Thứ 7, 27/04/2024 09:37:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:30, 26/05/2013 GMT+7

Xây dựng gia đình văn hóa từ hành động cụ thể

Chủ nhật, 26/05/2013 | 14:30:00 118 lượt xem

Xây dựng gia đình văn hóa là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi người. Khái niệm văn hóa tuy rộng nhưng hành động thì lại cụ thể và thiết thực. Những gia đình văn hóa dưới đây là minh chứng.

CẦM BÚT HAY CẦM CUỐC?

Đó là câu hỏi của ông Điểu Ghi ở ấp Bình Ninh I, phường Hưng Chiến (TX. Bình Long) mỗi khi động viên các con cố gắng trên con đường học vấn. Ông Điểu Ghi có 5 con, trước kia rất nghèo. Ông vừa làm rẫy, làm thuê và phụ vợ buôn bán để có tiền nuôi con ăn học. Nhờ sự động viên, phân tích có lý có tình của ông mà nay các con đều được học hành, tự lo cho bản thân và phụ giúp thêm cha mẹ. Ông Ghi cho rằng do các con đã nhìn thấy ba mẹ cả đời vất vả cầm cuốc nên phải lo học.

Gia đình ông Điểu Ghi

Ông Điểu Ghi phấn khởi khoe: “Năm 2010 vợ chồng tôi xây nhà. 3 đứa con là Điểu Lê Hùng tốt nghiệp cao đẳng xây dựng, đang công tác tại Nhà máy Xi măng Hà Tiên; Điểu Lê Khánh Hưng tốt nghiệp Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, làm việc ở một công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh và Điểu Lê Thị Hiền thì thu mua mủ cao su, mỗi đứa đóng góp 30 triệu đồng. Số tiền còn lại là vợ chồng tôi dành dụm được. Các con tuy đã có gia đình riêng nhưng luôn nghĩ về ba mẹ. Ông cho rằng, đó là nhờ các con được nhà trường, xã hội giáo dục.

Hiện nay, ông Ghi còn 2 con là Điểu Lê Thị Hiếu, học sinh giỏi toàn diện khóa II, tốt nghiệp y sĩ y học cổ truyền trường Trung cấp Y Lê Hữu Trác, tỉnh Đắk Lắk, đang công tác tại Trạm y tế phường Hưng Chiến. Con trai út đang học trung học phổ thông, đạt nhiều thành tích về thể dục - thể thao.

Ông Điểu Nết, già làng ấp Bình Ninh I nhận xét: Hộ ông Điểu Ghi là gia đình văn hóa tiêu biểu. Bởi ở ấp nghèo này rất ít con em được học tới nơi tới chốn. Nhà ông Điểu Ghi không khá giả nhưng gia đình 3 thế hệ luôn sống gương mẫu, được nhiều người nêu gương. Các con ông Điểu Ghi lớn lên vừa lo được cho bản thân, vừa phụ giúp gia đình và có nhiều đóng góp cho xã hội. Điển hình năm 2011, Điểu Lê Khánh Hưng đã vận động nhà hảo tâm ủng hộ 20 triệu đồng xây tặng nhà tình thương cho ông Điểu Đê là hộ nghèo của ấp.

SỐNG TRÒN TRONG VẸN NGOÀI

“Tôi còn sức, còn cống hiến. Không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ. Xã hội sẽ ghi công những ai sống hết mình vì cộng đồng”. Đó là suy nghĩ của ông Lê Văn Tám, Trưởng ban công tác mặt trận khu phố Xa Cam, phường Hưng Chiến.

Mang trên mình tỷ lệ thương tật 76%, nhưng 29 năm qua  cựu chiến binh Lê Văn Tám luôn làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha và quán xuyến việc nhà để vợ yên tâm công tác. Tỉ mẩn trong mọi công việc từ đi chợ, nấu ăn, đến chăm sóc con cái... ông Tám đều hoàn thành những công việc tưởng như rất khó đối với đàn ông. Cho đến khi con gái lớn tốt nghiệp đại học ra trường, con trai út chuẩn bị vào đại học, ông tự nguyện tham gia công tác xã hội. 4 năm “vác tù và hàng tổng”, ông được đánh giá là một trong những điển hình gương mẫu ở khu dân cư. Năm 2012, gia đình ông được thị xã Bình Long tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu, được UBND tỉnh tặng bằng khen về công tác vận động quần chúng.

Ông Tám chia sẻ: “Tôi hiện còn hàng chục mảnh đạn trong đầu, luôn đau nhức mỗi khi trở trời. Vợ thường xuyên nhắc nhở về sức khỏe, nhưng tôi nghĩ tham gia hoạt động xã hội cũng là cách để mình giải tỏa nỗi đau, được sống vui hơn. Tuổi xuân tôi đã dành cho đất nước, trung niên dạy dỗ hai con nên người, phần còn lại tôi nguyện đóng góp cho xã hội”.

Bà Nguyễn Thị Yến Thanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Hưng Chiến cho biết: Với vai trò Trưởng ban công tác mặt trận, Trưởng ban chỉ đạo khu dân cư, nhiều năm qua ông Tám đã có công đối với khu phố Xa Cam. Ông đã vận động nhân dân làm đường nông thôn, đóng góp, giám sát xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa...                              

 Phương Dung

  • Từ khóa
45162

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu