Thứ 6, 26/04/2024 07:43:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:06, 06/07/2016 GMT+7

“Tiểu Hạ Long” ở phương Nam

Thứ 4, 06/07/2016 | 08:06:00 170 lượt xem
BP - Vùng biển phía Tây Nam có nhiều đảo và quần đảo, là tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế của Tổ quốc ta. Quần đảo Bà Lụa là một trong những nơi như vậy. Nhìn trên bản đồ và nhiều người có dịp đến đây đều cho rằng, vùng biển đảo Bà Lụa như một “tiểu Hạ Long” của phương Nam. Quần đảo Bà Lụa mang vẻ đẹp hoang sơ, nằm trong vùng biển ít có gió to, sóng lớn nên đang dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn, được nhiều du khách tìm đến khám phá, trải nghiệm.

Quần đảo Bà Lụa thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Tên gọi Bà Lụa của quần đảo này được người ta giải nghĩa rất khác nhau. Có nguồn cho rằng, Bà Lụa là tên của một vị nữ tướng hậu cần đã lập xưởng dệt lụa trên đảo này để cung cấp áo quần cho nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Quần đảo Bà Lụa có hơn 40 đảo lớn nhỏ trải rộng trên một diện tích biển khoảng 70km² nhưng chỉ 10 đảo có cư dân sinh sống. Những hòn đảo nơi đây đều do người dân đặt tên theo hình dạng, cùng với những truyền thuyết và giai thoại như: Hòn Heo, Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước...  Xung quanh quần đảo Bà Lụa là vùng biển nước không sâu lắm; một số nơi, người ta có thể đi bộ từ đảo này sang đảo khác mà nước cũng chỉ ngập không quá lưng người lớn.

Hòn Heo là đảo lớn nhất quần đảo Bà Lụa, có chu vi khoảng 7km, diện tích 150 ha. Người dân ở đây cho biết, tên gọi Hòn Heo xuất phát từ việc người Pháp ra đảo lập trại nuôi heo thử nghiệm vào năm 1918. Hiện nay, trụ sở UBND xã Sơn Hải đóng trên đảo Hòn Heo. Xã đảo Sơn Hải quản lý những hòn đảo thuộc quần đảo Bà Lụa và Hòn Heo là nơi đặt trụ sở UBND xã nên đây cũng là trung tâm của cả quần đảo này. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Sơn Hải là xã đầu tiên của huyện Kiên Lương hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học và THCS. Cuối năm 2007, Sơn Hải cũng là xã đầu tiên của huyện không còn hộ đói nghèo. Hòn Heo không phải là đảo du lịch nên có nhiều bãi biển còn hoang sơ, mỗi ngày chỉ có hai chuyến tàu khách từ đất liền đi ra đảo.

Hòn Heo hiện có khoảng 2.100 người sinh sống, phần lớn cư trú tập trung tại thung lũng giữa hai ngọn núi. Xóm Đầu Trên với bến tàu là nơi có nhiều đường ngang ngõ tắt, nhỏ hẹp. Làng chài trên đảo khá sầm uất nhưng đường làng chỉ đủ hai người đi bộ tránh nhau, hai bên là hai dãy nhà nhỏ liền vách nhau giống như một khu phố nghèo nào đó của thành phố. Từ trung tâm ra khỏi làng chài đã gặp ngay bãi biển. Bãi cát không đẹp nhưng nhờ nằm giữa biển và vạt rừng nguyên sinh nên mang những nét hoang sơ. Đi hết bãi cát dài khoảng 500m là những bãi đá cuội, đá ong với cấu tạo địa chất đa dạng. Trên đảo có ngôi chùa Sơn Hải Tự thờ những pho tượng phật và cả hài cốt của những cư dân đảo khi qua đời gửi vào chùa. Chùa nằm cạnh sườn núi, được xây dựng từ năm 1985 bằng gạch, trùng tu kiên cố vào năm 1993, hiện do đại đức Thích Huệ Tánh trụ trì. Đường lên chùa là những bậc xi măng khá đẹp. Sân chùa không rộng nhưng thoáng đãng, mát mẻ nhờ bóng mát một số cây ăn trái và cây kiểng. Cuối xóm chùa, theo con dốc bên trái là miếu Bà có các bậc xi măng dẫn lên chừng 50m.

Đến Hòn Heo, hỏi chuyện những người cao tuổi, được nghe những câu chuyện tưởng như ly kỳ nhưng lại rất thật. Đó là chuyện của ông Trần Văn Học (thường gọi là Tư Hạc). Người ta nói ông Tư Hạc là người của Việt Minh nhưng cả hải tặc rồi đến Pháp, Mỹ cũng đều tìm đến ông khi họ hiện diện tại quần đảo này. Có người nói, ông là một cao thủ võ lâm; cũng có người nói ông là thầy bùa, thầy thuốc... hành hiệp trượng nghĩa giúp người. Ông Tư Hạc ra quần đảo Bà Lụa sinh sống bằng nghề đóng ghe đi biển. Dân đảo còn truyền nhau rằng: Những chiếc ghe do ông Tư Hạc đóng dù lớn nhỏ đều rất an toàn trước sóng to gió lớn. Thậm chí người ta còn thêu dệt rằng, ghe của ông đóng đi biển thường đánh được nhiều cá hơn các ghe khác... Cứ thế, hình ảnh ông Tư Hạc trở nên vững vàng và sống mãi trong lòng dân đảo Hòn Heo cho đến ngày nay.(*)       

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo kiengiang.gov.vn

   

  • Từ khóa
111254

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu