Thứ 7, 27/04/2024 01:29:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:59, 07/02/2016 GMT+7

Mùa xuân của những công nhân DTTS

Chủ nhật, 07/02/2016 | 07:59:00 96 lượt xem
BP - Từ những bàn tay lạ lẫm chưa từng biết đến cây cao su, chưa một lần cầm dao cạo nhưng sau một thời gian lao động chăm chỉ, miệt mài trên vườn cây, nhiều công nhân dân tộc thiểu số (DTTS) đến từ các tỉnh phía Bắc đã trở thành công nhân cạo giỏi, vượt sản lượng, “bàn tay vàng” được công ty và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tuyên dương, khen thưởng.

CHỦ ĐỘNG NGUỒN LAO ĐỘNG

Nông trường Tân Hưng (Công ty cổ phần cao su Đồng Phú) đứng chân trên địa bàn hai xã Tân Hưng và Tân Lợi thuộc vùng sâu, xa của huyện Đồng Phú. Xa trung tâm hành chính, giao thông khó khăn, nhu cầu sinh hoạt thiếu thốn nên việc tuyển lao động còn hạn chế. Ngoài tuyển dụng tại địa phương, lãnh đạo Nông trường Tân Hưng còn ra các tỉnh phía Bắc để tuyển thêm lao động.

Nông trường hiện có 446 lao động, trong đó 247 lao động là đồng bào DTTS. Năm 2015, tập thể lao động Nông trường Tân Hưng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thu hoạch mủ vượt sản lượng công ty giao (106,3%). Để giữ chân người lao động cũng như tạo điều kiện cho công nhân yên tâm sản xuất, nông trường đã xây 86 căn nhà, mỗi căn có diện tích 48m2 ở ấp Thạch Màng (xã Tân Lợi) và ấp Pa Pếch (xã Tân Hưng), huyện Đồng Phú. Các dãy nhà đang là mái ấm của trên 300 công nhân xa quê. Đặc biệt, các khu nhà đều được trang bị máy phát điện, tivi, hệ thống nước sinh hoạt.

54 công nhân DTTS tiêu biểu được Công ty cổ phần cao su Đồng Phú tuyên dương, khen thưởng

Với những công nhân tay nghề yếu, hằng năm, nông trường mở lớp đào tạo và bồi dưỡng cạo mủ, thường xuyên kiểm tra kỹ thuật khai thác tại vườn cây. Nhờ đó, toàn nông trường có 98% công nhân khai thác đạt loại giỏi, 2% xếp loại xuất sắc.

CÔNG NHÂN TRẺ, TAY NGHỀ GIỎI

Tại lễ tuyên dương công nhân DTTS tiêu biểu Công ty cổ phần cao su Đồng Phú, em Vừ Y Xì (SN 1993) nổi bật với trang phục truyền thống của người Hơmông. Năm 2013, Vừ Y Xì từ tỉnh Nghệ An xin vào làm công nhân tại tổ 5, liên tổ 2, Nông trường Tân Hưng. Em vừa làm vừa học hỏi các anh chị đi trước. Như con ong chăm chỉ trên vườn cây, sau hai năm em đã có nhiều kết quả nổi bật. Năm 2015, Vừ Y Xì cạo đạt 8,06 tấn, vượt chỉ tiêu nông trường đề ra 8 tấn/người/năm; lương bình quân 8 triệu đồng/tháng (lương trung bình của công nhân nông trường 6 triệu đồng/người/tháng).

Công ty cổ phần cao su Đồng Phú có tổng diện tích hơn 9.000 ha. Trong đó, vườn cây kinh doanh 7.255 ha, vườn cây kiến thiết cơ bản 1.987,67 ha. Trong số 3.686 công nhân, viên chức, người lao động toàn công ty, có 407 công nhân DTTS (chiếm 11,47%), chủ yếu là dân tộc Hơmông đến từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và một số ít là đồng bào Tày, Êđê, S’tiêng, Mường, Nùng, Chăm, Khơme... Công nhân DTTS tập trung số lượng lớn ở Nông trường Tân Hưng (260 người), Nông trường Thuận Phú (66 người), còn lại làm việc tại Nông trường Tân Lợi, Tân Lập, An Bình.

Dù trình độ học vấn chưa cao nhưng Vừ Y Xì là tấm gương tiêu biểu trong học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Em chịu khó tiếp thu kiến thức, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, khai thác mủ ở đồng nghiệp để rèn tay nghề và có cách làm khoa học. Em còn để ý và theo dõi những cây cao su có triệu chứng bệnh để ngăn ngừa, báo cáo bộ phận chuyên môn phòng trị. Vừ Y Xì chia sẻ: “Lúc mới được tuyển dụng vào làm công nhân em lo lắm, không biết cầm dao cạo, đứng cũng không đúng tư thế. Nhưng chỉ một thời gian em đã bắt kịp công việc, hằng năm luôn vượt sản lượng”. “Tuổi nghề còn trẻ nhưng không đồng nghĩa với tay nghề yếu” là câu nói chắc nịch của Vừ Y Xì với chúng tôi, khi cầm trên tay tấm bằng khen công nhân DTTS tiêu biểu năm 2015.

Vinh dự được đứng trên bục vinh danh công nhân DTTS tiêu biểu của Công ty cổ phần cao su Đồng Phú, chị Quách Thị Quyên (dân tộc Mường) rất vui và xúc động. Xuất phát điểm với bộn bề khó khăn khi cùng gia đình vào Bình Phước lập nghiệp năm 2005, đến nay mức lương bình quân của chị đạt từ 6-8 triệu đồng/tháng. Nhờ tính toán chi tiêu, dành dụm đến nay gia đình chị đã mua được đất, sắm tivi, xe máy.

Chị Quyên thường xuyên trao đổi, rèn luyện nâng cao tay nghề, khai thác đúng quy trình kỹ thuật. Sản lượng vườn cây khai thác của chị năm nào cũng vượt chỉ tiêu. Ngoài chăm sóc tốt vườn cây, chị còn chỉ bảo tận tình, truyền đạt kinh nghiệm cho những công nhân mới vào nghề. “Xa quê đã 10 mùa mai nở, gia đình tôi luôn coi đây là ngôi nhà thứ hai, vì dòng nhựa trắng đã đem lại cho gia đình cuộc sống ấm no. Công đoàn công ty thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Các chế độ lương, thưởng, phúc lợi xã hội được thực hiện đầy đủ. Dù thu nhập có giảm khi giá mủ cao su biến động nhưng vợ chồng tôi cùng với 246 công nhân người DTTS trong nông trường luôn bám vườn cây, hoàn thành vượt sản lượng giao” - chị Quyên chia sẻ.

Thời gian rảnh, chị Quyên vận động công nhân DTTS tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao để rèn luyện sức khỏe và duy trì bản sắc dân tộc. Không chỉ cạo giỏi, chị Quyên còn là vận động viên bắn nỏ tiêu biểu của công ty và Quân khu 7.

Hà Nga

  • Từ khóa
53539

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu