Thứ 4, 01/05/2024 02:50:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:43, 24/10/2016 GMT+7

Chuyện về Nguyễn Cư Trinh

N.D
Thứ 2, 24/10/2016 | 16:43:00 2,048 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” thì trước khi Nguyễn Cư Trinh vào Nam, vùng đất Nam bộ đã được mở rộng và sáp nhập vào xứ đàng Trong đáng kể, duy chỉ còn vùng đất ở phía Bắc Hà Tiên và phía Nam Gia Định từ Long Hồ trở vào là còn thuộc quyền cai quản của triều đình Chân Lạp. Nhưng thực tế thì vùng đất này từ rất lâu đã có người Việt đến sinh sống, triều đình Chân Lạp cũng không mấy quan tâm đến vùng đất này và cũng không cắt cử quan lại đến trông coi.

Minh họa: S.HMinh họa: S.H

Năm 1753, Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Khoát vào Nam. Cũng chính từ giai đoạn này, bằng tài thao lược dụng binh, cùng những chính sách quốc phòng, an sinh hiệu quả, Nguyễn Cư Trinh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong việc hoàn tất chính sách mở cõi của chúa Nguyễn về phương Nam, khẳng định chủ quyền lịch sử của dân tộc về biên giới quốc gia.

Khi mới đến, Nguyễn Cư Trinh đã dùng chính sách “tàm thực”, một phương thức đối ngoại khôn khéo, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một vị tướng tài giỏi trong việc mở rộng chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Năm 1692, vua Chiêm Thành là Bà Tranh bị quân nhà Nguyễn đánh bại, một số người dân nước này chạy sang lánh nạn ở Chân Lạp nên gọi là người Côn Man. Những người Côn Man này bị người Chân Lạp đối xử rất tệ, đa số họ bị bắt làm nông nô và nạn cướp, giết người Côn Man lại thường xảy ra. Do người Côn Man trước kia đều là dân của nước Chiêm Thành, sau này bị sáp nhập vào biên giới của xứ đàng Trong, vì vậy, chúa Nguyễn nhận thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho họ. Năm 1753, chúa Nguyễn Phúc Khoát sai Nguyễn Thiện Chính, Nguyễn Cư Trinh đem quân vào đánh Chân Lạp để cứu thoát nhóm người Côn Man này.

Năm 1755, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thua trận và phải nương nhờ Mạc Thiên Tứ tại Hà Tiên. Năm 1756, Nặc Nguyên xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp (vùng Tân An, Gò Công ngày nay) và nạp bù lễ cống ba năm trước còn thiếu để chuộc tội. Nhưng khi đó chúa Nguyễn không chấp nhận, Nguyễn Cư Trinh liền tâu: Muốn mở mang đất đai cũng nên lấy hai phủ này, trước để củng cố mặt sau của hai dinh. Nếu bỏ gần, mưu xa, e rằng hình thế cách trở, binh dân không liên tiếp, lấy được tuy dễ mà giữ thì thật là khó. Trước kia, mở mang đất Gia Định tất phải mở trước đất Hưng Phước, rồi đến Đồng Nai, khiến quân dân đông đủ, rồi sau mới mở đến Sài Côn. Đó là cái kế “tằm ăn lá dâu”. Trước lối phân tích rất thuyết phục của Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh, chúa Nguyễn chấp nhận: Thu lấy hai phủ ấy, ủy thần xem xét hình thế, đặt lũy đóng binh, cấp điền sản cho quân, dân, vạch rõ địa giới, cho lệ thuộc châu Định Viễn để thu lấy toàn thể vùng đất ấy.

Như vậy, với chính sách “tàm thực”, Nguyễn Cư Trinh đã giúp chúa Nguyễn thu về hai vùng đất mới, tạo điều kiện cho lưu dân người Việt yên tâm làm ăn, gây dựng sự nghiệp. Đồng thời, việc sáp nhập hai vùng Tầm Bôn và Lôi Lạp vào châu Định Viễn đã giúp hệ thống cai trị hành chính của triều đình vươn xa thêm về phía Nam.

Năm 1757, Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận thay quyền trông coi việc nước. Quan phụ trách Gia Định tâu xin nhân đó lập lên để tỏ ý ban ơn và để cho biên giới được giữ vững. Nặc Nhuận vì thế mà xin dâng hai phủ Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) cho chúa Nguyễn. Không lâu sau khi lên ngôi vua, Nặc Nhuận lại bị con rể là Nặc Hinh giết để cướp ngôi. Trước sự bất ổn triều chính của Chân Lạp, chúa Nguyễn cho Thống suất Trương Phúc Du tiến đánh Nặc Hinh, rồi lập con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn lên làm vua Chân Lạp. Để tạ ơn, Nặc Tôn xin hiến đất Tầm Phong Long (nằm giữa sông Tiền và sông Hậu) cho chúa Nguyễn.

Như vậy, Tầm Phong Long là vùng đất cuối cùng được nhập vào lãnh thổ nước ta. Việc tiếp nhận Tầm Phong Long còn mang ý nghĩa lớn lao khác, đó là tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển của tỉnh An Giang sau này.

Lời bàn:

Lịch sử hình thành vùng đất Nam bộ được ghi nhận từ chuyến đi kinh lược của Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam năm 1698 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu. Gần 60 năm sau, một vị danh nhân khác của miền Trung đã thừa lệnh chúa Nguyễn Phúc Khoát theo bước của tiền nhân vào Nam tiếp nhận vùng đất An Giang ngày nay, kết thúc quá trình Nam tiến vĩ đại của dân tộc. Đây chính là vùng đất cuối cùng chưa thuộc về Nam bộ lúc bấy giờ và vị danh tướng đã đóng vai trò xác lập chủ quyền đất nước ta thời đó chính là Nguyễn Cư Trinh. Sự thành công của vua Gia Long dựa vào nhiều mặt, nhưng yếu tố “nhân hòa” là quan trọng nhất.

Như vậy là lời nói của Nguyễn Cư Trinh “Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước không yên. Ngày thường chẳng dùng ơn huệ để cố kết lòng dân, tới khi có việc thì nương dựa vào đâu?” đã được chứng nghiệm. Có thể nói, những vị quan thời mở nước như Nguyễn Cư Trinh đã ra công gieo trồng hạt giống “nhân hòa” để thời phục quốc vua Gia Long được mùa thu hoạch. Thế mới hay rằng, ở đâu và thời nào cũng vậy, nếu có được “nhân hòa” thì sẽ có được tất cả.

  • Từ khóa
109851

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu