Thứ 7, 27/04/2024 01:59:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:09, 24/01/2017 GMT+7

Soi, sửa để tốt lên

Thứ 3, 24/01/2017 | 14:09:00 966 lượt xem

BP - Ngày cuối cùng của tháng 9 năm 2016, một đoạn clip ghi lại cảnh giằng co, xô xát giữa một người mặc sắc phục công an và một phụ nữ ở khu vực hồ Con Rùa (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) gây xôn xao dư luận. Đoạn clip được đăng tải trên trang Facebook cá nhân có tên N.P.N vào đêm 29-9 và nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận. Các trang mạng đưa tin người mặc sắc phục công an trong clip là một thiếu úy đang công tác tại Công an phường 6, quận 3. Người phụ nữ bị túm tóc lôi đi là bà N.T.T.T. (ngụ quận Bình Thạnh), người bán hàng rong ở khu vực hồ Con Rùa. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, đoạn clip nhận được vô số lời bình luận, đa phần là những lời cay nghiệt dành cho lực lượng công an, thông qua đó để chửi bới, nói xấu Đảng, chính quyền. Thậm chí có bình luận còn kêu gọi share (chia sẻ) nhiều hơn với lời lẽ cực kỳ kích động.

Thế nhưng kết quả vụ việc ngay ngày hôm sau đã rõ. Anh thiếu úy công an bị kỷ luật vì hành vi cưỡng chế vi phạm quy định ứng xử của công an nhân dân, nhưng cũng được minh oan cho hành động “đánh dân” mà các trang mạng đã “tặng”. Còn chị “bán hàng rong” kia cũng lộ rõ thân phận là một kẻ cho vay nặng lãi và bảo kê có tiếng ở khu vực hồ Con Rùa. Và nếu không có các nhân chứng thì không ai biết trong quá trình diễn ra sự việc, chị này đã xúc phạm thậm tệ anh công an nên anh ta mới mất kiềm chế. Facebook có tên Mạnh viết lúc 18 giờ 30 phút ngày 30-9-2016 cho hay: “Ai đã từng đến hóng mát ở hồ Con Rùa sẽ biết. Nhiều người bán hàng rong kiêm những công việc sau: móc túi, môi giới mại dâm và nhiều tệ nạn khác. Cứ đến đấy rồi biết, xem có cần phải truy quét không...”. Thế là cả cộng đồng mạng “ớ” ra, bởi cứ theo các lời bình luận chỉ trước đó vài giờ thì “kẻ có tội” đã được minh oan, còn “nạn nhân” mới thực là kẻ có tội.

Đó chỉ là một trong vô số vụ việc mà các trang mạng phản động đã lợi dụng thông tin trên mạng xã hội để xuyên tạc, bóp méo sự thật ở nước ta. Để đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng và Nhà nước ta, chúng triệt để sử dụng các thông tin trên mạng xã hội rồi cắt gọt, thêm bớt, thêu dệt, bình luận để truyền bá các thông tin độc, các quan điểm sai trái nhằm xuyên tạc, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Một phương thức mà các thế lực thù địch sử dụng phổ biến là tận dụng tối đa tiện ích chat, phản hồi thông tin (comment) trên facebook, YouTube để kêu gọi độc giả tham gia trao đổi ý kiến. Mục đích của chúng là cổ vũ những độc giả hưởng ứng, cổ súy cho các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng còn xây dựng các trang web mạo danh một số lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các trang web này được xây dựng chế độ mở, cho phép độc giả dễ dàng gửi, đăng tải bài viết trực tiếp.

Thủ đoạn của các thế lực thù địch thường là lợi dụng các thời điểm chính trị nhạy cảm như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 hoặc các sự kiện mang tầm quốc tế, khu vực diễn ra tại Việt Nam để tung ra các quan điểm sai trái, thù địch nhằm kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đòi đa nguyên, đa đảng. Với phương thức chống phá mới, các thông tin, các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch được chúng cập nhật hằng ngày, hằng giờ và nhân rộng trên mạng, được các phần tử cơ hội chính trị in, nhân bản, phát tán trong xã hội. Tính nguy hiểm và tác động lớn từ các quan điểm sai trái, thù địch là gây tâm lý bán tín bán nghi, tạo sự phân tâm ở một bộ phận xã hội, trong đó đối tượng chịu tác động mạnh nhất là thanh niên, sinh viên. Việc chúng tăng cường tuyên truyền các nội dung dối trá, lừa bịp là không mới. Tuy nhiên, các thông tin dối trá, lừa bịp được lặp đi lặp lại nhiều lần cũng sẽ tác động tâm lý đối với một bộ phận xã hội. Chúng trộn lẫn thật giả, đưa các thông tin tiêu cực (kiểu như vụ việc “công an đánh dân” đã được đề cập trong bài) và trích dẫn những ý kiến, quan điểm sai lệch từ các nguồn tin của báo chí, các cuộc hội thảo trong nước rồi gắn với những bình luận chủ quan, thổi phồng, quy chụp “tiêu cực là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”...

Nhận thức rõ âm mưu của các thế lực thù địch nên trong nhiều văn kiện từ Đại hội VII, VIII, IX, X, XI cho đến Đại hội XII, Đảng ta thường xuyên khẳng định, cảnh báo nguy cơ “diễn biến hòa bình” chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam của các thế lực thù địch. Và ngay sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, trong đó chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thời điểm này, hầu hết các cấp ủy đảng đã triển khai nội dung nghị quyết quan trọng này đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Nhiệm vụ của chúng ta lúc này là “soi” mình vào 27 biểu hiện suy thoái đã nêu trong nghị quyết. Nếu tất cả những người đang hưởng lương từ ngân sách, mang danh phận “công bộc” của dân nhưng lại đang ngồi làm việc trong những trụ sở nguy nga hay ngồi trên những chiếc xe tiền tỷ, đi “học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài mà thực chất là đi du lịch... bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân, khi đối chiếu lại với những gì Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu thì khó ai có thể “miễn dịch” 100% đối với các biểu hiện suy thoái. Chỉ có điều khi chúng ta soi mình vào để sửa thì mỗi đảng viên, nhất là những đảng viên làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý sẽ tốt đẹp lên. Theo đó Đảng tốt đẹp lên. Và như thế, chúng ta sẽ không tạo cớ cho bọn cơ hội, thù địch lợi dụng để bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước.

Thảo Linh

  • Từ khóa
2567

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu