Thứ 7, 27/04/2024 00:44:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:12, 13/04/2018 GMT+7

Sự bức thiết sắp xếp tinh gọn bộ máy

Thứ 6, 13/04/2018 | 07:12:00 3,762 lượt xem

BP - Hôm nay, ngày 13-4, Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai các đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết số 18, 19, 20, 21 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập sự bức thiết cũng như cơ sở thực tiễn để Tỉnh ủy ban hành Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19 “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” trên địa bàn tỉnh.

Những đòi hỏi từ thực tiễn

Bình Phước có ưu thế phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, có tiềm năng, thế mạnh về lâm nghiệp, thủy điện và điện mặt trời, có quỹ đất công lớn cho phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, Bình Phước đang đứng trước 2 mâu thuẫn, giữa yêu cầu về khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh với cơ chế chính sách còn nhiều bất cập và giữa nhu cầu kêu gọi vốn đầu tư với thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính còn rườm rà. Mâu thuẫn ấy đặt ra cho tỉnh những thách thức giữa yêu cầu phải tăng tốc độ phát triển kinh tế để thu dần khoảng cách với các tỉnh, thành trong khu vực với nhiệm vụ ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; Giữa yêu cầu phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao với những biến đổi tiêu cực của khí hậu; Giữa phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh với bảo vệ môi trường sống; Giữa yêu cầu áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất với chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; Giữa yêu cầu xây dựng nông thôn mới, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội với nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Mô hình “một cửa” góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính ở “bộ phận một cửa” UBND xã Tiến Thành (Đồng Xoài) - Ảnh: B.L

Trong khi đó, bộ máy hành chính trong hệ thống chính trị lại cồng kềnh, chồng chéo, nhiều cấp trung gian, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ người tham gia vào bộ máy từ tỉnh tới cấp xã so với số dân trong tỉnh chiếm gần 5%. Vì thế, chi phí cho quản lý hành chính rất lớn. Hiện các cơ quan khối đảng có 61 đơn vị; cơ quan chuyên môn khối nhà nước 163 đơn vị; cơ quan MTTQ và các đoàn thể 72; Đơn vị sự nghiệp 135; tổ chức hội đặc thù 664; đơn vị trực thuộc các cơ quan cấp tỉnh 350 đơn vị. Tổng số công chức, viên chức trong toàn tỉnh là 29.229 người. Trong đó, công chức 4.629; viên chức 21.622; hợp đồng theo Nghị định 68 là 2.978 người. Trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đạt 54,5%. Trong đó số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học là 1,1%. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao cấp và cử nhân lý luận chính trị chiếm 6,9%, trung cấp chiếm 10,6%; còn lại sơ cấp và chưa qua đào tạo là 82,4%.

Đáng nói là hiện nay, nhiều sở, ngành đang bố trí số công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị trực thuộc nhiều hơn số công chức làm công tác chuyên môn. Nhiều phòng, ban chỉ có trưởng phòng, phó phòng, không có chuyên viên. Tỷ lệ người hoạt động không chuyên trách cấp xã cao. Số lượng các cơ quan trung gian, cơ quan có cùng chức năng, các phòng, ban có chức năng tương đồng chưa được sắp xếp hợp lý nên chồng chéo, dẫn đến thủ tục hành chính rườm rà, công việc chậm được giải quyết. Thực tiễn ấy đòi hỏi Tỉnh ủy phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, xóa cấp trung gian, các đầu mối bên trong để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Giảm biên chế trong các tổ chức hành chính. Tăng cường bố trí cán bộ kiêm nhiệm các chức danh tương đồng. Tăng cường vai trò tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Giải thể những đơn vị không cần thiết. Xã hội hóa những đơn vị mà các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện hiệu quả hơn và chuyển những đơn vị có điều kiện sang hạch toán như doanh nghiệp...

Bảo đảm nguyên tắc “4 giảm, 4 tăng”

Đề án của Tỉnh ủy đưa ra các nguyên tắc chung. Đó là ban thường vụ (BTV) cấp ủy quản lý toàn diện về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ gồm biên chế, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, bố trí, sử dụng. Trong đó BTV Tỉnh ủy quản lý biên chế chung và biên chế cấp tỉnh; BTV các huyện, thị xã quản lý biên chế cấp huyện và cấp xã. Phải thiết kế bộ máy phù hợp; xây dựng quy chế làm việc và những quy định về phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Nhất quán việc hợp nhất, sắp xếp lại theo đề án phải được thực hiện khi có đủ điều kiện về nhân sự và chính sách đảm bảo. Không nhất thiết các huyện, thị phải giống nhau về tổ chức bộ máy mà phải coi trọng hiệu quả, hiệu lực, tập trung lãnh đạo thống nhất. Việc sắp xếp phải đạt yêu cầu về chất lượng, ổn định lâu dài, đảm bảo mối quan hệ giữa yêu cầu đổi mới với yêu cầu về tính ổn định của bộ máy tổ chức, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời phải đồng bộ với việc hình thành trung tâm hành chính tập trung...

Ngành y tế tỉnh sẽ không phải chịu nhiều áp lực khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Trong ảnh: Y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú tiêm phòng bệnh bạch hầu cho người dân xã Thuận Phú (Đồng Phú) - Ảnh: Đ.Kiểm

Bên cạnh những nguyên tắc chung thì việc sắp xếp lại bộ máy phải bảo đảm nguyên tắc “4 giảm, 4 tăng”. 4 giảm bao gồm: giảm trung gian, giảm đầu mối, giảm biên chế và giảm chi thường xuyên từ ngân sách. 4 tăng gồm: tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo phân cấp, phân quyền; tăng cường phân cấp quản lý cán bộ và tăng chất lượng cung cấp dịch vụ phục vụ doanh nghiệp, nhân dân.

Đối với các cơ quan sắp xếp theo Nghị quyết số 18, các cơ quan sau khi sắp xếp phải bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định; bảo đảm được tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Sắp xếp theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo tinh gọn, hợp lý, không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; không nhất thiết ở cấp trên có cơ quan nào thì cấp dưới cũng có tổ chức tương ứng...

Đối với các đơn vị sự nghiệp sắp xếp theo Nghị quyết số 19, việc sắp xếp phải gắn với đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các đơn vị. Sắp xếp phải đảm bảo nguyên tắc cùng nhóm nhiệm vụ chỉ có một tổ chức, đơn vị thực hiện và phải phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Những lĩnh vực, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp mà các doanh nghiệp hoặc thành phần kinh tế khác thực hiện được thì từng bước chuyển giao, chuyển đổi sang mô hình hoạt động như doanh nghiệp hoặc thực hiện xã hội hóa. Đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả thấp, không tự đảm bảo kinh phí hoạt động nếu thấy không cần thiết thì xem xét giải thể...

Tính hiệu quả sau sắp xếp lại bộ máy

Đề án được triển khai thực hiện sẽ có ý nghĩa chính trị to lớn, là bước quan trọng triển khai Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Việc triển khai thực hiện đề án đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng bộ tỉnh trong đổi mới tư duy về tinh giản bộ máy, biên chế một cách đồng bộ, toàn diện cả về cơ chế lãnh đạo, quản lý điều hành nhằm tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị.

Không bàn lùi

Đó là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, tổ chức ngày 5-4, sau khi nghe đại diện một số sở, ngành “kêu khó” khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19. Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy đã dành nhiều thời gian để nói về sự bức thiết phải sớm triển khai đề án sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đồng chí nhấn mạnh: Nếu vẫn để như hiện tại, không sắp xếp lại bộ máy thì ngân sách không thể gánh nổi. Việc sắp xếp lại bộ máy sẽ đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm là con người nên khó là phải. Nhưng nếu đừng “nhìn người này người nọ” mà hãy vì lợi ích chung thì chắc chắn làm được!

Với những cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học và được chuẩn bị kỹ càng với sự tham gia của nhiều ngành liên quan, Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Tỉnh ủy là bước đổi mới quan trọng trong công tác tổ chức vì đã khái quát được những ưu điểm, hạn chế của bộ máy hiện nay, những vấn đề thực tiễn đặt ra cũng như xác định mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp, lộ trình thực hiện. Đề án đã đề xuất mô hình, giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém đang tồn tại của một số tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong hệ thống chính trị hiện nay, góp phần giảm đầu mối, giảm biên chế, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Ở góc độ kinh tế, do nhất thể hóa các chức danh và được sắp xếp lại nên việc chi phí cho bộ máy được giảm đáng kể, ước tính mỗi năm tiết kiệm chi ngân sách hàng trăm tỷ đồng chi thường xuyên cho bộ máy.

Theo lộ trình của đề án, thị xã Phước Long, các huyện Phú Riềng, Lộc Ninh; các ngành: Y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn phòng Tỉnh ủy là các đơn vị điểm thực hiện ngay trong quý 1/2018. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có ngành y tế đã triển khai sắp xếp lại bộ máy từ trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18, 19. Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời điểm này, từ 12 đầu mối cấp tỉnh, ngành y tế đã giảm còn 7. Ở tuyến huyện cũng đã sáp nhập trung tâm y tế làm nhiệm vụ dự phòng với bệnh viện đa khoa thành trung tâm y tế với 2 chức năng phòng và khám chữa bệnh. Thời gian tới, tuyến huyện chỉ còn nhiệm vụ sáp nhập trung tâm dân số vào trung tâm y tế và hoạt động đa chức năng nên ít chịu áp lực hơn so với các ngành khác.

Thảo Linh

  • Từ khóa
20407

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu