Thứ 7, 27/04/2024 07:31:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 07:12, 07/12/2016 GMT+7

Phải hầu tòa vì… bất cẩn

Thứ 4, 07/12/2016 | 07:12:00 174 lượt xem
BP - Cổ nhân từng dạy: “Nói có sách, mách có chứng” để chỉ về chứng cứ pháp lý trong mọi hoạt động giao dịch, bởi nếu không có chứng cứ để chứng minh thì có khi sẽ bị đối tác lật kèo. Vì vậy, việc mua bán hàng hóa và thanh lý hợp đồng giữa hai bên cần thận trọng, nhất là việc lưu trữ chứng từ, hóa đơn để chứng minh nghĩa vụ trả nợ. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ điển hình cho bài học về sự bất cẩn trong thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.

ĐỐI TÁC... THÀNH BỊ ĐƠN

Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành đang thụ lý lại vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo quyết định của Bản án số 08/2016/KDTM-PT ngày 3-8-2016 của Tòa án nhân dân tỉnh.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2006, Công ty SiNiViNa ký hợp đồng với ông N.T.Đ về phân phối thức ăn gia súc tại địa bàn huyện Chơn Thành. Hợp đồng quy định rõ việc giao nhận hàng giữa hai bên phải lập hóa đơn giá trị gia tăng. Ông N.T.Đ đặt hàng qua bộ phận tiếp thị, nhận hàng tại công ty. Để tạo điều kiện cho ông N.T.Đ có vốn xoay vòng, phía Công ty SiNiViNa thỏa thuận cho đại lý này nợ gối đầu mức tối thiểu là 50 triệu đồng và tối đa là 120 triệu đồng. Ông N.T.Đ có nghĩa vụ thế chấp cho công ty một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với diện tích gần 1.700m2.

Chuyển thức ăn gia súc vào đại lý để bán cho khách (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác làm ăn hai bên đã xảy ra bất đồng về các khoản nợ tiền hàng. Vì vậy, cuối năm 2011, Công ty SiNiViNa gửi đơn khởi kiện ông N.T.Đ ra Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành để đòi khoản nợ gần 120 triệu đồng tiền hàng mà đại lý này chưa thanh toán. Phía Công ty SiNiViNa cho rằng, trong năm 2010, công ty đã giao hàng cho đại lý của ông N.T.Đ hai lần vào tháng 6 và tháng 12, với số lượng gần 15 tấn thức ăn gia súc các loại. Tổng số tiền theo hóa đơn của 2 lần giao hàng là gần 120 triệu đồng, nhưng ông N.T.Đ chỉ mới trả 4,5 triệu đồng. Sau nhiều lần đòi nợ không thành, Công ty SiNiViNa khởi kiện ông N.T.Đ ra tòa và yêu cầu phát mãi tài sản là diện tích đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông N.T.Đ thế chấp. 

Tại phiên tòa, ông N.T.Đ thừa nhận việc ký hợp đồng giữa ông và Công ty SiNiViNa là tự nguyện và ông đã thế chấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để phía công ty cho nợ gối đầu, nhưng chỉ ở mức 50 triệu đồng. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng giữa ông N.T.Đ với Công ty SiNiViNa chỉ có một lần vào năm 2006, chứ không phải đầu năm 2007 như công ty nêu. Nội dung mà ông ký với công ty trong năm 2006 cũng hoàn toàn khác với nội dung bản hợp đồng năm 2007. Chủ đại lý này còn cho biết thêm, sau khi hai bên ký hợp đồng, phía công ty giữ hết không giao cho ông bản nào. Ông N.T.Đ khẳng định đã thanh toán hết nợ sau khi kết thúc việc mua bán nhưng công ty không trả lại sổ đỏ cho ông.

Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử đã ra quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty SiNiViNa. Buộc ông N.T.Đ cùng vợ là người có nghĩa vụ liên đới phải thanh toán cho Công ty SiNiViNa gần 168 triệu đồng (bao gồm cả lãi suất theo quy định tính từ ngày nguyên đơn khởi kiện). Sau đó, ông N.T.Đ và vợ đã kháng cáo toàn bộ bản án của Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành.

VẪN CHƯA KẾT THÚC

Sau khi ông N.T.Đ kháng cáo kèm theo hai hóa đơn trùng khớp với hai ngày nhập hàng, hội đồng xét xử tòa phúc thẩm cho rằng việc ký hợp đồng giữa hai bên là hoàn toàn tự nguyện, nhưng việc thực hiện lại không rõ ràng, không tuân thủ đúng và đầy đủ quy trình. Việc ký nhận, giao hàng, xuất hóa đơn và các chứng từ đều do tài xế ký tên mà không có sự ủy quyền hay giới thiệu từ các bên của đương sự. Trong khi đó, sau khi kết thúc hợp đồng các bên cũng không đối chiếu, thỏa thuận công nợ để làm căn cứ khởi kiện. Khi cấp sơ thẩm yêu cầu đương sự nộp các chứng từ giao dịch thì phía công ty lại không tuân thủ. Cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào hai hóa đơn giao, nhận hàng để buộc ông N.T.Đ phải trả tiền là chưa đủ căn cứ pháp lý, chưa làm rõ bản chất giao dịch giữa các bên. Hơn nữa, phía công ty đã giao cho cấp phúc thẩm các bản sao phôtô hóa đơn giá trị gia tăng nên không có giá trị của chứng cứ. Ngoài ra, các hóa đơn này đều do tài xế ký nhận nhưng không ghi họ tên của người ký nên chưa đủ căn cứ để đối chiếu và kết luận chính xác việc ông N.T.Đ còn nợ Công ty SiNiViNa bao nhiêu tiền vào thời điểm hiện tại...

Từ những căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh đã ra quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của ông N.T.Đ và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa; đồng thời tuyên giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành cho biết, tòa đang thụ lý lại vụ án và sẽ đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Ông N.T.Đ thì than thở: Đúng là sai một li đi ngàn dặm. Nếu tôi cẩn thận hơn khi thực hiện các giao dịch thì đâu phải mất công năm lần bảy lượt đi hầu tòa.

Tấn Phong

  • Từ khóa
29128

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu