Thứ 6, 19/04/2024 09:18:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:52, 02/07/2017 GMT+7

Người hiến kế cho Ngô Quyền

Chủ nhật, 02/07/2017 | 09:52:00 3,687 lượt xem

BP - Những ai đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc ta đều biết đến Ngô Quyền với chiến công hiển hách năm 938 tại sông Bạch Đằng. Nơi đây đánh dấu chiến thắng quan trọng của quân và dân ta trước quân Nam Hán. Nhưng để có được chiến tích huy hoàng với trận địa cọc ngầm hiểm yếu đó, ít ai biết rằng đây chính là kế sách của một danh tướng đã hiến kế cho Ngô Quyền. Đó là tướng Kiều Công Hãn, quê ở châu Phong (nay thuộc Phú Thọ). Ông xuất thân trong gia đình có thế lực nhiều đời làm hào trưởng tại vùng này, cha là Kiều Công Chuẩn, ông nội là Kiều Công Tiễn.

Theo sách “Đại Việt sử ký tiền biên”, Kiều Công Tiễn là hào trưởng châu Phong, sau theo Dương Đình Nghệ làm tướng và trở thành con nuôi của họ Dương. Trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Nam Hán xâm lược do Dương Đình Nghệ lãnh đạo, từ cuối năm Quý Mùi (923) đến cuối năm Tân Mão (931), Kiều Công Tiễn có nhiều đóng góp công sức. Tuy nhiên về sau vì ham quyền vị mà vào tháng 3 năm Đinh Dậu (937), Kiều Công Tiễn đã giết chết cha nuôi để đoạt chức Tiết độ sứ. Hành động của Kiều Công Tiễn khiến trong nước bất bình. Nghe tin con rể Dương Đình Nghệ đang dẫn quân ra báo thù, Kiều Công Tiễn hoảng sợ sai người sang Nam Hán cầu viện.

Di tích Bãi cọc Bạch Đằng - Ảnh: nguồn Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam

Người con trai của Kiều Công Tiễn là Kiều Công Chuẩn can ngăn cha không được đã viết thư kể tình hình quân Nam Hán sắp kéo sang, rồi sai con là Kiều Công Hãn mang vào Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay) đưa tận tay Ngô Quyền. Sau đó, ông dẫn hai con nhỏ là Kiều Thuận và Kiều Công Dĩnh đi ở ẩn. Thấy Ngô Quyền lo quân ít, định chiêu mộ thêm quân để chống giặc, Kiều Công Hãn khuyên rằng: Nam Hán là nước nhỏ ở vùng duyên hải, nhân nhà Đường tan rã mà nổi lên chiếm một vùng đất ở phía Đông Nam dựng thành nước, quân đội mạnh về thủy chiến. Nếu sang nước ta, tất chúng sẽ lấy đường biển mà tiến, qua sông Bạch Đằng để vào Đại La. Ta nên bày trận đánh chúng ngay khi mới vào cửa sông Bạch Đằng.

Ngô Quyền khen kế đó là hay, liền nghĩ ra thế trận cọc ngầm trên sông Bạch Đằng để tiêu diệt giặc. Và trước thù trong giặc ngoài, Ngô Quyền chủ trương diệt nội phản trước. Ông sai tướng Phạm Bạch Hổ nhanh chóng đem quân đánh úp Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn, rồi tự mình dẫn quân ra Bắc, cho Kiều Công Hãn làm tiên phong mang thủy quân vượt biển ra xây đồn trại ở vùng Lương Xâm (nay thuộc huyện Hải An, TP. Hải Phòng). Trong trận đại thắng trên sông Bạch Đằng, Kiều Công Hãn có nhiều công trạng nên khi Ngô Quyền lên ngôi vua lập ra nhà Ngô vào đầu xuân năm Kỷ Hợi (939) đã phong cho ông chức Đề sát.

Về sau, ông cùng một số tướng lĩnh khác có công lật đổ Dương Tam Kha, đưa Ngô Xương Văn lên làm vua, lại đón Ngô Xương Ngập về cùng coi việc nước nên được phong làm Giám quốc. Khi hai vua Ngô lần lượt qua đời vì bệnh tật và tử trận, trong nước loạn to. Các sứ quân nổi lên đánh lẫn nhau, Kiều Công Hãn đem quân bản bộ rút về quê hương chiếm cứ châu Phong và hai châu lân cận, xưng là Kiều Tam Chế, trở thành một sứ quân cát cứ.

Sau này bị Đinh Bộ Lĩnh đánh bại, thành Phong Châu thất thủ, Kiều Công Hãn dẫn theo mấy chục tàn quân tìm đường chạy vào châu Ái để liên kết với sứ quân Ngô Xương Xí ông tính kế lâu dài. Nhưng khi đến vùng An Lá (nay thuộc xã Nghĩa An, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định) thì bị thổ hào địa phương là Nguyễn Tấn dẫn thân binh ra đánh. Ông bị thương chạy đến làng An Lũng (nay thuộc xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thì mất, hôm đó là ngày 10 tháng chạp năm Đinh Mão (967). Ở nhiều địa phương, người dân lập đền thờ Kiều Công Hãn, dân chúng suy tôn là Thần Long Kiều, các triều đại phong là Long Kiều Linh thánh, Chiêu ứng quốc công.

Lời bàn:

Theo các nguồn sử liệu còn lưu truyền đến ngày nay, trận chiến trên sông Bạch Đằng chỉ diễn ra trong vòng một ngày, nhưng đã làm nên chiến thắng lẫy lừng. Đây được coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt trong cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc. Và với chiến thắng này không những đã đập tan âm mưu xâm lược của phong kiến phương Bắc, giành lại độc lập dân tộc, mà còn mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài, xây dựng đất nước trên quy mô lớn của dân tộc ta. Vì thế, nhà sử học Ngô Thì Sĩ đã viết trong sách “Việt sử tiêu án” rằng: Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu.

Có thể khẳng định rằng, yếu tố quyết định thắng lợi trên sông Bạch Đằng ngày ấy là do sự chỉ huy tài giỏi của Ngô Quyền và của các tướng lĩnh đã biết phát huy sức mạnh dân tộc, biết sử dụng và phát huy các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, biết phát huy sở trường “thủy chiến” của dân tộc ta để giành thắng lợi. Chính vì vậy, khi ca tụng tài năng, trí tuệ của Ngô Quyền, chúng ta cũng không quên nhắc đến Kiều Công Hãn, người đã hiến kế sách dẫn đến trận đại chiến trên sông Bạch Đằng vào năm 938. Về sau, người vận dụng lại mưu kế này và lập đại công phá quân Nguyên là Trần Hưng Đạo trong trận Bạch Đằng năm 1288.

N.D

  • Từ khóa
109929

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu