phước, sau đó gửi băng hình gốc, kèm giấy viết tay lời thuyết minh về Bình Dương cho Ban biên tập bằng “xe tốc hành”. Ở phần hậu kỳ, một nhân viên đánh máy sẽ đánh lại tất cả bản tin viết tay của phóng viên thành 5 bản, kỹ thuật viên sản xuất chương trình tổ chức dựng hậu kỳ “nhờ” tại Đài Bình Dương. Chương trình sau khi thành phẩm lại được gửi ngược về Phước Long bằng xe đò. Các kỹ thuật viên phát sóng trực ở đồi Bằng Lăng lại dùng chiếc Honda 250 phân khối chở cái thùng băng phát sóng trong 3 ngày, băng băng lên, xuống đồi, nhiều khi quên cả đèo dốc, trơn trượt nguy hiểm để kịp giờ.

Từ đồi Bằng Lăng, 2 kỹ thuật viên với hành trang đủ cho cuộc sống 3 ngày trên đỉnh Bà Rá, lập tức cõng thùng băng, chạy đua với thời gian, vượt 1.738 bậc thang núi rừng, lên đỉnh cao Bà Rá, nơi đặt máy phát sóng… Ngày đó chưa có cáp treo và kỹ thuật số nên sự cố phát sóng xảy ra thường xuyên là chuyện khó tránh, nhất là ở “trường đoạn đưa hình” lên đỉnh núi Bà Rá. Khắc phục tình trạng này Đảng ủy, Ban giám đốc đã quyết tâm di dời toàn bộ trụ sở, trong đó có bộ phận sản xuất chương trình đang “ăn nhờ ở đậu” Đài Bình Dương về Đồng Xoài. Từ đây chiếc xe 93B1-0079 đảm đương thêm nhiệm vụ cùng anh Bùi Thành “chở hình” lên sóng.

Đoạn đường chưa tới 60km từ Đồng Xoài đến Phước Long ngày đó nhỏ xíu, nhiều đoạn lởm chởm đá nên đi lại vất vả lắm, chạy gần hai tiếng đồng hồ mới tới, chưa kể những sự cố lọt ổ gà, ổ trâu, té ngã, ướt băng video phát sóng… trong những ngày mưa bão là chuyện rất bình thường.

Một trong hai chiếc xe Daihatsu của đài gắn bó hơn 20 năm, bị sự cố mắc lầy trong một lần công tác tại xã Tân Phước, huyện Đồng Phú

Sau này, đài được lãnh đạo tỉnh quan tâm trang bị thêm nhiều phương tiện phục vụ công tác, nhằm đảm bảo an toàn cho người và trang thiết bị trị giá vài trăm triệu đồng của đài. Năm 2007, chiếc xe 93B1-0079 chính thức được hóa giá.

Nay, mỗi lần nhìn chiếc xe già nua, cũ kỹ, chủ nhân mới của chiếc xe là một phóng viên của đài cười ngượng nghịu: “Bây giờ, nó không chạy nổi quá 20km/h, bố thắng bị hư, em chưa sửa được, chỉ mình em dùng nó trong trường hợp khẩn cấp, đột xuất như qua UBND tỉnh chẳng hạn… Em tính hiến tặng nó cho “bảo tàng” của cơ quan như là một kỷ niệm, kể về một thời gian khó của những ngày đầu xây dựng đài”…

Mới đó 25 năm đã trôi qua, mỗi khi nhìn chiếc xe để dưới bóng mát của cây điều trong khu tập thể cơ quan, trong tôi nhiều kỷ niệm lại ùa về, niềm vui tuổi trẻ lại trỗi dậy. Đã có một thời chúng ta làm báo đầy gian khó như thế…

Chiếc xe như một vật chứng của quá khứ để biết trân trọng hiện tại và có thêm động lực vì sứ mệnh của những người làm báo cách mạng trong tương lai.

  • Từ khóa
144485

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu