Thứ 7, 27/04/2024 04:32:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:16, 02/07/2015 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HỚN QUẢN

Sức sống ở khu định canh, định cư Minh Tâm

Thứ 5, 02/07/2015 | 07:16:00 1,550 lượt xem
BP - Đã lâu chúng tôi mới về lại ấp 5 khu định canh, định cư xã Minh Đức, huyện Bình Long cũ (nay là ấp 5 khu định canh, định cư xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản). Không nhớ đường vào, chúng tôi dừng xe bên đường hỏi chị công nhân vừa trút mủ trở về. Hồ hởi, chị trả lời: Muốn đến Minh Đức thì tới ngã ba Xa Cát rồi đi thẳng theo đường nhựa sẽ tới. Nếu vào khu định canh, định cư còn đi xa lắm!....


Ông Điểu Quýt - một trong những hộ dân giàu có của khu định canh, định cư

KHÔNG CHỈ THOÁT NGHÈO...

Đặt vấn đề tìm hiểu về cuộc sống mới ở khu định canh, định cư, Chủ tịch UBND xã Minh Đức Lê Văn Anh vừa mới nhậm chức ngơ ngác hỏi: Hai nhà báo có nhầm không, xã Minh Đức có khu định canh, định cư nào đâu? À, tôi nhớ ra rồi. Có phải khu định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp 5 thuộc xã Minh Đức trước đây không? Năm 2007 tách xã, khu định canh, định cư ấy đã thuộc sự quản lý của UBND xã Minh Tâm. Đồng bào ở đó giờ khá lắm!

Từ UBND xã Minh Tâm, Ấp phó ấp 5 Điểu Đen dẫn chúng tôi vào ấp. Vừa đi anh vừa ngoái đầu nói: “Dân chúng tôi ở đây giờ khá lắm rồi. Không còn cảnh thiếu trước, hụt sau như những năm trước nữa”. Rồi anh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của 13 năm về trước. Khi đó, hộ dân hiện đang sống ở đây đều thiếu đất sản xuất và đất ở. Năm 2002, Nhà nước thành lập khu định canh, định cư và chuyển 82 hộ du canh, du cư chúng tôi sang đây. Với nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, mỗi hộ được cấp 1,6 ha đất, trong đó có 1,3 ha đất sản xuất, 0,3 ha đất ở cùng một căn nhà tình thương trị giá 6 triệu đồng. Gần như 100% số hộ mới vào khu định canh, định cư này đều thuộc diện nghèo.

Cuối năm 2012, ông Điểu Quýt xây được nhà một lầu với kinh phí 700 triệu đồng. Căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi là điều mà trước đây gia đình ông chưa bao giờ dám nghĩ đến. Ông cho biết: “Năm 2002, gia đình tôi đến đây, được nhà nước cấp 1,3 ha đất sản xuất, 0,3 ha đất ở và xây một căn nhà tình thương. Rồi được cấp giống điều và cho con heo để nuôi. Nuôi heo vài năm, có ít vốn tôi chuyển sang nuôi trâu. Từ 1 con đẻ ra 2, 4 rồi lên 6 con. Đất sản xuất thì tôi trồng điều. Những năm đầu tôi còn trồng xen cây mì. Mì bán lấy tiền giúp tôi nuôi heo, trâu. Nhờ đó mới hết nghèo. Giờ có nhà đẹp để ở, có xe để đi tôi mừng và biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm”!

Không chỉ gia đình ông Điểu Quýt, ấp 5 khu định canh, định cư giờ đây diện mạo khác hẳn 13 năm về trước. Nhà lầu, nhà Thái mọc lên san sát, cuộc sống của người dân nơi đây như đang trỗi dậy từng ngày. Ghé vào điểm thu mua mủ cao su ở đầu khu định canh, định cư, chúng tôi thấy nhiều người chạy xe ôtô vào tận nơi mua mủ. Tiếng cười nói giữa hai ngôn ngữ Kinh và Xêtiêng nghe thật rôm rả, khá lạ tai. Điều đó cho thấy, đồng bào DTTS đã biết chủ động trong sản xuất và phát triển kinh tế hộ, không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước.

 “NHÀ NƯỚC LO HƠN CẢ CHA MẸ”

Đó là lời bộc bạch của anh Điểu Tâm, nông dân trồng tiêu nổi tiếng ở ấp 5 khu định canh, định cư. Sau 13 năm, giờ đây gia đình anh đã có 900 nọc tiêu, nhà cửa khang trang. Vụ vừa qua, 100 nọc tiêu đầu tiên cho trái bói đã giúp gia đình anh thu về 10 triệu đồng. Với tinh thần chịu khó và biết cách làm ăn, anh đem 10 triệu đồng đó đầu tư phân bón cho vườn điều. Vụ điều cho gia đình anh trên 2,5 tấn. Chịu khó học hỏi kinh nghiệm và luôn tham gia các lớp tập huấn, anh vươn lên trở thành một trong những nông dân tiêu biểu của ấp 5. Biết tích góp từ trồng điều xen mì, năm 2006, anh nâng cấp ngôi nhà tình thương khang trang với kinh phí gần 200 triệu đồng và sắm sửa đồ dùng sinh hoạt khá đầy đủ. Cách đây 2 năm, anh mua một lúc 3 chiếc xe tay ga đời mới cho vợ chồng và con cái trong gia đình đi lại.

Khi chúng tôi hỏi về chính sách an sinh xã hội của tỉnh, huyện đối với khu định canh, định cư, anh Điểu Tâm không một chút ngần ngại: “Nhà nước lo cho dân hơn cả cha mẹ. Mình nói thiệt đó, không nịnh đâu. Cho đất, cho cây trồng rồi đến tận nơi chỉ cho cách trồng nữa. Mọi người dân ở đây ai mà không biết trồng, chăm sóc cây điều, cao su”. 

Ông Cao Xuân Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Minh Tâm cho biết: Ấp 5 định canh, định cư là ấp có kinh tế phát triển mạnh nhất trong ba ấp của xã (ấp Sóc Vàng, Sóc 6 và Sóc 5). Những năm trước, khi dự án trồng mít nghệ phá sản, người dân chuyển dần sang các loại cây công nghiệp như điều, cao su, tiêu và chăn nuôi trâu, bò. Riêng đàn bò của khu định canh, định cư đã phát triển hơn 200 con. Hàng năm, xã mở từ 3-4 lớp tập huấn tại chỗ để chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt cho người dân hiểu, ứng dụng vào sản xuất. 100% hộ ở khu định canh, định cư là đồng bào Xêtiêng nên mỗi khi tập huấn không chỉ về tận ấp mà còn đến vườn để hướng dẫn bà con cách tỉa cành cho cây điều hay bón phân cho hồ tiêu. 

Khu định canh, định cư hiện được đầu tư, thành lập điểm trường với 5 phòng học từ mầm non đến lớp 5. 3 năm qua, tỷ lệ học sinh đến lớp 1 đúng độ tuổi luôn đạt 100%. Tình trạng học sinh bỏ trường, bỏ lớp những năm trước đã được khắc phục.

Từ 82 hộ những ngày đầu mới thành lập, khu định canh, định cư ấp 5, xã Minh Tâm hiện đã phát triển lên 140 hộ với 628 người. Nhìn lại con số 100% hộ nghèo trước đây giờ chỉ còn 6 hộ mới thấy hết giá trị ở vùng đất định canh, định cư này. Từ thói quen du canh, du cư giờ họ đã chuyển sang định canh, định cư để yên tâm sản xuất. Đó là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn trong suốt chặng đường 13 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.

T.Nga - Đ.Kiểm

 

  • Từ khóa
13363

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu