Thứ 7, 27/04/2024 05:38:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:51, 19/03/2016 GMT+7

Nắng hạn - người dân Long Tân khát nước

Thứ 7, 19/03/2016 | 16:51:00 669 lượt xem
BPO - Mới chỉ giữa mùa khô nhưng các huyện của tỉnh Bình Phước đã rơi vào tình trạng khô hạn khốc liệt. Đã có hàng ngàn ha cây trồng bị thiệt hại nặng. Hàng ngàn hộ dân đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hiện đã có hàng ngàn giếng nước trên địa bàn tỉnh bị cạn khô, người dân phải đi lấy nước từ các sông, suối về dùng. Tại xã Long Tân, huyện Phú Riềng, tình trạng khô hạn đã đến hồi báo động.


Suối và giếng ở thôn 6, xã Long Tân cạn nước

Hơn 3 tháng nay, giếng nước nhà chị Thị Diệu ở thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng đã cạn hết nước. Kể cả cái giếng mà nhà nước đào cho các hộ đồng bào dân tộc dùng chung sâu đến 25m cũng không còn là bao. Cả một buổi sáng đợi mãi chị mới múc được vài gầu nước dùng để nấu ăn. Nước ăn còn chưa có chứ nói gì đến nước sinh hoạt. Chị Thị Diệu cho biết, ở đây đồng bào dân tộc nghèo lắm, tiền ăn còn chưa đủ chứ lấy tiền đâu để vét giếng. Không có nước thì đi xin thôi chứ biết làm sao.

Suối và giếng ở thôn 6, xã Long Tân cạn nướcSuối và giếng ở thôn 6, xã Long Tân cạn nước

Cách đó không xa nhà bà Thị Siêm cũng đang rơi vào tình cảnh không có nước sinh hoạt. Giếng đào sâu 20m nhưng giờ cũng không còn nước để dùng. Quần áo không có nước giặt, mặc rồi lại mắc lên sào, đống nọ, chồng lên đống kia. Nước ăn thì hàng ngày bà và các con phải chạy xe đi hàng cây số để xin. Bà Siêm nói xin nước người ta hoài rồi cũng ngại, có nhà thì người ta cho, có nhà người nói họ bỏ tiền ra đào giếng giờ cứ đến mà xin, sao không vét giếng đi mà dùng, nhưng tiền đâu mà vét giếng. Nhà bà có hơn 10 người cả con lẫn cháu, làm nghề chẻ điều, ngày nào cũng phải tắm, chiều lại mấy mẹ con bà cháu kéo nhau ra suối tìm những vũng nước còn sót lại để tắm. Con suối Rạt ở thôn 6, xã Long Tân đã tồn tại nhiều năm nay, hàng năm vào mùa này nó vẫn có nước chảy để người dân tưới tiêu và sinh hoạt. Ấy vậy mà mùa khô này nó không còn lấy một giọt nước, lòng suối cạt kiệt chỉ có đá và cỏ cây. Dân phải xa lắm mới may mắn tìm được một vũng nước còn sót lại để tắm giặt.

Người dân thôn 6 xin nước sạch về dùngNgười dân thôn 6 xin nước sạch về dùng

Đi sâu vào gần cuối thôn 6 của xã Long Tân, nơi mà người dân đồng bào trước đây gọi là Sóc Tằm Lây, có 44 hộ dân toàn bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Sóc không có điện, người dân cũng không có tiền đào giếng, cả sóc chỉ có 5 cái giếng chủ yếu là do nhà nước đào cho. Giờ giếng cạn nước trơ đáy, người dân phải chắt từng giọt nước về dùng. Chị Hà Thị Thủy, người dân tộc Thái lấy chồng rồi sống ở đây cũng đã gần chục năm nay. Năm ngoái gia đình chị dành dụm được một ít tiền đào riêng một cái giếng. Cứ tưởng mùa nắng này sẽ có nước dùng, ấy vậy mà chưa đến tháng 10 năm 2015, giếng đã khô cạn nước. 5 tháng nay, ngày nào chị cũng phải xách can đi xin nước. Dân trong vùng không có nước, chị phải đi sang các thôn bên cạnh để xin nước về. Vì nhà có con nhỏ, nên nước dùng phải tằn tiệm hết sức. Nước vo gạo thì dùng rửa rau, rửa chén, giặt đồ, khi không còn sử dụng được nữa thì dùng để rửa chân, tưới cây. Các giếng trong thôn thiếu nước, việc sinh hoạt, đời sống của người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc tiết kiệm nước tối đa là phương châm sống của mỗi gia đình trong thôn 6.

Cả sóc Tằm Lây cũ, nay gọi là tổ 5 của thôn 6 chỉ còn gia đình chị Huỳnh Thị By là có nước. Nhà chị By có một giếng khoan, nên mùa hạn năm nay bà con trong thôn kéo đến nhà chị để xin nước. Vì không có điện, chị đã bỏ tiền túi của mình để mua dầu chạy máy nổ bơm nước cho bà con. Cuộc sống tuy còn rất khó khăn nhưng tình người họ dành cho nhau thật là đáng quý. 

Theo báo cáo của các huyện, thị xã về tình hình hạn hán đến hết ngày 10-3-2016 thì mực nước ở các sông suối cạn kiệt, không còn dòng chảy; mực nước ngầm tại các giếng đào, giếng khoan ở nhiều địa phương trong tỉnh thiếu hụt nước nghiêm trọng, nhiều nơi không còn nước; các hồ chứa thủy lợi  mới đạt từ 50-60% dung tích trữ thấp hơn thiết kế, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm. Ước tính tổng số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trên 16.931 hộ và tổng số diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán là 21.226 ha.

Thôn 6, xã Long Tân hiện có 177 hộ với 776 nhân khẩu, nhưng chỉ có 90 hộ có giếng đào, số còn lại thì không có giếng. Mùa nắng này các giếng đào của bà con đã cạn hết nước, trung bình cứ 10 hộ dùng chung một cái giếng mà nước cũng không còn là bao. Đã không có nước, người dân trong thôn lại không có điện lưới để sử dụng, làm cho cuộc sống vốn đã khổ cực của người dân đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nơi đây thêm phần khó khăn hơn. Thay mặt cho bà con trong thôn, ông Vương Ngọc Bửu Sơn, thôn phó thôn 6 cho biết, một vài hộ trong thôn có thể đào được giếng khoan nhưng nơi đây lại chưa có điện lưới. Vì vậy mong nhà nước quan tâm hơn nữa đến nhân dân thôn 6, một thôn đặc biệt khó khăn của xã Long Tân để dân có điện, có nước sách sử dụng.

Tình hình khô hạn tại địa phương được dự báo là sẽ còn khốc liệt hơn trong những ngày tới, khi mực nước ở các hồ, đập thủy lợi đang trong tình trạng ngày càng khô kiệt. Chỉ tính riêng tại xã Long Tân, hàng trăm hộ dân của 7 thôn cũng đang rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Gia Nghi

  • Từ khóa
54220

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu