Thứ 7, 27/04/2024 04:17:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:27, 23/05/2020 GMT+7

Dân số và Sức khỏe

Nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số

Thanh Nga
Thứ 7, 23/05/2020 | 13:27:00 285 lượt xem
BPO - Ngày nay, với sự đầu tư và phát triển mạng lưới y tế từ tuyến tỉnh đến huyện, xã thì việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được nâng cao. Ngoài được đảm bảo các dịch vụ y tế theo quy định, với phương châm “mưa dầm thấm lâu” công tác tuyên truyền đã góp phần thay đổi ý thức nhân dân trong vấn đề chăm sóc trẻ em.

THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM NUÔI CON

Chị Thị Hương ở ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh có 2 người con (6 tuổi và 4 tuổi). Là thế hệ trẻ lại được tiếp cận các thông tin y tế, kiến thức chăm sóc con từ nhiều nguồn nên cách chăm con của chị có nhiều tiến bộ. Từ khi mang thai đứa con đầu lòng, chị Hương đã biết lên internet tìm hiểu kiến thức nuôi con khoa học; các loại vắc-xin cần phải tiêm khi nuôi con cũng như cách chế biến thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng. Khi con chớm bệnh, chị nhanh chóng đưa con đến trạm y tế để được khám và chữa trị kịp thời. Chị Thị Hương cho biết: Bé đầu nhà tôi bị kén thừng tinh và trải qua 2 lần phẫu thuật, còn bé thứ 2 cũng phải mổ hạch vì tiêm lao. Khi mới phát hiện bệnh, tôi đưa con đi khám ở bệnh viện huyện rồi tỉnh và về Bệnh viện Nhi đồng, TP. Hồ Chí Minh mổ. Nhờ bác sĩ can thiệp kịp thời nên đến nay sức khỏe 2 bé đã ổn định và phát triển mạnh khỏe, lanh lợi. Tôi không ước mơ gì cao xa, chỉ mong con lớn lên có sức khỏe và công việc ổn định để tương lai tốt đẹp hơn.

Người dân đưa trẻ đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh

Xác định nuôi con nhỏ là điều không hề dễ, chị Thị Xích ở ấp K’liêu, xã Lộc Thành đã tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ tại trạm y tế cũng như đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế thôn, ấp. Chị đưa con đi tiêm phòng theo lịch quy định, ở nhà thì thường xuyên rửa tay, chân cho bé, chế biến thức ăn đảm bảo dinh dưỡng... Vì vậy, con gái hơn 3 tuổi nhưng rất ít khi ốm vặt. Từ những điều bản thân biết, chị cũng trở thành tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền kiến thức phòng, chống bệnh tật cho người dân xung quanh... Chị Thị Xích cho biết: Khi thấy hàng xóm hoặc những người xung quanh bị bệnh, tôi đến nhà khuyên lên trạm y tế khám bệnh để được tư vấn hoặc hướng dẫn đi bệnh viện chữa trị.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ, TRẺ EM

Thời gian qua, chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại huyện Lộc Ninh được nâng lên rõ rệt. Các chương trình mục tiêu y tế, nhất là tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, nuôi con bằng sữa mẹ, làm mẹ an toàn... nhận được sự tham gia tích cực từ mọi người, đặc biệt là các bà mẹ, trẻ em.

Theo báo cáo của ngành y tế về thực hiện Quyết định số 122/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Bình Phước, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi trung bình mỗi năm lần lượt được duy trì ở mức dưới 12,5‰ và 15‰. Tỷ lệ trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi được uống vitamin A hằng năm đều đạt trên 95%. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 14,4% năm 2015 còn 14% năm 2018, theo kết quả đánh giá sơ bộ của tỉnh năm 2019 con số này là 10,2%. Năm 2020, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đủ các loại vắc-xin hằng năm của tỉnh dự kiến đạt 95%.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh, trong quý 1/2020, tổng số trẻ được sinh ra của huyện 295; có 258 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, đạt 10,5% kế hoạch năm, tăng 95,4% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ khám trẻ em lành mạnh dưới 5 tuổi đạt 9,1% kế hoạch năm. Đặc biệt không có trường hợp tử vong chu sinh.

Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh cho biết: Hiện nay, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi rõ nét. Cụ thể như chương trình tiêm chủng mở rộng, ngày trước mình phải xách thùng tiêm đi từng ấp, từng nhà vận động nhưng bây giờ người dân tự nhớ ngày đi đến các trạm y tế để chích ngừa cho con. Trước đây, khi có bệnh hoặc sinh đẻ, họ cũng thường tự chữa, sinh con tại nhà, bây giờ đã đến các trạm y tế để được chăm sóc và tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn.

Kết quả này là nhờ công tác thông tin tuyên truyền được ngành y tế Lộc Ninh chú trọng thông qua đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế thôn, ấp. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, họ tích cực tuyên truyền kiến thức phòng, chống bệnh tật cho nhân dân, tư vấn chị em trong độ tuổi sinh đẻ cách chăm sóc sức khỏe giai đoạn thai kỳ, hậu sản, chăm sóc trẻ sơ sinh, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ... Đáng mừng hơn là từ sự tác động này, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số trở thành cộng tác viên tự nguyện, cùng tuyên truyền mọi người tích cực tham gia các hoạt động y tế.

  • Từ khóa
63910

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu