Thứ 7, 27/04/2024 06:13:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:47, 23/06/2016 GMT+7

Viết tiếp bài “Chiếm đất người khác xây nhà - chuyện lạ ở Phú Văn”

Thứ 5, 23/06/2016 | 09:47:00 169 lượt xem

>> Chiếm đất người khác xây nhà - chuyện lạ ở Phú Văn

BP - Ngày 21-12-2015, Báo Bình Phước có đăng bài: “Chiếm đất người khác xây nhà - chuyện lạ ở Phú Văn”. Nội dung bài báo phản ánh: Năm 2003, ông Lê Ngọc Láng ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập có sang nhượng của ông Mai Văn Thọ và bà Lê Thị Cảnh một thửa đất rộng 1.400m2 tại thôn 1, xã Phú Văn (Bù Gia Mập). Năm 2013, thửa đất này bị ông Hoàng Kim Thuyết lấn chiếm 5,4m mặt tiền để xây nhà. Ông Láng tố cáo hành vi của ông Thuyết. Sau đó, UBND xã Phú Văn hòa giải không thành nên chuyển đơn lên Tòa án nhân dân (TAND) huyện Bù Gia Mập. Trong khi chờ cấp có thẩm quyền giải quyết thì đã có thêm một hộ dân khác lấn chiếm, xây nhà kiên cố trên đất của ông Láng...

Đã 4 năm trôi qua, vụ việc vẫn không được giải quyết gây bức xúc cho gia đình ông Láng và dư luận trên địa bàn. Phóng viên Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Huỳnh, Chánh án TAND huyện Bù Gia Mập về vụ việc.

Đất của ông Láng bị hai hộ dân lấn chiếm xây nhà

PV: Thưa ông, vì sao vụ việc của ông Láng, TAND huyện thụ lý đã 4 năm và 2 lần thay đổi thẩm phán nhưng vẫn chưa xét xử?

Ông Trần Thanh Huỳnh: Vụ án của ông Láng được TAND huyện Bù Gia Mập thụ lý từ tháng 6-2013 và giao cho thẩm phán Nguyễn Trọng Đại xử. Vì vụ án phát sinh yếu tố nước ngoài (người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đang ở nước ngoài) nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh. Sau khi chuyển về tỉnh, TAND tỉnh yêu cầu thẩm phán bổ sung thêm những yếu tố chứng minh vụ án có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Do không bổ sung được nên đến tháng 11-2014, TAND tỉnh lại chuyển hồ sơ vụ án về TAND huyện Bù Gia Mập xử lý.

Trong quá trình giải quyết, nguyên đơn (ông Láng) yêu cầu thay đổi thẩm phán. Thời gian này thẩm phán Đại được cử đi học nên vụ việc của ông Láng được giao cho thẩm phán Nguyễn Thị Tuyết thụ lý. Trong giai đoạn tố tụng, thẩm phán Tuyết phát hiện diện tích đất đang tranh chấp trên thực tế khác với diện tích trong GCNQSDĐ. Do đó, tháng 11-2015, TAND huyện có văn bản đề nghị UBND huyện cho biết quy trình cấp GCNQSDĐ cho ông Láng và lý do diện tích đất trong GCNQSDĐ khác với thực tế. Đến nay, UBND huyện Bù Gia Mập vẫn chưa có văn bản trả lời.

Hiện vụ án của ông Láng chuyển sang thẩm phán Huỳnh Tòa thụ lý bởi thẩm phán Tuyết nghỉ chế độ thai sản. Mỗi lần thay đổi, thẩm phán phải mất thời gian nghiên cứu hồ sơ nên vụ án kéo dài thêm. Việc thay 2 lần thẩm phán là do yếu tố khách quan.

PV: Trong quá trình TAND thụ lý thì người dân xây dựng nhà ở trên đất đang tranh chấp, ông Láng đã làm đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng vẫn không được giải quyết, vậy trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?

Ông Trần Thanh Huỳnh: Trường hợp này thuộc trách nhiệm của thẩm phán Tuyết. Khi đương sự (ông Láng) có đơn trình báo sự việc người dân xây nhà trên đất đang tranh chấp và yêu cầu thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để giữ nguyên hiện trạng. Nếu thẩm phán không giải quyết thì đương sự làm đơn khiếu nại chánh án phải trả lời và chịu trách nhiệm về việc này.

Khi ông Láng làm đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vào tháng 10-2015, thẩm phán Tuyết phải đi xác minh thực tế, nếu có sự việc phải báo cho người ký các văn bản tố tụng. Thời điểm ông Láng làm đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thẩm phán Tuyết xem xét, nếu cần thì trình báo sự việc cho thẩm phán Đại. Bởi lúc này thẩm phán Đại (là Phó chánh án TAND huyện Bù Gia Mập) ký các văn bản tố tụng (ông Huỳnh hết nhiệm kỳ Chánh án chờ tái bổ nhiệm - PV). Do đó, nếu người dân xây nhà bất hợp pháp trên đất đang tranh chấp mà TAND huyện không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời làm thay đổi hiện trạng thì trách nhiệm thuộc về thẩm phán trực tiếp xử lý vụ án và người ký các văn bản tố tụng.

PV: Khi nào vụ án mới được đưa ra xét xử, thưa ông?

Ông Trần Thanh Huỳnh: Trong quá trình thụ lý, đương sự không hợp tác như: Một trong hai bên không đồng ý kết quả đo đạc thực địa; khi tòa mời lên hòa giải thì không có thiện chí.

Mặt khác, thực tế đất cả phần tranh chấp và phần hai bên đang sử dụng hợp pháp trên GCNQSDĐ cộng lại khác so với diện tích đất thực địa. Do đó, TAND huyện đang phải chờ trả lời từ UBND huyện về sự chênh lệch này. Sau khi có văn bản trả lời, TAND huyện xem xét việc có mời UBND huyện tham gia quá trình tố tụng hay không. Sau đó, tổ chức cho hai bên hòa giải một lần nữa, nếu không thành sẽ đưa vụ án ra xét xử.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhất Sơn

  • Từ khóa
95084

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu