Thứ 7, 27/04/2024 07:30:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:27, 29/03/2017 GMT+7

Xử lý nghiêm hành vi tận diệt môi trường biển

Thứ 4, 29/03/2017 | 09:27:00 157 lượt xem

BP - Những ngày vừa qua, chương trình Tiêu điểm của Đài Truyền hình Việt Nam đã liên tục phát những hình ảnh một số tàu thuyền ngư dân sử dụng giã cào, đánh thuốc nổ, dùng kích điện đánh cá, tận diệt môi trường biển. Thậm chí có ngư dân chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi họ bị phát hiện chuẩn bị dùng thuốc nổ đánh cá. Tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 22-3-2017, khi thảo luận về dự Luật Thủy sản (sửa đổi) các đại biểu đã rất bức xúc về tình trạng đánh bắt cá kiểu tận diệt những năm vừa qua. Đáng chú ý có ý kiến của Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn về tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy hải sản. Ông nói: “Tôi hơn 30 năm đi biển, tất cả vùng biển đi rồi, nhưng thấy rằng trong 10 năm nay đánh bắt tận diệt bằng đủ các loại kích điện, thuốc nổ, hóa chất, đánh ở các mùa sinh sản, giờ tất cả các vùng biển từ Bạch Long Vĩ đến Trường Sa, Phú Quốc... đều không còn cá”.

Đúng là thời gian vừa qua hầu như năm nào cũng có những vụ ngư dân đánh cá bằng các loại thuốc nổ bị lực lượng chức năng bắt giữ. Cá biệt có những trường hợp đánh cá bằng thuốc nổ dẫn đến ngư dân tử vong rất thương tâm. Cùng với đó là tình trạng giã cào tận diệt các loại hải sản gần bờ khiến nguồn lực hải sản ở biển nước ta đang ngày càng cạn kiệt. Cũng từ lý do biển của ta không còn cá mà nhiều ngư dân liều mình đi đánh bắt ở nước ngoài và nhiều tàu đã bị bắt. Đánh cá bằng thuốc nổ là một phương pháp có tính hủy diệt mà ngư dân đã sử dụng. Những loại thuốc nổ tự chế được châm ngòi hoặc kích hoạt rồi ném xuống nước. Vụ nổ gây chấn động dưới nước, làm nội tạng cá bị vỡ và cá chết gần như ngay lập tức. Người ta thường cho nổ lần thứ hai để giết các con cá ăn mồi lớn hơn bị thu hút bởi xác những con cá nhỏ đã chết do vụ nổ đầu. Phương pháp đánh bắt này không chỉ giết cá trong khu vực thuốc nổ mà còn lấy đi sự sống của nhiều sinh vật khác. Ngoài ra, nhiều xác cá không nổi lên mặt nước mà chìm xuống đáy biển làm ô nhiễm nguồn nước. Vụ nổ còn giết cả san hô trong khu vực, tiêu diệt cấu trúc của rạn san hô, phá hủy nơi cư trú cho cá và các động vật quan trọng khác. Sau vụ nổ, những vùng từng phủ đầy san hô trở thành hoang mạc, cá chết dẫn đến nguy cơ nhiều loài tuyệt chủng.

Còn đối với giã cào, là loại tàu có công suất máy lớn, sử dụng loại lưới mắt dày, nhiều lớp, nhiều chì để giăng bắt cá từ đáy bùn đến mặt nước. Vì vậy, các loại cá nhỏ mới sinh đến cá trưởng thành đều không thể thoát khỏi lưới của giã cào. Theo quy định, giã cào phải đánh bắt cách bờ ít nhất 24 hải lý, nhưng phần lớn tàu thuyền giã cào hiện nay hành nghề sát bờ. Theo ngư dân cho biết, một mẻ lưới của giã cào cặp đôi dài tới 1.500m, hoạt động diễn ra từ 1-2 giờ, khi cơ quan chức năng phát hiện và đến nơi thì giã cào đã thu lưới, nổ máy chạy xa. Hoạt động của tàu giã cào được cho là có tổ chức cảnh giới, báo động các chủ tàu để kịp thời đối phó với lực lượng tuần tra, kiểm soát từ lúc tàu xuất bến. Hầu hết tàu giã cào có công suất lớn nên việc truy đuổi, tiếp cận của lực lượng chức năng rất khó khăn. Chưa kể đến những hành vi chống đối quyết liệt để giải vây, tẩu thoát khi bị phát hiện, hoặc có tàu sẵn sàng đâm ghe, tàu nhỏ, tấn công các ngư dân khác trong vùng biển để giành ngư trường. 

Việc sử dụng chất nổ, kích điện khai thác hải sản là vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lợi thủy sản cả trước mắt và lâu dài. Giã cào đánh bắt gần bờ cũng là hành vi vi phạm luật pháp, nhiều tỉnh, thành đã cấm phát triển loại hình đánh bắt này. Bà con ngư dân chân chính cho rằng, để chấm dứt thực trạng vi phạm pháp luật trên biển, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những giải pháp quyết liệt hơn. Đối với chính quyền địa phương các vùng có biển cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nghiêm cấm hoạt động giã cào gần bờ, đặc biệt là làm cho ngư dân thấy rõ tác hại khôn lường của việc đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ đối với nguồn lợi và hệ sinh thái biển. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa lực lượng biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển... trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên biển, làm tốt công tác bám địa bàn, tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm góp phần giữ gìn môi trường sinh thái biển để ngư dân mưu sinh lâu dài. 

Đức Hồng

  • Từ khóa
29450

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu