Thứ 5, 09/05/2024 03:03:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:56, 17/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"t

Những mẩu chuyện tác nghiệp nơi “xứ người”

Phạm Tăng
Thứ 6, 17/06/2022 | 07:56:27 2,360 lượt xem
BPO - Trong suốt chặng đường 20 năm làm báo tại BPTV, tôi đã được các thế hệ lãnh đạo cơ quan tin tưởng, tạo điều kiện cử đi tác nghiệp hàng chục lần ở nước ngoài. Khi thì được cử đi phục vụ các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Bình Phước sang thăm, làm việc tại các nước láng giềng; lúc thì được phân công nhiệm vụ cùng một số đồng nghiệp tham gia tuyên truyền về các kỳ Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á (SEA Games); hay thỉnh thoảng được theo chân các đoàn từ thiện đến trao quà cho người dân khó khăn, hoạn nạn của các nước bạn... Mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc, khó quên.

Khi phiên dịch mê coi thi đấu hơn làm nhiệm vụ

2009 là năm đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với những người làm báo tại Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước khi lần đầu tiên có một ê kíp hùng hậu tham gia tác nghiệp tại một kỳ Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á - đó chính là SEA Games 25 được tổ chức tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. 12 anh em, trong đó có Trưởng đoàn là anh Ba Thảo (anh Phan Văn Thảo - Phó giám đốc BPTV) cùng các anh em biên tập viên, phóng viên và nhân viên hậu cần xuất phát từ Đồng Xoài bằng chiếc xe 16 chỗ ngồi để lên đường sang thủ đô Viêng Chăn - Lào bằng đường bộ. Khi sang đến địa bàn tỉnh Champasak (Lào), nhờ mối quan hệ trước đó, anh Ba Thảo quyết định nhờ người quen ở tỉnh bạn hỗ trợ cho đoàn một phiên dịch. Sau mấy cuộc điện thoại, một anh chàng người Lào (từng học ở Việt Nam nên khá rành tiếng Việt) đã xuất hiện và lên xe cùng đoàn của BPTV thẳng tiến về Viêng Chăn. 

Ê kíp BPTV chụp hình lưu niệm tại quảng trường Patuxay (thủ đô Viêng Chăn - Lào) khi tham gia tác nghiệp tại SEA Games 25 năm 2009

Anh bạn phiên dịch - có tên là Chít - đã giúp đỡ cho chúng tôi rất nhiều trong những ngày đầu đặt chân đến thủ đô nước bạn. Sau gần một tuần tác nghiệp với hàng chục phóng sự bên lề về văn hóa, đất nước, con người... của nước bạn Lào, chúng tôi chính thức bước vào chiến dịch tuyên truyền trọng điểm về các nội dung thi đấu của đại hội. Tôi được trưởng đoàn phân công đưa tin nhanh kết quả một số nội dung có Đoàn thể thao Việt Nam tranh huy chương vàng. Do các địa điểm tổ chức thi đấu cách nhau khá xa, sợ tôi không tìm kiếm được những nơi này để kịp thời tác nghiệp, anh Ba Thảo quyết định giao cho tôi chiếc xe mô tô thuê của khách sạn và cả anh chàng phiên dịch. Ngay ngày đầu tiên chúng tôi phối hợp với nhau đã xảy ra sự cố, đó là anh chàng phiên dịch của tôi mỗi khi đến một điểm thi đấu thì lập tức leo lên khán đài để theo dõi diễn biến của các trận đấu, bỏ lại mình tôi lơ ngơ vừa lo tác nghiệp cho kịp giờ phát sóng các chương trình của đài, vừa lo hỏi thăm những địa điểm thi đấu sắp phải di chuyển đến đó. Đã vậy, cứ xong việc ở chỗ này, tôi lại phải đi tìm xem phiên dịch của mình đang ở đâu để gọi xuống cùng đi đến nơi khác. Thật may là trong đội ngũ tình nguyện viên cũng có một số người biết tiếng Việt nên tôi đã được giúp đỡ rất nhiều. Cũng rất thông cảm với Chít khi đó là lần đầu tiên trong đời, chàng trai phiên dịch của tôi được tận hưởng bầu không khí Sea Games.

Bó khổ qua rừng “quý hơn vàng” 

Năm 2013, tôi cùng với các anh: Hưng Cát, Nguyễn Tấn và Tấn Tài lại được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ lên đường sang Myanmar tác nghiệp tại SEA Games 27. Với kinh nghiệm đã từng có mặt tại Lào năm 2009, bốn anh em chúng tôi tự tin mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được Ban giám đốc BPTV căn dặn trước ngày lên đường. Những ngày đầu đặt chân đến thủ đô Naypyidaw của Myanmar, tất cả công việc chuyên môn đều diễn ra rất suôn sẽ, duy chỉ có một điều khó khăn với bốn anh em chính là thức ăn ở đây không hợp khẩu vị. Đi tất cả những quán ăn lớn nhỏ của thủ đô nước bạn, điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là các món ăn đều thiếu rau xanh. Đến mức, mỗi một đĩa thịt luộc hay cá chiên, quán ăn chỉ dùng nửa chiếc lá rau xà lách để lót bên dưới, còn món canh chỉ có nước súp với vài lá hành ngò thái nhuyễn. Tác nghiệp ở SEA Games phải chấp nhận chuyện ăn uống thất thường, do phải phụ thuộc vào lịch trình của các sự kiện, đã vậy, những bữa ăn còn thiếu rau xanh thì luôn là một cảm giác không dễ chịu chút nào.

Cho đến một buổi chiều giữa kỳ đại hội, trong lúc tôi và anh Nguyễn Tấn đang đứng trước cổng Khu phức hợp thể thao Wunna Theikdi, thủ đô Naypyidaw để chờ xe đến đón, tôi thấy phía bên kia đại lộ có một vạt xanh mờ mờ dưới tán cây của cánh rừng. Niềm hy vọng mong manh vụt thoáng qua, biết đâu lại có những loại rau rừng giống ở Bình Phước quê nhà, tôi băng vội qua đường mà không kịp trả lời câu hỏi gì đó của anh Nguyễn Tấn. Tưởng mình hoa mắt, nhưng không, đây chính là dây khổ qua rừng rồi. Tuy cấu trúc của gân lá có hơi khác so với giống rau này ở Bình Phước, nhưng tôi tin là không thể sai được. Để khẳng định thêm một lần nữa, tôi ngắt một đọt non cho vào miệng nhai thử, đúng là vị đắng quen thuộc của loài khổ qua rừng đây rồi...

Tìm kiếm bên vệ đường, tôi đã thấy một cái bao tải của ai đó bỏ lại. Đúng là “buồn ngủ gặp chiếu manh”, tôi lấy vội cái bao, hối hả dứt từng nắm dây khổ qua cho vào đầy bao và chạy băng qua đường khoe vội với anh Nguyễn Tấn: “Tấn ơi! Tối nay có rau rồi...”. Về tới khách sạn, bốn anh em chúng tôi ai cũng mừng ra mặt vì tối đó chúng tôi đã có “một bữa no” đúng nghĩa.

Ba lần đi tìm người sửa chân micro

Trong mỗi lần được cử đi tác nghiệp ở nước ngoài, nhất là tại các kỳ SEA Games, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của chúng tôi là phải làm sao để ghi dấu được thương hiệu BPTV đang xuất hiện ở đó. Cách đơn giản lại hiệu quả nhất mà chúng tôi thường lựa chọn chính là sự xuất hiện của chiếc micro có gắn logo BPTV. Đặc biệt là trong những cuộc họp báo quốc tế, sự xuất hiện của chiếc micro BPTV đặt trước mặt của những nhân vật nổi tiếng như huấn luyện viên và cầu thủ bóng đá thì sẽ khẳng định được giá trị của cơ quan báo chí chủ quản. Lần tham gia tác nghiệp tại SEA Games 30 - Philippines 2019, tôi cùng với anh Hưng Cát và anh Nguyễn Tấn hầu như có mặt ở tất cả các cuộc họp báo sau mỗi trận bóng đá có đội nam và nữ Việt Nam tham gia. Ngay cuộc họp báo đầu tiên, chúng tôi đã bị các đồng nghiệp trong nước và quốc tế phản ứng gay gắt vì chúng tôi sử dụng một chân micro (chiếc chân đế dùng cho việc gắn micro) cao hơn tất cả những chiếc chân micro còn lại. Ngay ngày hôm sau, một mình tôi lang thang qua rất nhiều tuyến đường ở Laguna (một tỉnh của Philippines) tìm xem có tiệm hàn - tiện giống bên Việt Nam mình hay không, để nhờ họ cắt bớt đi một đoạn ống sắt của chân micro và sau đó hàn nối cho chân micro ngắn lại. Đi bộ cả nửa giờ đồng hồ, tôi cũng tìm thấy một tiệm làm cửa nhôm giống bên mình. Tôi đánh liều, cầm chiếc chân micro vào “hoa chân múa tay” bập bẹ mấy câu tiếng Anh “xen canh” tiếng Việt để diễn tả việc mình cần. Nhưng sau vài phút, tôi và anh chủ tiệm chẳng ai chịu hiểu ai nên tôi đành cảm ơn và ra về. Trở về khách sạn, tôi kể lại sự tình cho anh Hưng Cát nghe. Anh nói giờ hai anh em quay lại đó, để anh nói có khi họ sẽ giúp được mình (anh Hưng Cát rất thành thạo tiếng Anh). Thế là hai anh em lại kêu taxi đi đến đó. Sau khi nói chuyện với người chủ, anh Hưng Cát quay qua nói với tôi rằng ở đây chỉ hàn nhôm, không hàn sắt. Thế là hai anh em lại phải quay về. 

Chiếc micro có gắn logo BPTV thường xuyên xuất hiện tại các cuộc họp báo quốc tế ở những kỳ SEA Games được tổ chức ở nước ngoài

Bước sang ngày hôm sau nữa, khi chúng tôi đang trên đường đi tác nghiệp, anh Nguyễn Tấn đề nghị tài xế taxi ngừng khẩn cấp và mở cửa vội xuống khỏi xe. Tôi và anh Hưng Cát chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì anh Tấn quay vào rồi thông báo vừa nhìn thấy bên kia đường có một tiệm cửa sắt. Thế là ba anh em cầm chiếc chân micro băng qua đường, bỏ mặc bác tài xế taxi đứng đợi mà không biết mấy ông nhà báo Việt Nam đang làm gì. 10 phút sau, anh thợ hàn người Philippines bước ra, bàn giao lại cho chúng tôi chiếc chân micro đã được cắt ngắn bớt đi khoảng 7cm, đã hàn nối lại và mài sáng bóng. Khi anh Hưng Cát hỏi bao nhiêu tiền để trả, anh thợ hàn cười thật tươi và nói: “Chúng tôi chỉ giúp các bạn Việt Nam, không lấy tiền công”. Sau ngày hôm đó, tại các buổi họp báo, chúng tôi đã không còn bị phàn nàn: “Sao chân micro của các ông cao thế, che hết logo của người khác”.

Các nhà báo Phạm Tăng, Nguyễn Tấn, Hưng Cát (theo thứ tự từ trái sang) tác nghiệp tại SEA Games 30 - Philippines 2019

Nhảy xuống biển hồ Campuchia để vớt băng

Năm 2012, trong chuyến đi tặng quà cho bà con Việt kiều có hoàn cảnh khó khăn đang làm ăn, sinh sống trên đất nước Campuchia do Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước phối hợp với các nhà tài trợ, các mạnh thường quân tổ chức, tôi đã sơ ý làm rớt cuộn băng video xuống giữa Biển Hồ Campuchia. Nguyên nhân là do trước đó, cuộn băng này đã được ghi hình và đã hết băng. Trong quá trình thay cuộn băng mới vào để tiếp tục công việc, tôi không cất nó vào giỏ đựng chuyên dụng mà lại bỏ vào túi áo sơ mi đang mặc. Lúc này cả đoàn đang di chuyển bằng thuyền máy trên Biển Hồ, thấy làn sóng nước dưới mặt hồ quá đẹp, máu nghề nổi lên, tôi cuối xuống sát mép nước để ghi hình mà quên một điều là có cuộn băng đang ở trong túi áo. Thế là cuộn băng tuột ra khỏi túi áo và rớt xuống mặt nước mênh mông. Cũng may cấu tạo của cuộn băng video đa số bằng nhựa nên sau khi rơi xuống nước nó vẫn nổi trên mặt hồ. Không kịp suy nghĩ nhiều, tôi đặt vội chiếc máy quay lên ghế ngồi ở khoang thuyền và nhảy ào xuống dòng nước. Cả đoàn bật đứng dậy nhìn theo hành động của tôi với vẻ mặt đầy lo âu vì sợ có sự cố không may xảy ra cho tôi. Cũng may là đã biết bơi từ nhỏ và thường xuyên đi tắm sông, tắm đập nên tôi tự tin vào khả năng ở dưới nước của mình. Sau mấy phút với sự trợ giúp của một bé trai con chủ thuyền, chúng tôi đã vớt được cuộn băng chứa rất nhiều hình ảnh quý giá và trở lại thuyền.

Sau lần đó, mỗi khi đi tác nghiệp ở những nơi có sông, suối hay ao, hồ, tôi đều kiểm tra kỹ lưỡng và lấy hết những vật dụng cá nhân cất kỹ vào những nơi an toàn trước khi tiếp xúc với nguồn nước.

Tác giả đang có mặt ở sân vận động chuẩn bị tác nghiệp trong một trận đấu bóng đá nam tại SEA Games 30 - Philippines 2019

Còn rất nhiều những mẩu chuyện thú vị trong suốt quãng đời làm báo tại BPTV, đặc biệt là những chặng đường tác nghiệp ở xứ người. Nghề báo là thế, phải đi và trải nghiệm chúng ta mới có được những kỷ niệm sâu sắc với nghề. Bản thân tôi cũng vậy, một ngày còn làm việc ở BPTV, còn được lãnh đạo và các đồng nghiệp tin yêu, tôi sẽ còn đi, còn viết tiếp những mẩu chuyện để kể với mọi người nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều ký ức vui tươi của những người làm báo BPTV chúng ta.

  • Từ khóa
144585

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu