Thứ 7, 27/04/2024 03:31:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:21, 31/10/2014 GMT+7

Sở Công thương trả lời cử tri

Thứ 6, 31/10/2014 | 14:21:00 1,495 lượt xem
BPO - Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 3207/UBND-KTTH ngày 30-9-2014 về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, ngày 9 tháng 10 năm 2014, Sở Công thương đã có Văn bản số 1356/SCT-TM trả lời với các nội dung như sau:

1. Cử tri Nguyễn Khôi, thôn Hưng Lập, xã Phước Tín, thị xã Phước Long kiến nghị: Thời gian qua, tình trạng hạt điều nước ngoài chất lượng kém, giá thấp nhập vào thị trường Việt Nam, làm ảnh hưởng đến thương hiệu và sản lượng xuất khẩu điều. Đề nghị ngành chức năng có biện pháp khắc phục, tạo điều kiện cho người dân sản xuất và chế biến hạt điều phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trả lời:

* Vấn đề thứ nhất: Kiến nghị hoạt động nhập khẩu điều nguyên liệu về chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều của tỉnh.

Việc các doanh nghiệp chế biến điều của tỉnh đã và đang nhập khẩu hạt điều thô để chế biến, xuất khẩu là có. Cụ thể, năm 2013 nhập 8.689 tấn; 9 tháng đầu năm 2014 ước nhập trên 5.300 tấn.

Bình Phước hiện có 210 doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều, theo công suất lắp đặt thiết kế thì có 40 doanh nghiệp có công suất trên 5.000 tấn/năm. 170 cơ sở lắp đặt thiết kế có công xuất nhỏ mang tính sản xuất theo thời vụ giao mùa lúc nông nhàn. Hàng năm cần phải có nguồn nguyên liệu đầu vào rất lớn để phục vụ cho sản xuất, chế biến. Nếu tính đúng, tính đủ công suất thiết kế, thị trường đầu ra ổn định thì nguồn nguyên liệu tại chỗ không đủ để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của các nhà máy hiện có.

Cử tri thị xã Phước Long kiến nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ người trồng điều - Ảnh: TN

Trong khi đó, sản lượng điều của tỉnh năm 2013 đạt 125.000 tấn; năm 2014 mặc dù sản lượng điều tăng đột biến cũng chỉ đạt trên 190.000 tấn, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chế biến sản xuất tại chỗ. Do vậy các doanh nghiệp vẫn phải nhập điều nguyên liệu về để chế biến, xuất khẩu, duy trì sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo giao hàng theo hợp đồng xuất khẩu đã ký kết trước đó.

Nguồn nhập từ các thị trường chủ yếu là Đông Phi, Tây Phi và Đông Nam Á. Giá điều nhập khẩu luôn thấp hơn giá điều bình quân trong nước đảm bảo có lãi cho doanh nghiệp. Đây cũng là bài toán kinh tế của các doanh nghiệp, ngoài mục đích lợi nhuận còn phải giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời duy trì thị trường xuất khẩu, bình ổn giá cả.  

Mặt khác, Việt Nam đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), đây là sân chơi chung về kinh tế của các quốc gia, ta không thể giới hạn hoặc áp đặt chính sách một cách tùy tiện. Ta cần duy trì và tiếp tục thực hiện tốt sân chơi này, để có thị trường nhập khẩu điều thô về để chế biến xuất khẩu.

Về giá cả hàng hóa xuất nhập khẩu do thị trường quyết định, việc nhập khẩu hạt điều về để chế biến xuất khẩu điều nhân có ảnh hưởng đến thương hiệu điều Bình Phước hay không. Trước mắt chúng tôi xin ghi nhận và sẽ cùng phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để phân tích đánh giá, xử lý thông tin một cách thấu đáo.

* Về vấn đề thứ 2: Vai trò quản lý nhà nước của các ngành chức năng có liên quan. Ở phần kiến nghị này chúng tôi xin tách ra 2 vấn đề.

 Thứ nhất, ngay từ khi tái lập tỉnh, chúng ta đã xác định điều là một trong những cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo đã mang lại tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2011, Bình Phước được công nhận là thủ phủ của cây điều. Nhận thức được tầm quan trọng của cây điều trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay từ những năm 1998 cho đến nay gần như thường niên Sở Thương mại và Du lịch (nay là Sở Công Thương) đã thường xuyên tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo về vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm điều Bình Phước, tạo điều kiện cho mối quan hệ giữa bốn nhà và quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp thu mua và chế biến nhằm tháo dỡ bớt khó khăn, áp lực cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua được hết sản lượng hạt điều thương phẩm do người dân sản xuất ra việc làm đó cũng đã mang lại tác động tích cực đến sự phát triển của ngành điều.

Thứ hai: Vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến và xuất khẩu điều ở Bình Phước. Chúng tôi đã và đang cảnh báo về khả năng nếu không có hướng đi đúng, không có biện pháp tốt thì ngành điều chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà. Cho dù Bình Phước có giống điều tốt, năng suất cao nhưng không chú ý đến khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu lưu thông, chế biến sản xuất, xuất nhập khẩu.

Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh và thương hiệu của điều Bình Phước. Mặt khác ngành công thương với chức năng nhiệm vụ của mình cũng đề nghị các ngân hàng có hướng hỗ trợ tốt về vốn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có đủ khả năng thu mua được hết sản lượng điều của dân với giá cả hợp lý và cũng đề nghị Hiệp hội điều Việt Nam, Hội điều Bình Phước sớm có phương án tối ưu tạo dựng quan hệ tốt giữa 4 nhà (Nhà nước - Nhà Khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông) để phát triển ngành điều Bình Phước từng bước bền vững.

2. Cử tri xã Long Tân, xã Bù Nho huyện Bù Gia Mập kiến nghị: UBND tỉnh có biện pháp tăng cường tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản (giá nông sản xuống rất thấp) đồng thời kiềm chế tình trạng tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu như: điện, gas, xăng dầu... để không tác động nhiều đến đời sống của nhân dân.

Trả lời:

Về kết quả sản xuất, xuất khẩu:

Sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh được xuất khẩu ra trên thị trường 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Qua 9 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 574,54 triệu USD, tăng 11,69% so với cùng kỳ, trong đó:

Giá trị xuất khẩu hạt điều nhân 132,4 triệu USD, tăng 37,43% so cùng kỳ.

Giá trị xuất khẩu mủ cao su thành phẩm 207,59 triệu USD, giảm 5,11% so cùng kỳ.

Hàng nông sản khác 37,86 triệu USD, giảm 31,02% so với cùng kỳ.

Về giải pháp, thị trường đầu ra:

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ hàng nông sản ra nước ngoài nhằm giúp các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tăng cường khả năng cung cấp thông tin, dự báo thị trường xuất khẩu hàng nông sản để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thông tin một cách tốt nhất.

Ưu tiên hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công và nguồn vốn khoa học công nghệ.

Thực hiện có hiệu quả kế hoạch phối hợp khuyến công - ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng với lãi suất ưu đãi giai đoạn 2014-2016. Tham mưu đề nghị sớm có hướng thành lập trung tâm phát triển giống cây điều, cây cao su cho năng xuất cao.

Về việc kiềm chế tình trạng tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu như: điện, gas, xăng dầu... để không tác động nhiều đến đời sống của nhân dân.

Giá các mặt hàng thiết yếu như: điện, gas, xăng dầu... thuộc điều tiết vĩ mô của Nhà nước, nó phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương đã có nhiều biện pháp trong điều hành từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối như: trích lập quỹ bình ổn giá nhằm giảm tác động xấu đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhân dân.

Hướng tới Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng, tạo khan hiếm giả để nâng giá thu lợi bất chính đối với các mặt hàng trên góp phần làm bình ổn thị trường.

3. Cử chi xã Quang Minh, huyện Chơn Thành và cử tri xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh kiến nghị: ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các cửa hàng bán mũ bảo hiểm, xử lý các trường hợp buôn bán mũ bảo hiểm không đạt chuẩn để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Trả lời: Sở Công Thương xin ghi nhận và chia sẽ ý kiến phản ảnh của cử chi về các trường hợp buôn bán mũ bảo hiểm không đạt chuẩn nhằm để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Thời gian qua, các ngành chức năng trong đó có Sở Công thương đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc quyền tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường vẫn còn tồn tại các trường hợp kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chuẩn trà trộn với mũ đạt chuẩn để lừa dối khách hàng thu lợi bất chính. Hướng tới ngành công thương và các ngành chức năng sẽ tích cực phối hợp tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát để xử lý, ngăn chặn.

Để nhận biết, phân biệt giữa mũ đạt chuẩn và kém chất lượng được quy định tại QCVN2: 2008/BKHCN về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy với các dấu hiệu trực quan để nhận biết như sau:

Về cấu tạo: Kết cấu của mũ bảo hiểm phải có đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động và quai đeo.

Bề mặt phía ngoài của võ mũ: Phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh sắc, nhọn. Không được sử dụng đinh tán, bu long, đai ốc, khóa đeo có các gờ và cạnh nhọn, sắc. Đầu đinh tán, bù long không được cao hơn 2mm so với bề ngoài vỏ mũ.

Nhãn mũ: phải có đầy đủ các thông tin như: tên sản phẩm là "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy"; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất (hoặc tên và địa chỉ cơ sở nhập khẩu, xuất xứ - trong trường hợp là mũ nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất.

Mũ lưu thông trên thị trường phải có dấu hợp quy CR và nhãn mũ. Đề nghị người tiêu dùng khi có nhu cầu mua mũ bảo hiểm để sử dụng hãy tự kiểm tra bằng cảm quan. Nếu phát hiện mũ bảo hiểm không thỏa mãn được 4 quy định kỹ thuật trên thì báo ngay cho các cơ quan: UBND cấp xã, quản lý thị trường, công an, thanh tra chuyên ngành về đo lường chất lượng nơi gần nhất để kiểm tra, xử lý theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 và Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013.

Giám đốc: Lê Văn Uy

  • Từ khóa
11989

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu