Thứ 7, 27/04/2024 09:49:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:01, 30/07/2016 GMT+7

Tấm lòng của những người mẹ

Thứ 7, 30/07/2016 | 13:01:00 144 lượt xem
BP - Tháng 7 về, trong lòng các mẹ lại cồn lên nỗi nhớ thương chồng, con đã ngã xuống cho hòa bình đất nước. Nhìn tấm lưng còng, bàn tay run run của Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Nên, xã Tân Phước và Phạm Thị Duyên, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú tôi lại nhớ đến lời bài hát “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “...Ba lần tiễn con đi/Hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về mình mẹ lặng yên...”.

Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị NênMẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Nên

GẠT NƯỚC MẮT ĐỂ PHỤC VỤ KHÁNG CHIẾN

Trong căn nhà của người con trai út ở ấp Cây Điệp, xã Tân Phước, Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Nên (85 tuổi) vẫn không quên được hình ảnh chồng (liệt sĩ Phạm Kiện) bị giặc bắn chết tại Phú Mỹ, xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) ngày 28-2-1965. “Chúng nó bắt ông ấy đi tra khảo nhưng không khai thác được gì, phải thả ổng về làng. Về gần tới hầm Phú Mỹ, việt gian khẳng định ổng là Việt cộng nên chúng bắn ổng mấy phát súng vào trán và cổ họng. Chồng tôi hy sinh ngay miệng hầm của đồng chí, đồng đội. Nhìn thấy cảnh đó, tôi chỉ biết gạt nước mắt và quyết tâm chiến đấu để đánh đuổi kẻ thù!” - mẹ Nên rưng rưng nước mắt.

Mẹ Nên sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Khi đất nước cần cả gia đình mẹ cùng ra trận. 3 lần mẹ Nên tiễn các con ra chiến trường nhưng một người mãi mãi không trở lại (mẹ Nên có 3 người con - PV). Mẹ kể: “Mẹ chỉ thấy nó lần cuối khi nó cùng đồng đội về biểu diễn văn nghệ cho dân xã bên cạnh. Nghe mọi người trầm trồ khen ngợi: Con trai ai hát bài chòi “Con tu hú” hay quá chừng khiến tôi mừng rơn. Sau lần đó, có trận càn của địch, người dân trong làng báo thằng Chánh (liệt sĩ Phạm Chánh - con trai đầu của mẹ Nên) bị thương nặng nhưng mẹ phải cắn răng chịu đựng vì đang đi tải gạo phục vụ bộ đội và thương binh ở rừng”.

ĐẶT NIỀM TIN VÀO THẾ HỆ TRẺ

Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Duyên ở ấp Tân Hà, xã Tân Tiến nay đã 98 tuổi vẫn canh cánh ước mong tìm thấy phần mộ của con trai là liệt sĩ Phạm Đình Dương, hy sinh ở mặt trận Bình Trị Thiên. Những năm kháng chiến chống Mỹ, 7 người con của mẹ lần lượt ra chiến trường nhưng hai người đã nằm lại, hóa thân vào sông núi vì hòa bình, độc lập dân tộc.

Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị DuyênMẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Duyên

Mẹ Duyên tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Mỗi ngày mẹ ăn 2 chén cơm, uống sữa... Nhưng điều giúp mẹ luôn mạnh khỏe là nhìn thấy cháu, chắt đông đủ sum vầy và học hành thành đạt. Hằng quý và các ngày lễ, mẹ được đón các đoàn, các anh bộ đội vào thăm, phụng dưỡng khiến mẹ như được nhìn thấy các con của mình. Mẹ Duyên cho biết: Mẹ không chỉ được chăm lo từ chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn đón nhận rất nhiều tình cảm của các con, cháu là thanh niên nhiều nơi đến thăm nom, chăm sóc. Mẹ rất tin tưởng vào thế hệ trẻ bây giờ. Các cháu luôn giữ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” tận tình phụng dưỡng mẹ và các gia đình có công với cách mạng. Mẹ tin, với cách nghĩ, cách làm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, nước ta tiếp tục hưng thịnh và phát triển bền vững.

Bà Trương Thị Dinh, con dâu mẹ Duyên cho biết: “Hiện nay, ngoài chế độ Mẹ Việt Nam, mẹ còn được Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đồng Phú và Quân khu 7 nhận phụng dưỡng suốt đời. Chúng tôi thật sự xúc động và cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội đối với gia đình tôi nói riêng và các gia đình có công nói chung”.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, những Mẹ Việt Nam anh hùng là biểu tượng cao đẹp, tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, sự cống hiến quên mình cho Tổ quốc. Khi đất nước cần, các mẹ sẵn sàng tiễn đưa những người thân yêu nhất ra tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc, để rồi lại “khóc thầm lặng lẽ” khi các anh mãi nằm lại với núi sông. 

Cẩm Liên

  • Từ khóa
56011

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu