Thứ 7, 27/04/2024 15:37:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:38, 18/03/2024 GMT+7

Hồ ngôn, loạn ngữ

Trần Anh
Thứ 2, 18/03/2024 | 09:38:51 1,613 lượt xem
BPO - “Vietnam’s leaders declare war on human rights as matter of official policy” (tạm dịch: Lãnh đạo Việt Nam tuyên chiến với nhân quyền như chính sách chính thức) là một báo cáo mới được Dự án 88 (Project 88) tung ra hôm 29-2. Ngay sau đó, giới “dân chủ” trong và ngoài nước đã nhanh chóng tiếp tay lan truyền trên các trang mạng xã hội nhằm mục đích công kích chính quyền.

Trong suốt nhiều năm qua, các thế lực thù địch luôn lợi dụng danh nghĩa thúc đẩy dân chủ, nhân quyền để chống phá đất nước ta. Mục đích của chúng là hình thành những nhận thức lệch lạc về vấn đề dân chủ, nhân quyền; kích động sự bất ổn trong xã hội; phủ nhận và tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm thất bại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang thực hiện. Một trong những thủ đoạn được chúng thường xuyên thực hiện là đưa ra các báo cáo, phúc trình, kiến nghị có nội dung sai trái, không đúng thực tế tình hình Việt Nam. Như mong bản báo cáo mới được cái gọi là “Dự án 88” tung ra, vô số luận điệu hồ ngôn, loạn ngữ đã được rêu rao như: tất cả các hình thức thương mại và hợp tác quốc tế được chính quyền Việt Nam coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia; lãnh đạo Việt Nam có quan điểm trái chiều sâu sắc về quá trình hội nhập của đất nước với thế giới; chính quyền tiếp tục đàn áp tự do ngôn luận và hội nhóm; các chính sách được Việt Nam đưa ra chỉ nhằm củng cố chế độ độc tài… Bằng những thông tin sai lệch nêu trên, chúng tiếp tục đưa ra các kiến nghị theo kiểu “rước voi về giày mả tổ”, đòi chính quyền các nước “lên án chính quyền Việt Nam”, “ngừng hợp tác với Việt Nam”, “cấm đi lại với lãnh đạo Việt Nam” (?!).

Đây không phải là lần đầu tiên cái gọi là “Dự án 88” đưa ra những thông tin sai trái, xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Ngay từ tên gọi, phần nào chúng ta có thể hiểu được bản chất của tổ chức này. Mục đích khi thành lập của “Dự án 88” là để kêu gọi xóa bỏ tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, được quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự (năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009), hiện là Điều 117 Bộ luật Hình sự hiện hành. Dưới sự giúp sức, hỗ trợ của các thế lực thù địch và tổ chức phản động, “Dự án 88” liên tục công kích Đảng, Nhà nước Việt Nam; phủ nhận những kết quả tích cực, toàn diện mà Việt Nam đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước. Bởi vậy, đằng sau tấm mặt nạ “dân chủ”, “nhân quyền”, bản chất của “Dự án 88” chính là một tổ chức chống phá Việt Nam.

Từ khi thành lập đến nay, mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong đó, thành tố giải phóng giai cấp, giải phóng con người thực chất là những tư tưởng về dân chủ, nhân quyền chân chính, tiến bộ. Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng đã quy tụ, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng. 94 năm đồng hành với dân tộc, Đảng đã lãnh đạo quần chúng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và đang tiếp tục sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhờ có Đảng, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi xiềng xích thực dân đô hộ, nhân dân Việt Nam thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than. Vượt qua những khó khăn do chiến tranh để lại, vượt qua những biến động của thời đại khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, vượt qua những thách thức của thời kỳ bao vây, cấm vận, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn “vững tay chèo”, đưa đất nước ngày càng hùng cường, giàu mạnh, văn minh. Đến nay, nhân dân cả nước đã được thừa hưởng thành tựu của sự phát triển trên tất cả lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục…

Những luận điệu xuyên tạc đời sống xã hội Việt Nam được “Dự án 88” đưa ra chẳng khác nào câu chuyện của những kẻ mù thích khoác lác. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và công nghệ thông tin, mọi ngõ ngách cuộc sống xã hội Việt Nam đã được phản ánh chân thực đến cộng đồng quốc tế. Trong khi “Dự án 88” và các “nhà bình loạn” đang hồ ngôn, loạn ngữ bôi đen xã hội Việt Nam thì những nhà sáng tạo nội dung ở Việt Nam đang ghi lại một cách toàn diện bức tranh đời sống xã hội từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đất liền đến hải đảo. Thông qua những thước phim của chính những người dân, chúng ta có thể thấy rõ một Việt Nam hiền hòa, bình yên, ổn định và đang “thay da, đổi thịt” từng ngày.

Liên quan đến hội nhập quốc tế, hiện nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đang đẩy mạnh trên tất cả lĩnh vực. Quan điểm của Việt Nam là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Với sự cởi mở và chân thành, các mối quan hệ quốc tế ngày càng được mở rộng và củng cố sâu sắc. Luận điệu “Dự án 88” tung ra cho rằng “tất cả các hình thức thương mại và hợp tác quốc tế được chính quyền Việt Nam coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia” suy cho cùng cũng chỉ là những thông tin hợm hĩnh, lệch lạc, sai trái, thể hiện cái nhìn hằn học với chính quyền Việt Nam. Phải khẳng định, trong mọi mối quan hệ, Đảng, Nhà nước Việt Nam đều có sự cân nhắc, đánh giá một cách kỹ lưỡng. Điều Việt Nam cần là sự phát triển lâu dài, bền chắc, là sự ổn định của an ninh quốc gia chứ không phải những lợi ích “ăn xổi, ở thì”. Các chính sách được Việt Nam đưa ra là nhất quán và bảo đảm chia sẻ lợi ích giữa các bên.

Dân gian Việt Nam có câu: “Ăn lắm thì hết miếng ngon/Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ”. Vẫn biết “Dự án 88” không thích Việt Nam. Vậy nhưng khi tung ra cái gọi là báo cáo “Lãnh đạo Việt Nam tuyên chiến với nhân quyền như chính sách chính thức” thì đúng là “Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ”.

  • Từ khóa
191922

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu