Thứ 7, 27/04/2024 08:40:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:38, 01/05/2016 GMT+7

“Thần rắn” và gia đình tám đời bốc thuốc

Chủ nhật, 01/05/2016 | 16:38:00 818 lượt xem

BP - Truyền nhân đời thứ 7

Ông Hòa sinh năm 1953, trong một gia đình có truyền thống làm nghề đông y tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội ngày nay. Bản thân ông Hòa là truyền nhân đời thứ 7 của gia đình hành nghề đông y. Chính vì nghề gia truyền lại được cha, ông truyền dạy thêm về y đức nên ông Hòa có điều kiện trở thành lương y tài năng và đức độ. Cuối năm 1988, sau khi lập gia đình ông Hòa đưa vợ con vào đất Long Hà lập nghiệp và tham gia sinh hoạt tại Hội Đông y xã cho đến nay. Trên vùng đất mới, dù còn bộn bề khó khăn song ông Hòa vẫn chuyên tâm phát triển nghề y và hướng các con vào nghiệp cứu người bằng các bài thuốc đông y. Do vậy, các con của ông sau khi tốt nghiệp phổ thông đều tự nguyện thi vào khoa dược, trường y để về phụ cha cắt thuốc, chữa bệnh cứu người, đồng thời bảo tồn nghề truyền thống của gia đình.

Giành sự sống từ tay tử thần

Chị Nguyễn Thị Vui, con gái ông Hòa cho biết: “Ngoài chữa bệnh về xương, khớp, phong thấp, bỏng, gan, thận, châm cứu... ông cụ đã giành lại sự sống cho hàng ngàn người bị rắn độc cắn trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh. Có người đã nằm chờ chết, có người đã bị hoại tử vì rắn cắn”. Nói rồi chị Vui lật cuốn album lưu lại hàng trăm bức ảnh về những ca bị rắn độc cắn mà ông Hòa đã cứu chữa thành công.

Tại nhà ông Hòa, anh Bùi Văn Hồng, người cùng xã đang điều trị vì bị rắn độc cắn. Anh Hồng kể: “Cách đây một tháng, tôi ra vườn vào ban đêm thì bị rắn cắn nhưng không biết loại rắn gì. Sau đó, tôi thấy tay chân bủn rủn, buồn nôn, ù tai, hoa mắt và chỗ rắn cắn sưng phồng. Chạy về đến nhà, tôi chỉ kịp ra hiệu mình bị rắn cắn rồi bất tỉnh. Gia đình vội đưa đến thầy Hòa cứu chữa”. Chị Vui cho hay: “Khi anh Hồng được đưa tới, ba tôi xác định là cứu được nhưng thịt ở vết cắn sẽ bị hoại tử nên điều trị phải mất hơn 1 tháng. Tùy thuộc vào từng trường hợp rắn cắn để cứu chữa, có người chỉ vài ngày là bình phục, có người phải mất vài tháng. Tùy theo mức độ độc của rắn, thời gian cắn và triệu chứng của nạn nhân để có phương án cứu chữa kịp thời”.

Ông Hòa nói: “Nhiều trường hợp bệnh nhân ở xa bị rắn độc cắn đã chết lâm sàng vẫn có thể cứu được. Vì vậy, không thể chần chừ khi bị rắn cắn dù chưa biết rắn đó có độc hay không”.Theo kinh nghiệm hàng chục năm chữa rắn độc cắn, ông Hòa khuyên: “Bình Phước là vùng đất có nhiều loại rắn độc. Khi bị rắn cắn phải sơ cứu cấp tốc bằng việc thắt ga rô không để nọc độc của rắn di chuyển theo mạch máu về tim. Hút máu bị nhiễm độc ra khỏi cơ thể ngay rồi chuyển đi cấp cứu trong thời gian nhanh nhất”. Nghiên cứu về đặc tính của loài rắn, ông Hòa cho hay, rắn không chủ động tấn công người mà nó chỉ cắn để tự vệ. Vì vậy, khi đi đường vào ban đêm phải có đèn chiếu sáng, đi vào lùm cây, bụi cỏ phải dùng gậy khua khoắng để xua đuổi rắn. Người làm vườn, rẫy cũng không nên mạo hiểm vào những lùm cây, bụi cỏ dại mà không xua đuổi rắn trước.

Cái tâm của người làm nghề y

Chị Vui không thể nhớ hết ông Hòa được tặng bao nhiêu bằng khen, giấy khen từ trung ương đến địa phương. Nhưng chị nhớ nhất là năm 2014, ông Hòa và con trai Nguyễn Tiến Quế được ra Hà Nội cùng với 5 vị lương y khác trong cả nước nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đông y. “Vào thăm Phủ chủ tịch và được nghe những lời tâm tình của Chủ tịch nước, cha con tôi thấy thật vinh dự và tự hào. Đây là phần thưởng quý giá nhất đối với nghề y của gia đình tôi” - ông Hòa chia sẻ. Tại Phủ chủ tịch, ông đã báo cáo với Chủ tịch nước về thành tích chữa bệnh của mình cho hàng chục ngàn lượt người, trong đó có gần 5.000 lượt người bị rắn độc cắn được ông Hòa cứu sống. Ngoài ra, ông còn khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người nghèo tại địa phương và các tỉnh lân cận.  

Ông Hòa chia sẻ: “Tôi dựng căn nhà này để người nghèo, những ca nguy hiểm ở lại điều trị”. Điều ông Hòa tâm đắc nhất hiện nay là qua sự dạy bảo của mình về y đức mà các con ông đều nối nghiệp đông y, không để nghề truyền thống của gia đình bị mai một.

Tới thăm nhà ông, nhìn xung quanh tường nhà treo nhiều bằng khen, đặc biệt là bức ảnh của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng kỷ niệm chương cho ông, chúng tôi mới biết ông là vị lương y có tên tuổi ở nước ta hiện nay. Ngoài việc cắt thuốc trị nhiều loại bệnh, ông còn cứu sống hàng ngàn người bị rắn độc cắn. Ông là lương y Nguyễn Tiến Hòa trú thôn 5, xã Long Hà (Phú Riềng).

Tấn Phong

 

  • Từ khóa
54837

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu