Thứ 7, 27/04/2024 02:02:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:49, 24/09/2016 GMT+7

Sự chuyển mình từ công tác dân vận

Nguyên Thủy
Thứ 7, 24/09/2016 | 15:49:00 807 lượt xem
BP - Công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ cơ bản, có ý nghĩa chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng của Đảng ta, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay. Những năm qua, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Thông qua dân vận, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường. Lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng; sự phấn khởi trong học tập, lao động sản xuất của các tầng lớp nhân dân đã góp phần tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1238-QĐ/TU, ngày 5-5-2010 về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, các huyện, thị ủy và 111 đảng bộ xã, phường, thị trấn đã đồng loạt ban hành quy chế công tác dân vận, phân công cán bộ lãnh đạo và cán bộ giúp việc theo dõi công tác dân vận ở cấp mình. Hằng năm, Tỉnh ủy đều tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng về thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy liên quan đến công tác dân vận.

CHĂM LO ĐỜI SỐNG  ĐỒNG BÀO DTTS

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Riêng năm 2015, UBND tỉnh phân bổ vốn Chương trình 135 là 34,6 tỷ đồng thực hiện dự án phát triển sản xuất cho 3.620 hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng, hỗ trợ phân bón, cây giống, con giống và dự án cơ sở hạ tầng đầu tư 42 công trình dân sinh phục vụ đồng bào, chủ yếu là xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình điện, phòng học, duy tu bảo dưỡng 16 công trình đường giao thông, nhà văn hóa. Toàn tỉnh đã giải ngân 13,8 tỷ đồng theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện 4/9 dự án định canh, định cư, hỗ trợ ổn định cho 681 hộ dân. Hiện nay, các huyện đang tiếp tục triển khai thực hiện các dự án định canh, định cư còn lại để hỗ trợ đồng bào DTTS ổn định cuộc sống.

Nhân dân ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng (Đồng Phú) tự nguyện đóng góp tiền và ngày công làm đường giao thông nông thôn - Ảnh: M.LuậnNhân dân ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng (Đồng Phú) tự nguyện đóng góp tiền và ngày công làm đường giao thông nông thôn - Ảnh: M.Luận

Thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các xã thuộc khu vực II gồm 13.613 người được hỗ trợ 1,08 tỷ đồng; xã khu vực III với 8.792 người được hỗ trợ 879,2 triệu đồng. Các địa phương có người được thụ hưởng đã hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho 11.393 người trị giá 1 tỷ đồng; hỗ trợ bằng hiện vật gồm giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống vật nuôi và gạo cho 8.936 người (xã khu vực II là 5.829 người, xã khu vực III là 3.107 người) với tổng 777 triệu đồng. Từ việc thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào các DTTS lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trong tỉnh đã được nâng cao hơn nhiều so với trước.

ĐẨY MẠNH DÂN VẬN CHÍNH QUYỀN

Những năm qua, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn đến công tác dân vận, nhất là ở các ngành, lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm. Việc triển khai các chương trình, dự án đã có sự phối hợp lấy ý kiến góp ý của hệ thống dân vận. Thực hiện cải cách hành chính, cơ quan nhà nước các cấp đã sửa đổi tác phong, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Công tác phối hợp giữa UBND, các sở, ngành với ban dân vận, MTTQ, các đoàn thể cùng cấp ngày càng đồng bộ. Cán bộ, công chức tăng cường đi cơ sở để gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, từ khi triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã tạo sự chuyển biến tích cực về nền nếp cũng như hiệu quả hoạt động trong từng cơ quan, đơn vị. UBND các cấp có nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Khi phát hiện cán bộ, công chức có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân thì xử lý nghiêm khắc. Trong những năm qua, chính quyền các cấp duy trì chế độ tiếp công dân, qua đó kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xử lý các vụ việc phức tạp, trong đó có việc triển khai các công trình trên quốc lộ 13, dự án khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, đường Trần Hưng Đạo nối dài...

Tính đến tháng 10-2015, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tiếp 4.416 lượt công dân khiếu nại, tố cáo (trong đó có 83 lượt đoàn đông người). Qua công tác tiếp dân đã tiếp nhận 1.414 đơn thư các loại, xử lý 100% đơn thư theo quy định. Tổng số đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền của các cấp là 182 đơn, giải quyết 138/182 đơn, đạt 70%. Tổng số đơn thư tố cáo thuộc thẩm quyền là 36 đơn, giải quyết 18/36 đơn, đạt 50%. Kiến nghị thu hồi 24.319,4m2 đất và phục hồi quyền lợi cho 5 công dân, thu hồi 22 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh được nhân rộng và ngày càng phát huy hiệu quả. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2015, hệ thống chính trị đã xây dựng được 123 mô hình dân vận khéo; tổ chức mở 353 lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới với hơn 9.000 lượt người tham gia; phát trên 4.000 tờ rơi, 2.510 cuốn tài liệu tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, 150 cuốn sổ tay tuyên truyền về dân vận khéo; giải ngân 5.849,8 tỷ đồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện toàn tỉnh có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 8 xã hoàn thành được khoảng 75% tiêu chí nông thôn mới.

Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhất là từ khi Ban Dân vận Trung ương ban hành Chương trình số 31-Ctr/BDVTW ngày 18-5-2016 thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác dân vận, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến công tác dân vận. Ngay trong tháng 6-2016, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức tập huấn công tác dân vận cho 86 học viên là cán bộ phụ trách công tác dân vận chính quyền thuộc các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, thị xã và trưởng phòng nội vụ, lãnh đạo ban dân vận các huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Tại nhiều cuộc họp quan trọng và khi làm việc với các sở, ngành, nhất là các ngành thuộc lĩnh vực nhạy cảm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn nhắc nhở cán bộ, công chức các sở, ngành cũng như cán bộ trong hệ thống dân vận phải luôn lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo công tác dân vận, phải xem nỗi khổ của dân là nỗi khổ của mình. Những cuộc đối thoại với người dân, với doanh nghiệp ngày càng nhiều hơn. Điều đó cho thấy thực sự đang có một cuộc chuyển mình trong các cơ quan hành chính nhà nước, mà bắt đầu là từ công tác dân vận.

  • Từ khóa
16535

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu