Thứ 7, 27/04/2024 06:50:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:07, 05/03/2014 GMT+7

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ngày ấy và bây giờ

Thứ 4, 05/03/2014 | 06:07:00 10,840 lượt xem

>> Kỷ niệm 55 năm Đường Hồ Chí Minh

Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ của đất nước, con đường vinh dự được mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Đường Hồ Chí Minh đã trở thành một huyền thoại, còn mãi âm vang khúc trường ca của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”(thơ Tố Hữu). 55 năm đã đi qua, kể từ khi Đoàn 559 hay Bộ đội Trường Sơn chính thức được thành lập, đến nay (và mãi mãi mai sau), chúng ta vẫn cảm nhận được sức mạnh về sự diệu kỳ của dân tộc Việt Nam khi nhìn qua con đường huyền thoại ấy. 

VÀI NÉT LỊCH SỬ

Tính đến ngày thống nhất đất nước năm 1975, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6.000 ngày đêm. Tuyến đường có 5 trục dọc, 21 trục ngang như một trận đồ phủ kín dãy Trường Sơn, cả sườn Đông lẫn sườn Tây. Tổng chiều dài toàn tuyến lên tới 20.000km, xuyên Bắc - Nam và 3 nước Đông Dương, vươn tới tất cả các chiến trường. Hệ thống hậu cần đường Trường Sơn những ngày đánh Mỹ đã chuyển được hàng triệu tấn hàng, vũ khí, bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào miền Nam. Trong 16 năm (1959-1975), đế quốc Mỹ đã ném xuống đường Trường Sơn hơn 7,5 triệu quả bom phá, bom sát thương và hàng triệu quả mìn các loại. Ta đã san lấp 78 ngàn hố bom trúng đường, phá hơn 2 vạn quả bom nổ chậm và bom từ trường, hơn 85 ngàn mìn các loại; đào đắp đất đá gần 30 triệu mét khối; xây dựng được 16.000km đường ôtô, 3.082km đường ống xăng dầu, 10.000km đường dây thông tin; khôi phục và sửa chữa 83 cây cầu.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hôm nay

Từ ngày 24-7-1965 đến 9-3-1974, các lực lượng phòng không trên tuyến đã đánh hàng chục ngàn trận; bắn rơi 2.458 máy bay Mỹ gồm 30 loại, trong đó có cả B52. Trên 23 ngàn bộ đội, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong của ta đã anh dũng hy sinh, hơn 32 ngàn người bị thương. Bộ đội đường Trường Sơn có 77 đơn vị được tuyên dương đơn vị Anh hùng và 44 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.(*)

ĐƯỜNG CÔNG NGHIỆP HÓA

Đường Trường Sơn năm xưa trải đầy thử thách, dù gian khổ, hy sinh, đèo cao, vực sâu nhưng lòng người không nản, bước chân không lùi, tất cả vì độc lập, tự do Tổ quốc. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nay có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Ngày 9-12-2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Theo đó, di tích lịch sử Hệ thống Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (đi qua 11 tỉnh, trong đó có Bình Phước) là một trong 14 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt trong đợt này. Ngày 1-3-2014, tỉnh Bình Phước đăng cai tổ chức đón nhận Quyết định của Chính phủ và liên hoan tuyên truyền lưu động kỷ niệm 55 năm Đường Hồ Chí Minh lịch sử (19-5-1959 - 19-5-2014) và 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014).

Tháng 5-2000, đường Trường Sơn được phát lệnh khởi công xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia. Con đường của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa được bạt núi, san đèo nối dài đất nước, mở  hướng khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội phía Tây Tổ quốc. Theo Quyết định số 242/QĐ-TTg, ngày 15-2-2007 của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới sẽ đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, có tổng chiều dài 3.183km (trong đó tuyến chính dài khoảng 2.499km, tuyến phía tây dài khoảng 684km). Dọc hai bên đường Hồ Chí Minh hiện đại, nhánh đông từ Thạch Quảng (Thanh Hóa) đến Khe Sanh (Quảng Trị), dáng dấp của con đường xuyên Việt hiện ra với 2 làn xe chạy cùng những cầu, cống, hệ thống thoát nước, chống sụt trượt được kiên cố. Trên tuyến đường phẳng lì còn tươi màu sơn đã hình thành những khu phố, những thị tứ mới với nhà cửa san sát. Hơi thở của cuộc sống hiện đại đã tràn về hai bên đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh nhánh tây cũng đã hoàn thành. Con đường mòn chỉ toàn cỏ dại, suối sâu, đèo cao và mây mù thời chiến tranh, nay đã là con đường Tây Trường Sơn bằng bê tông uốn lượn, vắt qua từng dãy núi phía Tây của Tổ quốc. Trên độ cao trung bình hơn 400m so mặt nước biển, khí hậu hòa hợp giữa 2 vùng Đông và Tây Trường Sơn. 200km đường lúc ẩn trong sương mù Trường Sơn, lúc hiện ven đường biên giới nước bạn Lào.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xưa và nay là một kết hợp tuyệt vời lịch sử chói lọi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa một thời con đường Trường Sơn trong chiến trận đến con đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong thế kỷ 21.

                              Thế Nhàn

(*) Theo “Đường xuyên Trường Sơn” của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

 

  • Từ khóa
10863

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu