Chủ nhật, 28/04/2024 01:41:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Y tế 08:51, 24/03/2024 GMT+7

Dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề

Bích Thủy (TTXVN)
Chủ nhật, 24/03/2024 | 08:51:55 739 lượt xem
Chương trình Chống lao quốc gia cho rằng, muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035, cần triển khai tối ưu các chiến lược, chính sách hiện có, đó là bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với phòng, chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội.

Bác sỹ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn chăm sóc, cấp thuốc cho bệnh nhân nhiễm lao. Ảnh: Nguyễn Quang Duy/TTXVN

Trên cơ sở chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao thế giới, chủ đề của Việt Nam năm 2024 là “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”. Chủ đề này như một lời “hồi đáp”, hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề của thế giới, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong phòng, chống lao, đồng thời tiếp tục khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể - Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia nhấn mạnh. 

Dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2023 (WHO Global Tuberculosis Report 2023), hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh lao đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu trong năm 2022, sau 2 năm gián đoạn liên quan đến COVID. Điều này đã giúp cải thiện những tác động tiêu cực của đại dịch đối với số người chết và mắc lao trên toàn cầu. Tuy nhiên, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm vào năm 2022, chỉ sau COVID. Xác mục tiêu toàn cầu trong công tác chống lao hiện nay vẫn đang hoàn toàn bị chậm tiến độ.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO Global TB Report 2023).

Trong năm 2023, Chương trình Chống lao đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân; 3.775 ca mắc lao kháng đa thuốc. Tuy vậy, số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (>100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.

Trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Đánh giá dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao rất thấp. Chương trình Chống lao quốc gia cho rằng, muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035, cần triển khai tối ưu các chiến lược, chính sách hiện có, đó là bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với phòng, chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội.

Đồng thời, cần nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vaccine mới, các tiếp cận, can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây, điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao.

Nhiều khó khăn trong phòng, chống lao

Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Số liệu phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%, trong đó thu nhận 3.587 vào điều trị. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ đạt mức 72,3% so với chỉ tiêu kế hoạch là 4.963 bệnh nhân. 

Trong đó, tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân lao đa kháng thuốc năm 2021 là 74%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ điều trị còn cao (11,6%) trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước. Nguyên nhân có thể một phần do việc quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID- 19.

Bên cạnh đó, sự thay đổi về cơ chế chính sách đối với việc cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống cung ứng thuốc của Chương trình Chống lao Quốc gia. Thuốc còn tồn tại địa phương có hạn sử dụng ngắn, nguy cơ hết hạn trong khi chưa được phê duyệt cơ chế chính sách, nguồn kinh phí mua sắm thuốc cho đối tượng bệnh nhân lao không có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân lao tại các cơ sở chưa đủ điều kiện thanh toán nguồn bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc triển khai mô hình phối hợp y tế công - tư (PPM) do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và sự chỉ đạo của Sở Y tế. Nhiều cơ sở y tế mức độ phối hợp còn hạn chế, đóng góp vào hoạt động phát hiện bệnh nhân lao còn chưa được như mong muốn. Sự phản hồi 2 chiều giữa chương trình chống lao ở các tỉnh, thành phố với cơ sở y tế công - tư đã tham gia phối hợp còn chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến sự tích cực chuyển gửi người nghi lao từ hệ thống các cơ sở y tế ngoài Chương trình Chống lao.

Việc thay đổi mô hình tổ chức y tế tại tuyến tỉnh, huyện có ảnh hưởng không nhỏ tới Chương trình Chống lao như thay đổi cán bộ làm công tác chống lao, đơn vị mới chưa ổn định nên việc triển khai hoạt động gặp khó khăn. Công tác chống lao tại 12 tỉnh chưa thành lập Bệnh viện Lao và bệnh phổi, sát nhập Trung tâm CDC còn khó khăn do thiếu nhân lực...

Trong năm 2024, Bên cạnh triển khai các hoạt động mua sắm, cung ứng chuyên nghiệp, đảm bảo tiến độ gói thầu mua sắm thuốc chống lao, vật tư, hóa chất trang thiết bị chẩn đoán theo đúng kế hoạch đề ra, Chương trình tích cực triển khai các bước tiếp theo của quy trình đấu thầu tập trung thuốc lao nguồn bảo hiểm y tế giai đoạn 2024-2025, đảm bảo có kết quả trúng thầu ngay sau khi thỏa thuận khung giai đoạn 2022-2023 hết hiệu lực.

Chương trình đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, cam kết của lãnh đạo tỉnh, thành phố với hoạt động phòng, chống lao, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa bệnh nhân lao trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, chất lượng nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn nhằm giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao.

  • Từ khóa
192587

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu