Thứ 7, 27/04/2024 06:01:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:10, 23/05/2015 GMT+7

Xã Thống Nhất: Dùng sức dân để lo cho dân

Thứ 7, 23/05/2015 | 14:10:00 2,536 lượt xem
BP - Kinh tế thị trường thời kỳ khó khăn lại giúp người dân xã Thống Nhất (Bù Đăng) xây dựng hàng loạt cơ sở, nhà máy, doanh nghiệp chế biến điều để tự cứu mình. Người dân trong xã từ lao động thủ công chuyển sang có tay nghề. Ngay cả lực lượng lao động người dân tộc thiểu số cũng ý thức để “chuyên nghiệp hóa”. Quan trọng hơn là tình làng nghĩa xóm trong dân gần gũi và đoàn kết hơn. Đó là điều ai cũng cảm nhận rất rõ ở xã Thống Nhất hôm nay.

CÚ HÍCH TỪ NGƯỜi LÍNH CỤ HỒ

Trao đổi với chúng tôi trong vườn cây ca cao, ông Lê Xuân Phiên ở thôn 10, xã Thống Nhất cho biết: “Niềm tự hào của cựu chiến binh (CCB) chúng tôi bây giờ phải là làm gương. Không thể để tấm gương ấy mờ đi mà phải biết nâng niu, gìn giữ để con cháu noi theo. Với suy nghĩ ấy, tôi cố gắng tạo dựng mô hình đa canh này để không hổ thẹn với danh hiệu bộ đội Cụ Hồ”.

Công - thương nghiệp phát triển nhanh đã giúp bộ mặt nông thôn xã Thống Nhất khang trang hơn

Để tận dụng quỹ đất dưới tán cây điều, cách đây 5 năm, ông Phiên đã đưa cây ca cao vào trồng xen. Khi loại cây này đi vào giai đoạn kinh doanh, lượng phế thải từ vỏ ca cao khá lớn sau khi thu hoạch. Để tránh lãng phí cành, lá, vỏ ca cao và trái điều sau mỗi mùa vụ, ông Phiên đầu tư nuôi dê. Phế thải của dê dùng làm phân bón khá hữu hiệu cho cây trồng. Nhờ 3 nguồn thu khép kín trên diện tích 1,7 ha đất, gia đình ông Phiên thu 140 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Từ xã thuần nông, nhưng chính nhờ sống trên vùng nguyên liệu cộng với sự linh hoạt của người dân và hệ thống ngân hàng đã giúp xã Thống Nhất tự giải phóng và nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của mình.

Bí thư Đảng ủy xã Vũ Đức Hoàng

Hội CCB xã Thống Nhất hiện có 389 hội viên với tổng vốn giúp nhau làm kinh tế 640 triệu đồng. Trong đó, 54 triệu đồng cho hội viên vay không lấy lãi, số còn lại cho vay theo lãi suất Ngân hàng chính sách xã hội. Bằng nguồn vốn của đồng đội, 31 gia đình hội viên đã thoát nghèo. Tất cả hội viên CCB không còn nhà dột nát, tranh tre. 100% hội viên và gia đình chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các phong trào do xã phát động. Con em hội viên không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội.

Từ phong trào giúp nhau vượt khó và xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh của hội CCB đã lan tỏa đến tất cả các đoàn thể khác trong xã. Hiện Thống Nhất có đến 10 nguồn vốn vận động thuộc các tổ chức, đoàn thể giúp nhau làm kinh tế. Đặc biệt là vốn vận động của hội phụ nữ hiện đã lên đến 1,9 tỷ đồng. Và cũng không có hội viên phụ nữ nghèo hay ở nhà dột nát.

TẬN DỤNG THỜI CƠ

Là một xã thuần nông với tổng diện tích gieo trồng 10.287 ha nhưng cơ cấu kinh tế của xã Thống Nhất đang chuyển dịch mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ. Đặc biệt là công nghiệp chế biến, gia công hàng nông sản đã và đang giúp nguồn thu của người dân năm sau cao hơn năm trước. Thu nhập bình quân đầu người hiện đã vượt lên 27 triệu đồng/người/năm, tăng 158% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII, nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ xã đề ra. Trên địa bàn xã hiện có 28 doanh nghiệp; 21 cơ sở sản xuất, chế biến, gia công nông sản và 622 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể. Sự phát triển mạnh cả bề rộng lẫn chiều sâu từ các cơ sở chế biến hạt điều không chỉ giúp Thống Nhất nâng cao giá trị hàng nông sản mà còn giúp lao động tại xã có công việc ổn định với mức thu nhập cao. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từ 9% đầu nhiệm kỳ xuống còn 5,6%. Con số 1.500 lao động, trong đó có 600 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ có việc làm ổn định trong các cơ sở chế biến hạt điều đã minh chứng cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã đang đi là đúng hướng.

Ông Lê Xuân Phiên (trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng xen cây ca cao trong vườn điều với hội viên thuộc Chi hội thôn 10, xã Thống Nhất

 Mặt khác, việc tuyên truyền và đẩy mạnh việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm qua đã giúp từng cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức và xây dựng chương trình hành động phù hợp với lợi ích của dân. Đến nay, những người chống đối quyết liệt trong thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm cũng hiểu được vấn đề để rồi cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền xã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là điều đáng mừng và đáng trân trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thống Nhất đã làm được trong nhiệm kỳ 2010-2015.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
13165

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu