Thứ 6, 26/04/2024 16:13:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:21, 11/01/2016 GMT+7

Ô tô nhập khẩu tăng giá “sốc”

Thứ 2, 11/01/2016 | 08:21:00 97 lượt xem
BPO - Mặc dù thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN giảm 10% và thuế nhập khẩu theo cam kết WTO giảm 2% - 4% kể từ 1-1-2016, song những ngày qua, giá xe trong nước liên tục “nhảy múa”, tăng từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, tùy dòng xe. Nguyên nhân được xác định là do rào cản từ cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới.

Tăng giá mạnh dòng xe sang

Tuần qua, tại TPHCM các cửa hàng, nhà phân phối ô tô nhập khẩu trên các tuyến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), Phan Văn Trị, Quang Trung (quận Gò Vấp), An Dương Vương (quận 5), Trần Hưng Đạo (quận 1)… đều thông báo giá bán mới tới khách hàng với mức tăng giá 20 - 150 triệu đồng/chiếc, tùy dòng xe. Trong khi đó, các hãng ô tô như BMW, Mercedes-Benz… cũng công bố giá bán ô tô tháng 1-2016 lên website, trong đó có những dòng ô tô nhập khẩu hạng sang tăng từ vài trăm triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng mỗi chiếc đối với các dòng xe nhập khẩu phân khúc cao cấp.


Chọn mua ô tô tại một cửa hàng ở TPHCM

Cụ thể, các mẫu xe như SUV hạng sang Mercedes-AMG GL63 4Matic với giá bán tăng tới 1,28 tỷ đồng, lên mức 7,499 tỷ đồng. Ở dòng thấp hơn CLS 400 tăng 340 triệu đồng, lên 4,249 tỷ đồng hay Mercedes-AMG GT S tăng 890 triệu đồng/chiếc; GL500 4Matic tăng 370 triệu đồng/chiếc. Tương tự, hãng xe BMW tăng giá mạnh nhất là BMW 640i Gran Coupe với mức tăng 650 triệu đồng/chiếc, từ 3,64 tỷ đồng lên 4,29 tỷ đồng. Tăng giá ít nhất là BMW 320i với giá tăng từ 1,439 tỷ đồng lên 1,488 tỷ đồng. Thương hiệu Porsche Macan cũng như Macan S có mức tăng tương ứng là 290 triệu đồng và 250 triệu đồng... Theo lý giải của các cửa hàng kinh doanh ô tô, mức tăng giá cao chủ yếu rơi vào phân khúc xe hạng sang, đắt tiền và đều có nguồn gốc nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản hay các nước châu Âu, Mỹ (trừ Mercedes có một số sản phẩm được lắp ráp ở Việt Nam) và không có cơ hội hưởng thuế nhập khẩu 40% từ khu vực ASEAN. 

“Thực tế, những phân khúc dòng xe này chủ yếu được hưởng thuế nhập khẩu giảm từ 2% - 4% theo cam kết WTO, trong khi đó lại phải gánh nặng thêm cách tính thuế TTĐB mới, dẫn đến giá điều chỉnh tăng. Nhưng cũng có một số hãng ô tô như Mercedes-Benz, Porsche… đợi đến đầu năm 2016 mới niêm yết khiến giá bị đẩy lên”, anh Hoàng Anh Tài, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu ô tô Hoàng Anh Tài (quận 12, TPHCM) giải thích. Tương tự, anh Trần Văn Quốc, chủ cửa hàng kinh doanh ô tô trên đường Phan Văn Trị cho rằng, mặc dù tỷ giá có tăng lên, nhưng thời gian gần đây hàng hóa nói chung, đặc biệt là ô tô nhập khẩu chưa thể ảnh hưởng ngay. Do quy trình thời gian nhập khẩu một chiếc ô tô thường mất từ 3 - 5 tháng. Theo đó, đối với các hãng xe nhập khẩu trước thời điểm 1-1-2016 cũng chưa chịu ảnh hưởng về thuế. Ví dụ như việc nhập khẩu các dòng xe thời điểm tháng 11, 12-2015 thì giá vẫn sẽ giữ nguyên. “Tuy nhiên, điều khiến dòng xe sang nhập khẩu tăng mạnh có thể xuất phát từ biểu thuế TTĐB mới khá cao đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 2.5L. Ngoài ra, thông tin trong thời gian tới Quốc hội tiếp tục đưa ra xem xét với khả năng tăng mạnh ở các phân khúc xe có động cơ từ 3.0L trở lên, từ đó gây ra áp lực biến động mạnh giá ô tô nhập khẩu hiện nay”, anh Quốc phân tích.


Ô tô nhập khẩu đã có sự điều chỉnh giá

Thuế nhập khẩu giảm ít tác động

Trên thực tế, từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước khu vực thương mại tự do ASEAN về Việt Nam giảm còn 40% so với mức 50% của năm ngoái. Tuy nhiên, quan sát thị trường, rất ít xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực này sẽ được giảm thuế nhập khẩu theo cam kết lộ trình gia nhập ASEAN. Ở thị trường Thái Lan và Indonesia, chủ yếu là các mẫu xe bán tải (pick-up) như Toyota Hilux, Ford Ranger, Nissan Navara, Chevrolet Colorado, Mazda BT50, Isuzu D-Max, Mitsubishi Triton... Trong khi đó, những năm qua các mẫu xe pick-up chỉ chịu thuế nhập khẩu là 5% so với mức 50% của các dòng xe khác. Do đó, chính sách giảm thêm 10% thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ không ảnh hưởng gì đến loại xe pick-up. 

Đối với một số dòng xe khác, hiện nay có rất ít mẫu xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN. Lý do là các liên doanh ô tô hiện nay vừa là nhà lắp ráp vừa là nhà độc quyền nhập khẩu các thương hiệu tương ứng, nên sẽ không nhập các mẫu xe có tiềm năng cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước. Chỉ có số ít dòng xe hiện có thị phần thấp hoặc kém cạnh tranh với xe nhập khẩu, nên các liên doanh hoặc các hãng ô tô quyết định nhập khẩu. 

Trong khi đó, một số mẫu xe du lịch phổ thông khác như Hyundai Tucson 2016, Hyundai Grand i10... thì nhập khẩu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, những quốc gia không nằm trong khối chịu ảnh hưởng thuế này. Theo các nhà sản xuất lắp ráp và nhập khẩu xe, khả năng cách tính thuế TTĐB mới sẽ đẩy giá xe tăng ở mức khoảng 5% so với cách tính cũ. Dù vậy, đến thời điểm này chưa hãng nào trong nước áp cách tính mới mà đang xem xét đối thủ của mình để đi đến quyết định. Thậm chí một số hãng như Hyundai, đang bán dòng xe du lịch theo giá năm ngoái, chấp nhận giảm lợi nhuận, hỗ trợ khách hàng. Tương tự, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng cho biết, chưa áp cách tính thuế TTĐB mới và đang bán theo giá cũ. Tuy nhiên, theo tính toán của doanh nghiệp này, nếu áp theo cách tính thuế mới, khả năng giá xe bị nâng lên từ 2% - 5% so với giá hiện tại của hãng đang bán.

Theo tính toán của các chuyên gia, khi thuế nhập khẩu giảm 10%, chi phí của xe sau khi tính thuế sẽ giảm theo khoảng 7% - 8%. Nhưng do việc thay đổi giá tính thuế TTĐB với xe nhập khẩu theo hướng tăng lên khoảng 20% hiện nay, đang khiến chi phí cũng tăng theo. Thuế nhập khẩu giảm, nhưng giá tính thuế TTĐB tăng khiến giá xe nhập khẩu không giảm mà tăng.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
39953

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu