Thứ 7, 27/04/2024 02:02:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:09, 28/02/2012 GMT+7

Chỉ thị của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4

Thứ 3, 28/02/2012 | 16:09:00 1,428 lượt xem

LTS: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Dưới đây, BaoBinhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về những nội dung chính trong chỉ thị này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu
khai mạc hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Về mục đích, yêu cầu, nội dung chỉ thị nêu rõ: Phải tạo được chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng ngay trong nhiệm kỳ khóa XI, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân… Xây dựng Đảng là công việc hệ trọng, khi thực hiện phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ; đồng thời không được để rơi vào trì trệ, hình thức, không làm chuyển biến được tình hình.

Về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, Bộ Chính trị yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo các nội dung Nghị quyết đã nêu. Cụ thể là: (1) Về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái. (2) Những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ; tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự phát triển của ngành, địa phương. (3) Những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách"; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là của người đứng đầu... Trong 3 nội dung này, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Khi kiểm điểm, cần tập trung liên hệ, làm rõ những hạn chế, yếu kém cụ thể nêu trong Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm, nhưng chậm được khắc phục. 
 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tại hội nghị cán bộ
toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4
(Ảnh: TTXVN)

Chỉ thị cũng nêu rõ đối tượng kiểm điểm và nơi kiểm điểm như sau: Các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng, từ Trung ương đến cơ sở đều phải tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Các đồng chí cấp ủy viên kiểm điểm ở chi bộ, ở ban thường vụ (nơi không có ban thường vụ thì kiểm điểm ở cấp ủy) hoặc ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan (nơi không có ban cán sự đảng, đảng đoàn); các đảng viên khác kiểm điểm tại chi bộ đang sinh hoạt.

Về phương châm, phương pháp tiến hành, Bộ Chính trị yêu cầu: Tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi. Thực hiện các giải pháp bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp "chống và xây", "xây và chống", nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay. Khắc phục tư tưởng coi khuyết điểm chỉ là của người khác, đơn vị khác.

Việc tổ chức kiểm điểm phải thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, đúng yêu cầu, nội dung, cách làm, thời gian mà Trung ương và Bộ Chính trị đã đề ra. Trước khi kiểm điểm, phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp và các đồng chí nguyên là cấp ủy viên cùng cấp. Ủy ban kiểm tra chủ trì phối hợp với ban tổ chức, ban tuyên giáo, ban dân vận, văn phòng và các cơ quan liên quan kiến nghị với cấp ủy (hoặc thường vụ cấp ủy) nội dung gợi ý kiểm điểm cho tập thể, cá nhân ở những nơi cần thiết. Sau khi kiểm điểm, báo cáo kết quả với cấp trên và thông báo với cấp dưới và các cơ quan lấy ý kiến góp ý.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư (tập thể và cá nhân), các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng kiểm điểm trước với tinh thần gương mẫu để cấp ủy, cán bộ, đảng viên cấp dưới thực hiện theo. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại; kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không tự giác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, không tự nhận được sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã được nêu ra. Những trường hợp có vi phạm, tự giác kiểm điểm, tự phê bình nghiêm túc, tích cực sửa chữa, khắc phục sẽ được xem xét giảm hoặc miễn xử lý kỷ luật… Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp…

PV

  • Từ khóa
4123

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu