Thứ 5, 09/05/2024 04:09:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 10:37, 20/09/2013 GMT+7

Thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Thứ 6, 20/09/2013 | 10:37:00 239 lượt xem

Điều 57 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18) có quy định như sau: Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Theo tôi thì quy định như trên là chưa ổn về ngữ nghĩa. Cụ thể là dự thảo đã đưa ra quy định: Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác,… là tài sản công. Theo tôi, quy định như trên là đúng, vì tất cả các loại tài sản trên đều là của công. Nhưng từ “công” ở đây không phù hợp bằng cụm từ “quốc gia”. Hơn nữa, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản v.v... là tài sản đặc biệt chứ không phải đánh đồng với tài sản công như một chiếc xe máy v.v... Vì thế, tôi đề nghị thay từ “công” bằng cụm từ “quốc gia” - tức là tài sản quốc gia.

Do đó, Điều 57 sau khi sửa đổi, bổ sung thì sẽ được viết lại như sau: Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Có như vậy chúng ta mới mới thấy rõ chủ sở hữu đối với đất đai, tài nguyên, nguồn lợi vùng biển, thềm lục địa… là loại tài sản đặc biệt và đặc biệt nữa là thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 108 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung các điều 129, 130, 131, 132 và 133) là những quy định về hoạt động của Tòa án nhân dân, với 7 khoản. Khoản 6 có nội dung như sau: 6. Chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm được bảo đảm. Theo tôi thì quy định như vậy là chưa phù hợp với chủ trương của Đảng ta hiện nay trong việc thực hiện cải cách tư pháp. Cụ thể là thức hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao đang cho Tòa án nhân dân tối cao soạn thảo pháp lệnh thủ tục rút gọn trong thủ tục tố tụng dân sự. Theo đó, trong xét xử sơ thẩm sẽ không có kháng cáo. Vì vậy, nếu quy định như Khoản 6 nêu trên là không phù hợp. Tôi đề xuất bổ sung nội dung: “Trừ trường hợp theo luật định” vào phần cuối của khoản này. Do đó, Khoản 6 sẽ được viết lại như sau: Chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm được bảo đảm, trừ trường hợp theo luật định.

Điều 109 (sửa đổi, bổ sung Điều 134) 1. Tòa án Nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Tòa án Nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các tòa án khác. 3. Tòa án Nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Theo tôi thì viết như trên là chưa đầy đủ, chưa phù hợp, chưa chuẩn xác về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao. Vì thực tế hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao không chỉ có nhiệm vụ giám đốc thẩm các vụ án phức tạp, mà còn xem xét để xét xử tái thẩm việc xét xử của các tòa án khác. Do đó, ở Khoản 2 của điều này cần được bổ sung cụm từ “tái thẩm” vào ngay sau cụm từ “giám đốc”, đồng thời bổ sung cụm từ “trừ trường hợp theo luật định”. Như vậy, Khoản 2, Điều 109 sẽ được viết lại như sau: 2. “Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm việc xét xử của các tòa án khác, trừ trường hợp theo luật định".

Ở Khoản 3, Điều 109 tôi bổ sung quy định ban hành án lệ cho Tòa án nhân dân tối cao bởi vì án lệ là một khuôn mẫu, là cơ sở để toà án đưa ra phán quyết cho những vụ án tương tự. Quy định này sẽ giúp cho đội ngũ thẩm phán tiết kiệm thời gian và ít tốn công sức. Án lệ là hình thức pháp luật đặc thù, nó là nguồn của pháp luật, án lệ được áp dụng nhiều nước tiên tiến trên thế giới còn ở nước ta, án lệ đã được đưa vào sử dụng từ năm 1945 đến năm 1975 và đến năm 2005 thì án lệ không được sử dụng. Hơn nữa, nếu không quy định thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tối cao ban hành án lệ vào trong Hiến pháp thì ngành tòa án nhân dân sẽ mất đi một nguồn pháp luật để áp dụng. Do đó, vấn đề án lệ cần quy định trong Hiến pháp vì đây là một trong những thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ chính trị, Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu lịch sử áp dụng án lệ tại Việt Nam và học hỏi rút kinh nghiệm về áp dụng án lệ từ các hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới. 

Điều 110 (sửa đổi, bổ sung Điều 128, Điều 135) trong dự thảo có 3 khoản, với nội dung như sau: 1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, nhiệm kỳ của chánh án tòa án khác do luật định. 2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Chánh án các tòa án khác báo cáo công tác trước Hội đồng Nhân dân theo quy định của luật. 3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của thẩm phán; việc bầu và nhiệm kỳ của Hội thẩm Tòa án nhân dân do luật định.

Theo tôi thì quy định như trên là đúng, nhưng chưa đầy đủ và chưa phù hợp với cơ chế quản lý trong ngành tòa án hiện nay. Vì vậy, tôi đề nghị ở điều này cần được bổ sung thêm một khoản nữa, với nội dung như sau: Chánh án Tòa án nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Chánh án Tòa án nhân dân cấp trên. Vì có quy định như vậy mới tuân thủ thực hiện nguyên tắc tập trung thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, có như vậy mới bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc mệnh lệnh là chính, cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Và nhờ đó mới tập trung thống nhất áp dụng pháp luật trong toàn ngành, mà trong đó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là người lãnh đạo cao nhất, là người chịu trách nhiệm pháp luật trước Quốc hội về hoạt động của ngành. Chịu sự lãnh đạo từ trên xuống dưới không phải là bỏ đi nguyên tắc độc lập xét xử, vì mọi hoạt động tố tụng đều phải tuân theo pháp luật.

NN

  • Từ khóa
108257

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu