Thứ 7, 27/04/2024 07:38:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 08:26, 21/08/2015 GMT+7

Sống chung với người tâm thần - báo trước những cái chết oan

Thứ 6, 21/08/2015 | 08:26:00 244 lượt xem

BP - Thời gian gần đây, rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước (Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Phước...) xảy ra án mạng đau lòng như: cha, mẹ giết con và ngược lại khiến dư luận hoang mang, lo sợ... Làm sao có thể đề phòng khi đối tượng ra tay tàn độc là người từng yêu thương, nuôi dưỡng... hoặc chăm bẵm mình? Đáng báo động không chỉ vì đạo đức băng hoại, xuống cấp mà còn ở chỗ kẻ xuống tay với người thân của họ tiền sử mắc bệnh hoặc có dấu hiệu tâm thần!

HỦY HOẠI TÌNH RUỘT THỊT

Trong mối quan hệ ruột rà máu mủ thì tình cảm cha mẹ dành cho con cái luôn được đặt lên vị trí cao cả, thiêng liêng nhất. Thế nhưng gần đây xảy ra không ít vụ cha mẹ sát hại con khiến dư luận xã hội hoang mang, lo lắng.

Người thân, hàng xóm đến hiện trường vụ người mẹ Thị Chanh ở xã Đức Liễu nghi bị tâm thần đã bỏ 2 con xuống giếng chết thảm - Ảnh: Hữu Dụng

Mới đây nhất, ở xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng đã xảy ra vụ án mạng mà nguyên nhân là do bị ức chế tâm lý vì mẹ chồng chửi mắng suốt ngày cộng với việc chồng mê chơi game không lo cho gia đình nên khoảng 13 giờ ngày 31-7, Thị Rôn (SN1994) đã bồng con ruột là Điểu Hoàng (1 tháng tuổi) xuống khe suối cách nhà khoảng hơn 200m vứt bỏ tại đây. Khi đặt bé Hoàng nằm xuống suối, thấy con khóc thét nhiều lần nhưng Rôn vẫn không đưa con trai lên. Sau đó, Thị Rôn qua lại khu vực suối 4 lần rồi lặng lẽ về nhà như không có chuyện gì xảy ra. Khoảng nửa tiếng sau, khi người nhà hỏi con đâu, Rôn mới trả lời là đã để con dưới khe suối. Người nhà chạy ra thì bé Hoàng đã tử vong trước đó.

Cũng là việc mẹ hãm hại con và xảy ra trước đó nhưng chắc hẳn mọi người ở thôn 9, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng chưa thể quên. Vụ việc thương tâm xảy ra chiều 16-7-2015. Nạn nhân bị ném xuống giếng chết thảm trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này là Điểu Mrang (5 tuổi) và Điểu Bách (3 tuổi). Và thủ phạm Điểu Thị Chanh (26 tuổi) là mẹ ruột của 2 nạn nhân.

Theo người nhà cho biết thì Điểu Thị Chanh có dấu hiệu bị bệnh tâm thần từ lâu. Có khi Chanh bỏ nhà đi gần 1 tháng khiến người thân lo lắng đi tìm, nhưng chỉ lẩn trốn quanh thôn. Ở xã Long Phước, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một bà cũng được xác định mang sẵn mầm bệnh thần kinh đã ném con xuống giếng vào ngày 5-1-2015.

Còn mới nhất ở tỉnh Thanh Hóa là ngày 11-8, Công an tỉnh này đã tạm giữ ông Trịnh Xuân Lĩnh (52 tuổi) trú thôn Yên Thôn, xã Hà Hải, huyện Hà Trung để điều tra về hành vi giết người. Nạn nhân là anh Trịnh Xuân Lực 28 tuổi, con ruột ông Lĩnh. Xót xa hơn cả căm giận khi biết ông Lĩnh bị tâm thần đã nhiều năm.

Có lẽ, áp lực của cuộc sống hiện đại đã khiến không ít người căng thẳng, sợ hãi, lo âu, dẫn đến có vấn đề về tâm thần. Bởi trước đó, Lê Văn Hòa ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Nhưng sau này đã nổi cơn tâm thần đâm chết cha là ông Lê Văn Diên (53 tuổi). Giá như khi Hòa có biểu hiện tâm thần, thản nhiên chém chết chó, chết vịt của người dân quanh thôn và không mặc áo quần chạy khắp nơi... thì gia đình nên đưa ngay đến bệnh viện thì đã không xảy ra vụ việc đau lòng.

ÁM ẢNH NGƯỜI TÂM THẦN TẠI CỘNG ĐỒNG

Làm rúng động mạnh nhất phải kể đến vụ thảm sát ở thôn La Bì, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 29-4-2015. Khi Đặng Duy Điền (SN1984) lên cơn thần kinh giết chết ông Đặng Văn Hợp và anh Đặng Văn Lý là cha và anh trai của Điền. Còn mẹ Điền cũng bị hắn đâm phải cấp cứu. Được biết, khoảng 5 năm trước, đang học dở Đại học Tây Bắc thì Điền phát bệnh tâm thần. Mỗi lần lên cơn Điền thường tấn công người thân... Đỉnh điểm là vụ việc đau lòng!

Mọi người thường nghĩ điên loạn, hoang tưởng, dở hơi... mới là tâm thần. Nhưng theo quy định của ngành y tế thì đó chỉ là một số trong hàng trăm mã bệnh tâm thần. Các bất thường như ăn kém ngon, đau đầu, mất ngủ vài tuần, buồn chán, hay cáu gắt, người mệt mỏi không rõ nguyên nhân... đều được coi là vấn đề tâm thần và tỷ lệ này khá cao. Đơn cử như vụ bà Nguyễn Thị Vân (51 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đâm thấu sọ bé trai ở Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long sáng ngày 8-8-2015 thuộc diện thần kinh đang hưởng trợ cấp xã hội. Bà Vân khủng hoảng tinh thần từ khi chồng bà chết. Khi lên cơn bà nói nhảm và chửi bới nhiều người, kể cả hàng xóm... Và cũng vì nhà nghèo nên việc đưa bà Vân đi khám, trị bệnh với gia đình là vô cùng khó.

Điều 13, Bộ luật Hình sự chỉ bắt buộc chữa bệnh tâm thần khi người bệnh thực hiện hành vi phạm tội, đã gây hậu quả nguy hiểm. Trong khi đó, tại cộng đồng, hoạt động trợ giúp người tâm thần chưa hiệu quả. Việc giúp người chấn động tinh thần vượt qua khủng hoảng, phòng và trị liệu rối nhiễu tâm lý hầu như không có. Các dịch vụ hỗ trợ người bệnh tâm thần, trầm cảm... chỉ có ở các bệnh viện chuyên biệt (bệnh viện tâm thần, bệnh viện phục hồi chức năng...) thì hậu quả sẽ thật khó lường.

Với con số khoảng 724.000 người bệnh tâm thần hiện đang sống tại cộng đồng thì tiềm ẩn gây nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng là không nhỏ. Theo lý thuyết, hiệu quả cao nhất trong trị bệnh tâm thần là phải được chăm sóc, điều trị tại cộng đồng được cấp thuốc, có cán bộ y tế theo dõi thường xuyên, giúp hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội. Nhưng với gia đình kinh tế khó khăn thì đó là điều không tưởng. Và với số đông người bị tâm thần có hoàn cảnh khó khăn thì đây lại là lỗ hổng rất lớn tiềm ẩn gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
29147

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu