Thứ 7, 27/04/2024 16:56:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:36, 28/03/2024 GMT+7

Ngẫm về đạo đức cách mạng

Anh Tú
Thứ 5, 28/03/2024 | 08:36:00 1,378 lượt xem
BPO - Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi để điều tra về tội “Nhận hối lộ” liên quan đến vụ án Tập đoàn Phúc Sơn đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Từ việc cán bộ “vào lò”, chúng ta không khỏi đau xót về việc đảng viên không giữ vững đạo đức cách mạng, phản bội lời thề khi vào Đảng.

Bàn về người đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”. Trong số những tính xấu mà đảng viên có thể mắc phải, bệnh tham lam, tự tư tự lợi được xác định là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất. Bởi như Bác Hồ từng phân tích: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng… Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình… Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”.

Để giữ vững sức hút của Đảng với quần chúng, Đảng ta yêu cầu mỗi đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Đây cũng chính là những lời tuyên thệ của mỗi đảng viên tại lễ kết nạp Đảng.

Rõ ràng, những “thói hư, tật xấu” của cán bộ, nhất là việc lợi dụng chức quyền vì mục đích vụ lợi, không phải đến nay mới được chỉ ra. Thậm chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn câu tục ngữ “sừng có vạch, vách có tai” để cảnh báo cán bộ “một khi đã phạm khuyết điểm thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết”. Vậy nhưng không ít cán bộ, đảng viên vẫn “chưa biết sợ”. Thậm chí, trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam những cán bộ đứng đầu của tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi, kể cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu, bao gồm: Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Lê Duy Thành, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Đặng Văn Minh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Cao Khoa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Với chiến dịch “đốt lò”, không hiếm quan chức đã bị xử lý hình sự. Họ suy thoái về đạo đức cách mạng, đó là điều hiển nhiên không cần bàn cãi. Điều đáng lo ngại ở đây là những “di sản” mà họ để lại. Liệu rằng dưới những “tấm gương mờ” như vậy, bao nhiêu “mầm mống hủ hóa” đã được sản sinh? Phát biểu tại phiên họp lần thứ nhất Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”. Thực tế, liên quan đến những quan chức bị khởi tố trong vụ án nêu trên, không ít người trước đó cũng đã dính lùm xùm trong công tác. Người thì gây sóng dư luận với chuyện bổ nhiệm “cánh hẩu, người nhà”. Người lại bị một loạt phiếu tín nhiệm thấp từ HĐND tỉnh. Việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương có vi phạm và bị xử lý trước hết gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành địa phương. Nghiêm trọng hơn, từ các sai phạm của những cán bộ suy thoái này, các hội, nhóm phản động đã triệt để lợi dụng tô vẽ để phá hoại Đảng, chống phá đất nước.

Một lần nữa, chúng ta phải nhìn nhận lại một cách thực sự cẩn trọng việc rèn luyện đạo đức cách mạng của người đảng viên. Đạo đức cách mạng của đảng viên nói chung và của đảng viên lãnh đạo cấp cao nói riêng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng của Đảng mà còn góp phần xây dựng nên thuần phong mỹ tục, chuẩn mực văn hóa của xã hội. Trong đó, những giá trị trọng tâm của đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là: Thứ nhất, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng (theo Bác đây là điều chủ chốt nhất); thứ hai, ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng; thứ ba, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lao động lên trên hết, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong công việc; thứ tư, ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ.

Để giữ vững đạo đức cách mạng, trước hết, chính mỗi người đảng viên phải luôn luôn tâm niệm, khắc ghi những lời tuyên thệ khi vào Đảng và không ngừng nhắc nhở, rèn luyện chính mình. Đặc biệt, từng đảng viên phải nhận thức thực sự sâu sắc trách nhiệm của bản thân với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Song hành với đó là việc phát huy vai trò giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và của toàn xã hội đối với đảng viên, nhất là những người nắm giữ nhiều quyền lực. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của đảng viên phải kịp thời rèn luyện, uốn nắn, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Và cuối cùng, với những đảng viên không còn đủ tư cách, không giữ gìn phẩm chất cách mạng, không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng thì việc khai trừ là điều tất yếu.

Cuối cùng, xin dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Đảng viên, kể cả “phá rào”, đi ngược quy định nhưng nếu có đạo đức cách mạng, làm việc vì lợi ích của tập thể, của nhân dân thì sẽ mãi được mọi người tôn trọng. Ngược lại, đảng viên dù ăn mặc đạo mạo, nói hay nhưng không giữ vững đạo đức cách mạng, nói không đi đôi với làm thì cũng chẳng thể được nhân dân tín nhiệm.

  • Từ khóa
192991

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu