Thứ 7, 27/04/2024 01:30:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:29, 11/06/2020 GMT+7

Cần liên kết vùng trong bảo vệ môi trường

Trần Thể
Thứ 5, 11/06/2020 | 17:29:00 315 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, hôm nay (11-6), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Văn Lợi - Tổ trưởng tổ 3 chủ trì phiên thảo luận tại tổ cho ý kiến về dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi.

Tham gia phiên thảo luận có 4 đoàn: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bình Phước.
Phân tích các vấn đề môi trường nông thôn, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng, các quy định trong dự thảo liên quan đến khu vực này cần bám sát thực tế để đảm bảo tính khả thi. Việc thay đổi nhận thức của người dân vùng nông thôn từ việc phân loại rác, để rác đúng quy định… rất cần sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất các giải pháp để bảo vệ môi trường

Đại biểu dẫn quy định, người dân không phân loại rác đúng thì từ chối thu gom và đặt vấn đề là tính khả thi của điều luật này như thế nào? Nếu người dân không thực hiện thì sao? Nếu không thu gom thì các gia đình sẽ vứt rác ra chỗ khác hoặc đem chôn lấp có bị xử phạt không? Do vậy, cần phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong vận động, giám sát nhân dân tham gia.

Với doanh nghiệp thì còn bắt buộc được nhưng với người dân phải tuyên truyền lâu dài để thay đổi hành vi, ý thức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất cần thiết thành lập tổ phản ứng nhanh và ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vấn đề về môi trường. Đại biểu cho biết, tại thành phố Đồng Xoài từ khi đưa vào hoạt động trung tâm điều hành, giám sát thông minh, thông qua hệ thống camera sẽ giám sát việc xả rác bừa bãi. Một số vi phạm mà người dân phản ánh lên, sẽ có đội phản ứng nhanh xử lý ngay. “Vai trò của đội phản ứng nhanh rất quan trọng”, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, hiện nay đã có liên kết vùng trong phát triển kinh tế, thì cũng cần liên kết vùng để bảo vệ môi trường, để có sự cộng đồng trách nhiệm. Hiện nay việc xử lý chất thải rắn ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, vì có tỉnh chưa đủ điều kiện đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn nhưng không thể mang sang địa phương khác để xử lý. Do vậy, cần có điều chỉnh trong luật để có sự cộng hưởng trách nhiệm trong liên kết vùng phát triển kinh tế và liên kết vùng trong bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải có chế tài mạnh với các vi phạm để thay đổi nhận thức, hình thành thói quen mới. Liên quan đến ý kiến của đại biểu Tôn Ngọc Hạnh về việc phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể, Thủ tướng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm này và yêu cầu là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bắt đầu từ các chi bộ.

Thủ tướng nhấn mạnh, hơn lúc nào hết chúng ta phải bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Người dân không chỉ cần vật chất, mà cần được sống trong môi trường trong sạch, trong lành. Để thực hiện được mục tiêu này, theo Thủ tướng, phải bắt đầu tư việc hình thành thói quen tốt của người dân, của cộng đồng dân cư. Thủ tướng thừa nhận rằng tình trạng ô nhiễm môi trường vừa qua có khuyết điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành chưa làm quyết liệt. Do đó, cần thiết phải có chế tài, nghị định để thực hiện luật này một cách nghiêm khắc.

Dẫn chứng lại việc xây dựng Nghị định 100 để triển khai Luật phòng chống tác hại rượu bia là một bài học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bên cạnh tuyên truyền, thuyết phục thì phải có xử lý, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường để răn đe, giáo dục, làm gương.

  • Từ khóa
10158

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu