Thứ 7, 27/04/2024 06:54:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:26, 27/03/2016 GMT+7

Quy định về mang thai hộ và những bất cập

Chủ nhật, 27/03/2016 | 13:26:00 6,177 lượt xem
BP - Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19-6-2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. So với những Luật Hôn nhân và Gia đình trước đó, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có rất nhiều điểm mới và có sự tiến bộ rõ rệt. Và một trong những điểm mới đáng lưu ý, đồng thời được dư luận xã hội đồng tình cao là quy định về cho phép được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Các chuyên viên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm  - (Ảnh: HNM)
Các chuyên viên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm - (Ảnh: HNM)

Cụ thể, tại Khoản 2 và 3, Điều 95 trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định như sau: Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Để quy định trên đi vào cuộc sống, ngày 28-1-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó, từ ngày 15-3-2016 (ngày nghị định này có hiệu lực), thì: Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Điều 3).

Theo khái niệm trong Luật Hôn nhân và Gia đình thì mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Vì trong thực tế cuộc sống cho thấy, có những người mẹ không thể mang thai vì nhiều nguyên nhân nhưng vẫn có trứng và có nhu cầu sinh con; có những người bị bệnh lý ở tử cung và không thể mang thai, kể cả đã được hỗ trợ sinh sản và cũng có người cứ mang thai là bị rối loạn đông máu... Và theo thông báo của Bộ Y tế cho biết, sau một năm áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, hiện cả nước đã nhận được hơn 100 hồ sơ và đã có 10 bé được chào đời nhờ quy định mới này.

Mặc dù Bệnh viện đa khoa tỉnh chưa được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, song qua trao đổi với một số bác sĩ có chuyên môn lâu năm, cùng với một số cặp vợ chồng hiếm muộn ở thị xã Đồng Xoài... được biết: Việc quy định cho phép mang thai hộ như trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là rất nhân văn, đáp ứng nhu cầu chính đáng của không ít cặp vợ chồng vì lý do nào đó mà họ chưa có con. Tuy nhiên, dù quy định của pháp luật mới đi vào cuộc sống được một năm nhưng đã phát sinh những bất cập và cần sớm được sửa đổi, bổ sung thì ý nghĩa nhân văn của chính sách này mới thực sự có hiệu quả cao. Cụ thể là trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định về điều kiện để được nhờ người mang thai hộ là: Vợ chồng đang không có con chung. Nói cách khác là chỉ có những cặp vợ chồng chưa có người con chung nào mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

Và đây chính là bất cập, là rào cản đối với những cặp vợ chồng tuy đã có con chung rồi nhưng đứa con đó bị tật nguyền, tàn tật do trong quá trình sinh nở phải can thiệp sản khoa chứ không phải tật nguyền do bệnh lý di truyền. Bên cạnh đó, mặc dù khoa học trong lĩnh vực y khoa đã phát triển nhanh nhưng trong thực tế vẫn còn không ít trường hợp vì sự can thiệp thủ thuật mà người mẹ bắt buộc phải cắt tử cung, cắt bỏ buồng trứng... nên họ không thể có con nếu không cho phép mang thai hộ. Thậm chí như ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã xảy ra trường hợp bệnh nhân Lê Thị Ánh Phương được chẩn đoán là bị đau ruột thừa nhưng bác sĩ lại cắt nhầm buồng trứng... Và với những trường hợp này thì nhu cầu có con là hoàn toàn chính đáng. Bởi, một khi đứa trẻ được sinh ra bằng mang thai hộ sau này sẽ là chỗ dựa, chăm sóc cho cha mẹ và người anh hoặc chị bị tật nguyền đối với những người mới chỉ có một con nhưng đứa con đó không bình thường.

Để Luật Hôn nhân và Gia đình thực sự đi vào cuộc sống và chính sách mang thai hộ mang đầy đủ ý nghĩa nhân văn của nó thì các cơ quan chức năng cần sớm kiến nghị để bất cập trên sớm được sửa đổi, bổ sung.

 N.V

  • Từ khóa
28098

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu