Thứ 7, 27/04/2024 09:23:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:44, 29/07/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN BÙ GIA MẬP LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Đổi thay ở vùng biên

Đức Hiến
Thứ 4, 29/07/2020 | 10:44:00 398 lượt xem
BPO - Thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 28-4-2016 của Huyện ủy Bù Gia Mập về thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự góp sức của người dân và doanh nghiệp, nghị quyết này đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp trong toàn huyện tăng bình quân 7,44%/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

CHÚ TRỌNG THÀNH LẬP TỔ HỢP TÁC, HTX

Để thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa theo Nghị quyết số 01, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Bù Gia Mập đặc biệt quan tâm chỉ đạo, định hướng và khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Sau 5 năm, toàn huyện đã thành lập được 11 tổ hợp tác và 8 HTX sản xuất nông nghiệp.

 HTX nông lâm nghiệp, dịch vụ Phương Nghĩa (xã Đắk Ơ) tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ những cây trồng được xem là thế mạnh trước đây của địa phương (tiêu, điều, cao su) thì nay đã nhường chỗ cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Phó giám đốc HTX Nguyễn Đình Nghiệp cho biết: HTX hiện có khoảng 74 ha cây ăn trái, trong đó sầu riêng và mít Thái siêu sớm là chủ lực. Thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Hiện HTX đã liên kết được một số doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, với số lượng lớn, giá tương đối ổn định ở mức cao.

Một góc trung tâm xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập

HTX nông lâm nghiệp, dịch vụ Phương Nghĩa đã và đang thực hiện quy trình VietGap, GlobalGap cho toàn bộ diện tích cây ăn trái nên chi phí đầu tư chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản tương đối cao. Do vậy, thành viên HTX mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn, nông cụ sản xuất giúp giảm bớt gánh nặng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

HTX nông, lâm, dịch vụ Phú Văn (xã Phú Văn) được xem là điển hình trong xây dựng các mô hình trồng xen nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Hiện nay, HTX có 100 ha đất của 82 thành viên, đều được trồng xen ít nhất 1 loại cây trồng, trong đó điều trồng xen ca cao đang mang lại nguồn thu ổn định. Ông Trần Văn Truyền, Phó giám đốc HTX nông, lâm, dịch vụ Phú Văn, cho biết: Hiện 1 ha điều trồng xen ca cao có thể thu về từ 100-120 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng 1 loại cây.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Gia Mập Trần Lâm cho rằng: Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thực hiện xen canh, tái canh vườn điều năng suất thấp, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm đạt 24,7%; theo lộ trình đến năm 2020 sẽ đạt chỉ tiêu nghị quyết là 30%. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn liền với kinh tế HTX đạt 87,5%, vượt so chỉ tiêu nghị quyết trước 1 năm. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 8 HTX tại 7 xã, đạt 100%, đạt trước 1 năm so với chỉ tiêu nghị quyết.

KHƠI SỨC DÂN

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 về thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới đã dần đi vào cuộc sống của người dân trong toàn huyện. Sức sáng tạo của nhân dân được thể hiện qua các việc làm cụ thể như: Góp tiền, hiến đất, góp công xây dựng cơ sở hạ tầng; sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... đã thể hiện rõ nét trên địa bàn các xã, nhất là 4 xã về đích nông thôn mới.

Vườn sầu riêng của Hợp tác xã nông lâm nghiệp, dịch vụ Phương Nghĩa, xã Đắk Ơ tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa

Tính từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Bù Gia Mập là 710,923 tỷ đồng (không bao gồm nguồn vốn tín dụng), trong đó: vốn ngân sách nhà nước 589,082 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp 105,557 tỷ đồng. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn từng bước được đầu tư, có 61 tuyến đường cấp huyện với chiều dài 105km, đến nay đã nhựa hóa 87km, đạt 83%; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa 618,82km, đạt 98,7%; xây dựng và đưa vào sử dụng 25,27km đèn chiếu sáng nông thôn.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của cộng đồng dân cư, người dân đã nhận thức được lợi ích khi chung sức xây dựng nông thôn mới, cùng tham gia hợp tác, liên kết phát triển kinh tế, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới và dần hoàn thiện như: Đường giao thông, trường học, nhà văn hóa…, góp phần đổi mới diện mạo nông thôn Bù Gia Mập.

  • Từ khóa
34725

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu