Thứ 7, 27/04/2024 09:24:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:43, 25/10/2017 GMT+7

Xã vùng sâu xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 25/10/2017 | 15:43:00 443 lượt xem

BP - Giai đoạn 2011-2015, huyện Bù Gia Mập chọn Phú Nghĩa và Bù Gia Mập làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, 2 xã phát huy nội lực, vận động người dân chung sức hoàn thành chương trình. Tuy nhiên, là xã vùng sâu, xa, 74% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số lại giáp biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội bộn bề khó khăn khiến Bù Gia Mập đành “lỗi hẹn”... Từ đánh giá thực tế, Bù Gia Mập đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 thực sự có một diện mạo NTM trọn vẹn.

“Dân vận khéo” để dân hiểu, dân tin...

Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Thành cho biết: “Trong các hình thức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM thì mô hình “dân vận khéo” được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả tích cực. Cán bộ và nhân dân đều nắm được mục tiêu, nội dung chương trình xây dựng NTM. Một số chính sách của Chính phủ về nông nghiệp - nông dân - nông thôn gắn với chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân được phát huy”.

Từ xây dựng nông thôn mới, xã Bù Gia Mập đã có diện mạo mới

Hiểu rõ xây dựng NTM là phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở một tầm cao mới, lãnh đạo xã Bù Gia Mập đã tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức đối với người dân qua nhiều “kênh”. Ban tuyên truyền NTM xã chủ động chuyển tải thông tin dưới nhiều hình thức phong phú như: trên loa truyền thanh, hình ảnh, tập san, tờ rơi, áp phích... Vị trí đặt pa-nô, áp phích tuyên truyền ở 8 thôn đều dễ thấy, dễ đọc, thu hút sự quan tâm của mọi người. Qua đó đã có khoảng 85% lượt người tham gia họp thôn tiếp cận trực tiếp nội dung tuyên truyền; 100% hộ dân đăng ký thực hiện 19/19 tiêu chí NTM.

Lồng ghép ở nhiều cuộc họp, nội dung xây dựng NTM được cán bộ MTTQ, các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên... quán triệt đến từng hội viên và nhân dân. Mỗi hội, đoàn thể đều gắn với đặc thù của tổ chức mình để thực hiện. Bên cạnh khẩu hiệu chung “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”, các hội viên còn “soi” theo chức năng, nhiệm vụ để tích cực xây dựng NTM như: “Thi đua xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc“, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Vì người nghèo”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”... Các đoàn thể, chính trị - xã hội còn thường xuyên vận động nhân dân phát quang đường thôn, ngõ xóm; thu gom rác đến hố rác tập trung; khơi thông mương nước... Từ đó góp phần hoàn thành các tiêu chí NTM.

Xây dựng NTM là cho dân, vì dân

Xa Bù Gia Mập đã đạt 13/19 tiêu chí. Với rất ít lợi thế thì sự phấn đấu này thật đáng trân trọng. Điều người dân nhận thấy rõ nhất chính là thông qua xây dựng NTM đã phát huy tốt tình làng nghĩa xóm, tính cộng đồng, xu thế hợp tác phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, ở xã nghèo, khó khăn như Bù Gia Mập thì thu nhập bình quân năm 2011 từ 7 triệu đồng/người tăng lên 17 triệu đồng/người vào năm 2016 là một bước tiến dài. Tuy nhiên, so với tiêu chí năm 2016 là 27 triệu đồng và 2017 là 31 triệu đồng thì khoảng cách vẫn còn khá xa.

Năm 2015, Bù Gia Mập đã đạt tiêu chí hộ nghèo. Nhưng năm 2016 theo phương pháp tiếp cận hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo tăng lên, đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của hệ thống chính trị và nhân dân nơi đây. Hiện xã còn 12,7% hộ nghèo và phải giảm xuống 12% vào cuối năm nay, tiếp tục giảm lần lượt 10, 8 và 7% vào 3 năm tiếp theo là điều không dễ thực hiện. Để nâng cao đời sống người dân, hoàn thành tiêu chí thu nhập và giảm nghèo, từ đầu năm đến nay, lãnh đạo xã đã chỉ đạo các tổ tiết kiệm vay vốn phối hợp cán bộ thôn hướng dẫn người dân vay vốn ngân hàng chính sách phát triển kinh tế; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm... Qua đó, 270 hộ đã được giải ngân 4,299 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn sản xuất - kinh doanh, hộ nghèo, vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, quỹ tình thương, sinh viên... Ngoài ra, 14 hộ được hỗ trợ bò giống 280 triệu đồng; 50 người được tập huấn cạo mủ cao su...

Bên cạnh nỗi lo thì điều mừng nhất ở Bù Gia Mập là 394 căn nhà dột nát, tạm bợ năm 2011 đã được “xóa sổ”. Hiện 94% hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn, giúp xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư.

Qua xây dựng NTM, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trên địa bàn Bù Gia Mập đã được cấp bò, trâu, dê giống... tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Hàng chục hộ dân được tham gia dự án cải tạo và ghép cành vườn điều. Xã còn thành lập 4 tổ hợp tác bảo vệ rừng với 72 lao động tham gia, tăng thu nhập cho lao động 1,3 triệu đồng/tháng. Riêng giai đoạn 2011-2015, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vốn vay tín dụng phát triển sản xuất 2,374 tỷ đồng; 318 lao động được đào tạo nghề; 17 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, ghép cành và chăm sóc cây trồng; 18 hội thảo về phân bón sản xuất cho hàng ngàn lượt người dân ở đây. Song song đó, vốn lồng ghép 926,28 triệu đồng đã phát huy tác dụng, hội, đoàn thể xã kết hợp Trạm Khuyến nông huyện Bù Gia Mập thực hiện mô hình trình diễn trồng cây ca cao xen điều 0,5 ha; cải tạo vườn điều già 1 ha; hỗ trợ 11.500 cây ca cao giống; triển khai 2 mô hình trồng nấm, chăn nuôi bò... 41 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 48 con bò giống trị giá 783,28 triệu đồng (vốn lồng ghép - chương trình 135)...

Ông Phạm Thành khẳng định: Qua 7 năm thực hiện xây dựng NTM, tình hình sản xuất, tăng thu nhập cho người dân có chuyển biến rõ rệt. đất đai được sử dụng hợp lý, cây trồng đạt hiệu quả kinh tế được chú trọng phát triển mạnh, điển hình như: diện tích hồ tiêu đạt 243 ha, tăng 188,1 ha so với năm 2010; tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, tạo chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Diện mạo mới ở xã vùng biên

Khi chưa phát động chương trình xây dựng NTM, đường đến Bù Gia Mập là nỗi ám ảnh của nhiều người. Được tỉnh, huyện hỗ trợ vốn gần 18,5 tỷ đồng, xã đã vận động nhân dân đóng góp thêm trên 2,3 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn. Qua đó 19,5km đường nhựa đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài ra xã còn tu sửa gần 4km đường làng ngõ xóm, đường nội đồng... tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, theo tính toán, vẫn còn gần 55km đường nông thôn cần xây dựng, nâng cấp, với số vốn khoảng 89,5 tỷ đồng mới có thể đạt tiêu chí giao thông.

Thời gian về đích NTM của Bù Gia Mập chỉ còn hơn 3 năm. Tổng mức vốn cần để hoàn thành các tiêu chí khoảng 207 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ người dân và cộng đồng 13,4 tỷ đồng đang là mối bận tâm lớn của Đảng ủy, chính quyền xã. So với giai đoạn đầu xây dựng NTM, tổng vốn được huy động hơn 42,6 tỷ đồng và nhân dân đóng góp chỉ chiếm 5,6% (tức 2,4 tỷ đồng) thì số tiền đầu tư lần này không hề nhỏ. Trong khi thu nhập của người dân thấp và tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... cần vốn lớn đang là thách thức không nhỏ cho Đảng bộ, chính quyền và người dân vùng biên giới này. Tuy nhiên, với những gì đã và đang có đủ thấy sự đổi thay ở Bù Gia Mập. Mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, làm diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới mà chương trình xây dựng NTM đề ra phần nào đã thực hiện được.

Chủ tịch UBND xã Phạm Thành chia sẻ, cùng với nguồn vốn phân bổ từ Trung ương và tỉnh, huyện đầu tư cho xây dựng NTM, lãnh đạo xã đang cùng hội, đoàn thể và nhân dân trong xã tích cực thực hiện 6 tiêu chí còn lại. Ngoài tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát huy mặt mạnh, duy trì 4 tổ hợp tác bảo vệ rừng, Tập đoàn Đắk Á, Hợp tác xã nông nghiệp Bù Gia Mập... lãnh đạo xã còn chỉ đạo ưu tiên cho người dân vay vốn quỹ, ngân hàng, hỗ trợ sản xuất, các ngành nghề cần liên kết, đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với các tiêu chí NTM và vận động nhân dân đóng góp. Mục tiêu sẽ đạt được khi có sự quan tâm của các cấp, ngành và cũng chính là sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang cùng quyết tâm hướng đến.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
54126

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu