Thứ 4, 08/05/2024 20:02:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 17:45, 15/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Đặc ân nhà báo

Đông Kiểm
Thứ 4, 15/06/2022 | 17:45:16 2,693 lượt xem
BPO - “Khi viết về đề tài nào thì đi thật sâu vào đề tài đó, bám lấy nó đến tận cùng của sự việc. Biết mười, hiểu bảy, viết ba để đưa đến độc giả những thông tin trung thực, khách quan và gần gũi nhất có thể. Khi nào mày tự tin đứng trước Thủ tướng giống như đứng trước một bác nông dân chân lấm, tay bùn kia thì khi đó mới thật sự là nhà báo. Chúc mày thành công với nghiệp viết lách” - lời nhắn gửi của người bạn trước khi tôi đặt chân thử việc tại Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước vào một ngày cuối năm 2001.

DUYÊN NGHIỆP

Ngày ấy, tôi một mình đến Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước để thử việc “nghiệp viết lách” với con số 0: Không người thân, không bạn bè, không phương tiện di chuyển, không (chưa) được xuất camera như những phóng viên đã ký hợp đồng để đi tác nghiệp… Bình minh lên, tôi thức giấc cùng đôi chân của mình tìm đến cơ quan và chờ đợi tin phân công. Điệp khúc đi - về cứ thế trôi qua cả tháng trời tôi mới được phân công đi một vài tin hội họp. Nhuận bút tháng đầu tiên của tôi được 60.000 đồng, còn cơm chay bình dân ngày ấy 2.500 đồng/đĩa.

Tác giả tác nghiệp ghi nhận hoạt động tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh tại tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia của Đội K72, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước - Ảnh: Hoàng Thu

Thời gian thử việc đã hai tháng trôi qua, tôi chưa có bài viết nào để phát sóng. Dự báo mình không thể gắn bó với nghề, tôi tìm mua tờ báo Tuổi Trẻ để tìm kiếm việc làm mới trên mục “Người tìm việc, việc tìm người” trên báo. Tôi tìm khắp thị xã lúc bấy giờ chỉ có duy nhất mỗi sạp báo tại ngã tư Đồng Xoài. Thế nhưng tất cả con đường trung tâm thị xã gần như đầy ắp hàng quán xá. Khác với Sài Gòn, Đà Lạt hay những thành phố khác trong cả nước, người thưởng thức cà phê buổi sáng ở Đồng Xoài gần như không có thói quen cầm tờ báo trên tay mà thay vào đó là điếu thuốc lá với bao chuyện thường ngày. Chiều đến, các quán nhậu nhộn nhịp không kém gì cà phê ban sáng. Thư viện tỉnh, thư viện Trường cao đẳng sư phạm Bình Phước lúc ấy mặc dù nằm giữa trung tâm thị xã vẫn chỉ dăm ba người tìm đến. Sự đối lập của cuộc sống đặt cho tôi đề tài “Bạn đọc Đồng Xoài với báo chí”. Bài viết xong, tôi nhờ một đồng nghiệp quay phim. Thư viện, bưu điện văn hóa xã trống trơn người đọc thì quay được khá dễ dàng, còn những quán nhậu, cà phê thì đồng nghiệp không dám bước chân vào quay phim. Để tạo động lực cho đồng nghiệp, tôi liều mạng vào một quán nhậu trình bày lý do để xin được quay phim làm phóng sự. Từ chủ quán đến khách đều vui vẻ nhận lời cho quay thoải mái. Với cảm hứng có được đó, tôi và đồng nghiệp mạnh dạn vào một quán cà phê đang có một nhóm thanh niên tụ tập đánh bài tiếp tục xin được quay phim. Cả chủ và khách tiếp tục đồng ý…

Bài viết tôi hoàn thành sau một tuần tìm kiếm thông tin và hình ảnh, nhưng cả tháng trôi qua, bài viết chưa được lãnh đạo phòng duyệt phát sóng. Thời hạn thử việc sau 3 tháng đã đến, tôi vẫn chưa có phóng sự nào “lên sóng” trừ những tin tức được Ban biên tập phân công.

Ngày gặp Giám đốc để nhận quyết định có được hợp đồng làm phóng viên hay không đã đến, tôi chơi vơi lên Phòng Thời sự tìm lại bản thảo viết tay của mình đặt lên bàn giám đốc mà không hy vọng mình sẽ được tiếp nhận. Tôi ra về với bao toan tính không định lượng.

Sáng hôm sau, tôi lại lên cơ quan để chờ đợi tin phân công. Nhưng không giống như mọi ngày, một đồng nghiệp gặp tôi nở nụ cười tươi xinh kèm với lời chúc mừng. Người thứ hai tôi gặp cũng câu nói và nụ cười như thế, rồi đến người thứ ba, thứ tư… Tôi ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì đang xảy ra mới tìm gặp Phó trưởng phòng Hưng Cát để tìm hiểu thêm. Cát bảo: “Bài viết của anh được giám đốc khen thưởng đột xuất vì có ý tưởng mới, lạ”. Từ đó, tôi chính thức được ký hợp đồng làm việc với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước. Nó như một đặc ân tôi có được trước khi chính thức trở thành một phóng viên thực thụ.

PHÍA SAU ĐẶC ÂN NHÀ BÁO

Người làm báo được mệnh danh là “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Chức  năng, nhiệm vụ của nghề báo cũng đã được quy định rất rõ theo Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan chức năng. Và nghề báo cũng giống như mọi ngành nghề khác trong xã hội. Nếu nhà báo được ví như chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng thì nhà giáo được ví như kỹ sư tâm hồn. Nghề y được ví như mẹ hiền và người lao công thì có niềm tự hào về nghề làm sạch đường phố, cầu cống của mình. Từ cô lao công đến công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ… ai cũng có một nghề để yêu, để tự hào và “cháy” hết lòng với nghề của mình. Nghề báo cũng vậy.

Có một điều rất khác, nghề báo được người đời gắn thêm là nghề “được ăn, được nói, được gói mang về”. Có người bảo “mấy ông nhà báo”, có người lại bảo “mấy cha nhà báo” và có người lại bảo “mấy thằng nhà báo”. Tùy theo cung bậc cảm xúc tốt hay xấu khi tiếp nhận thông tin mà nhà báo có khi được gọi là “ông”, khi là “cha”, thậm chí là “thằng”. Bên cạnh những nhà báo chân chính đã có không ít nhà báo sa sút về tư tưởng, lập trường chính trị mà quên mất sứ mệnh của nghề để lo vòi vĩnh, kiếm tiền, tha hóa, biến chất làm mất lòng tin của độc giả, thậm chí rơi vào vòng lao lý.    

Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ để mỗi nhà báo nhận hoa, quà tặng của lãnh đạo, độc giả, khán, thính giả mà còn là dịp để mọi nhà báo tự soi, tự sửa lại mình nhằm làm nghề được tốt lên. Sự phát triển của xã hội, sự đi lên của mọi mặt đời sống đòi hỏi mỗi phóng viên, mỗi nhà báo cần phải học hỏi, trau dồi kiến thức và cả bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để thích ứng và đáp ứng được nhu cầu thông tin của công chúng. Nghề báo không cho phép bất kỳ ai lợi dụng nó để mưu cầu lợi ích riêng tư cho mình. Nghề báo đòi hỏi mỗi người làm báo phải biết nói lời cảm ơn trước những anh chạy xe ôm hay cô hàng rong, hàng cá, hàng chợ… Bởi họ là nguồn thông tin bất tận, gần nhất, chân thật nhất cung cấp cho nhà báo không một mảy may vụ lợi. Nghề báo không chỉ đòi hỏi văn hay, chữ tốt, không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải biết đặt lợi ích của cộng đồng xã hội trên hết, trước hết. Nói như ông Mạc Đình Huấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: “Nhà báo, trước hết phải có đạo đức nghề nghiệp mới trở thành cầu nối giữa ý Đảng - lòng Dân trong mọi hoàn cảnh phát triển của xã hội, mới xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tường văn hóa”.

  • Từ khóa
144503

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu