Thứ 4, 01/05/2024 03:14:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:35, 28/05/2015 GMT+7

Mạc Ngọc Liễn và câu nói để đời

Thứ 5, 28/05/2015 | 09:35:00 2,533 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, triều đại phong kiến nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam được bắt đầu khi vua Mạc Thái Tổ lên ngôi tháng 6-1527 sau khi giành được quyền lực từ tay vua Lê Cung Hoàng nhà hậu Lê và chấm dứt khi vua Mạc Mậu Hợp bị quân đội Lê - Trịnh do Trịnh Tùng chỉ huy đánh bại vào cuối năm 1592. Như vậy, nhà Mạc tồn tại gần 66 năm, với 6 đời vua (thời hậu nhà Mạc còn có 3 vua tự phong).

Tuy nhiên, hậu duệ nhà Mạc như Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ vẫn còn tiếp tục chống lại nhà hậu Lê thời kỳ trung hưng đến tận năm 1677 tại khu vực Cao Bằng. Trong lịch sử, thời kỳ 1527-1592 còn được gọi là thời kỳ Nam - Bắc triều, do chính quyền nhà Mạc chỉ thực sự có quyền lực từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra. Còn từ Thanh Hóa trở vào trên danh nghĩa nằm trong tay các vua Lê - được phục dựng trở lại từ năm 1533.

Sau khi Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị giết, tôn thất nhà Mạc có người thì theo về với Nam triều, có người thì chạy trốn sang tận đất Long Châu (Trung Quốc) và thỉnh thoảng lại đem quân về cướp bóc, có người mai danh ẩn tích để chờ thời, trong đó có Mạc Ngọc Liễn.

Mạc Ngọc Liễn là đại thần nhà Mạc, người xã Dị Nậu (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội). Mạc Ngọc Liễn nguyên có tên là Nguyễn Ngọc Liễn và là con của Thái sư Tây Quốc công Nguyễn Kính - công thần khai quốc nhà Mạc. Do cha con Nguyễn Kính có công lao lớn với nhà Mạc nên cả ba anh em Ngọc Liễn đều được ban họ vua. Mạc Ngọc Liễn đồng thời còn là phò mã nhà Mạc, chồng công chúa Mạc Kim Dung.

Tháng 3-1593, Mạc Ngọc Liễn bí mật lên vùng rừng núi Đông Bắc dò tìm được Đôn Hậu vương là Mạc Kính Cung (con của Mạc Kính Điển). Mạc Ngọc Liễn liền tôn Mạc Kính Cung lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Càn Thống. Dư đảng họ Mạc nghe tin này liền kéo nhau theo về. Vùng Đông Bắc lại thêm một phen binh lửa.

Tháng 2-1594, Mạc Ngọc Liễn bị đánh thua phải chạy sang Tư Minh (Trung Quốc) xin làm bề tôi của nhà Minh, còn Mạc Kính Cung thì chạy đến Long Châu (Trung Quốc). Nhờ được sự trợ giúp của các quan biên ải nhà Minh, Mạc Ngọc Liễn và Mạc Kính Cung thỉnh thoảng lại đem quân về cướp phá, quấy nhiễu. Ngày 2-7-1594, Mạc Ngọc Liễn bị bệnh mà mất, các con của Mạc Ngọc Liễn chạy sang với Mạc Kính Cung. Trước khi mất, Mạc Ngọc Liễn để lại lời di chúc cho các con và Mạc Kính Cung. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ tục biên, quyển 17, tờ 48-b) chép về lời di chúc của Mạc Ngọc Liễn như sau:

Khi Ngọc Liễn sắp lâm chung có di chúc để lại khuyên Mạc Kính Cung rằng: Nay, khí vận nhà Mạc đã cạn, họ Lê hưng phục, đó là bởi số trời đã định. Dân chúng vô tội mà mắc phải nạn binh đao, thật không nỡ! Bọn ta nên lánh ra nước ngoài, chứa uy và nuôi sức, chịu khuất để chờ thời, đợi khi nào mệnh trời tái hiện mới có thể hành động nổi. Lấy sức chọi sức là điều hoàn toàn không nên. Hai con hổ tranh nhau tất phải có một con bị thương, chẳng nên việc gì cả. Nay, nếu thấy quân họ tới thì nên tránh, chớ nên đánh nhau, cẩn thận giữ mình là hơn cả. Cuối cùng, chớ nên mời người Minh vào trong nước ta, khiến cho dân phải lầm than, đau khổ. Đó là tội lớn, không có gì so được.

Lời bàn:

Theo lẽ thường từ thượng cổ đến nay, lời dặn dò trước lúc lâm chung không những là lời thật mà còn sâu sắc và thông thái. Bởi những lời ấy là tâm nguyện cả đời của một người trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng. Và di chúc của Mạc Ngọc Liễn được người đương thời cũng như hậu thế ghi nhớ, vì ông dám nói ra sự thật, đúng sự thật. Vâng, với mọi người Việt thì từ khi dựng nước đến nay, tội phản quốc là tội nặng nhất và không có gì gột rửa hết. Chỉ tiếc rằng, đến lúc ấy Mạc Ngọc Liễn vẫn còn quy hết nguyên nhân thất bại của họ mạc là do mệnh trời. Và cũng đến lúc sắp tắt thở, Mạc Ngọc Liễn mới biết xót thương cho thân phận của người dân. Tuy nhiên, người đời nay không ai trách ông về điều này, bởi thời ấy người ta thường nghĩ như vậy và ông không phải là ngoại lệ. 

Vâng, với mọi người Việt thì từ khi dựng nước đến nay, tội phản quốc là tội nặng nhất và không có dòng sông hay biển cả nào gột rửa hết. Và thực tế lịch sử dân tộc đã chứng minh rằng, bất cứ ai vì quyền lợi ích kỷ của cá nhân và dòng họ mà cam tâm rước giặc ngoại xâm về giày xéo đất nước thì kẻ đó đã phạm tội trời sẽ không dung và đất cũng chẳng tha. Bởi vậy cho nên, hậu thế không ai được phép lãng quên điều này dù chỉ là giây lát.

N.V

  • Từ khóa
109666

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu