Thứ 6, 26/04/2024 17:39:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:24, 04/12/2016 GMT+7

Nuôi chim trời - tại sao không?

Đông Kiểm
Chủ nhật, 04/12/2016 | 06:24:00 176 lượt xem
BP - Năm 1988, gia đình anh Nguyễn Hữu Thăng từ tỉnh Quảng Bình vào xã Bình Thắng (nay thuộc huyện Bù Gia Mập) theo kinh tế mới để làm công nhân chăm sóc cao su thuộc Nông trường I, Công ty cao su Phú Riềng trước đây. Đồng lương công nhân hết sức khó khăn, gia đình anh phải xin nông trường trồng thêm lúa, đậu, bắp cũng như các loại cây ngắn ngày khác xen trong diện tích cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản để đảm bảo cái ăn hằng ngày. Ấy vậy mà hôm nay, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 750 triệu đồng từ vốn đầu tư 100 triệu đồng nuôi chim yến.

Anh Thắng và mái nhà của gia đình được tận dụng để nuôi chim yếnAnh Thắng và mái nhà của gia đình được tận dụng để nuôi chim yến

KHỞI NGHIỆP TỪ HẠT ĐIỀU

Năm 2005, thấy người dân mua bán hạt điều hết sức khó khăn, anh Thăng nảy ra ý tưởng kinh doanh chế biến điều. Sống ngay vùng đất nguyên liệu hạt điều, anh Thăng tập trung toàn bộ vốn đầu tư công nghệ chế biến hạt điều. Nói là kinh doanh chế biến nhưng thực ra công nghệ chế biến điều lúc ấy chỉ có đôi tay người làm công cùng với máy chẻ hạt điều thời kỳ đầu hết sức thô sơ. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh chỉ chẻ từ 2-3 tấn điều thô. Hết mùa, công việc chế biến điều cũng tạm ngưng để dành thời gian cho việc đồng áng. Cuộc sống gia đình anh từ đó hết khó khăn. 

Năm 2008, gia đình anh chuyển ra thôn 4, xã Đa Kia, huyện Phước Long (nay thuộc huyện Bù Gia Mập) để thuận lợi vận chuyển, kinh doanh chế biến hạt điều. Nhằm đảm bảo uy tín với khách hàng, phương án kinh doanh của gia đình anh lúc đầu chỉ tập trung thu mua và chế biến nguyên liệu hạt điều trong khu vực Đa Kia - Bình Thắng. Nghề chế biến kinh doanh hạt điều bắt đầu giúp gia đình anh có thêm nhiều thuận lợi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2010, gia đình anh đầu tư thêm 2 máy chẻ với công suất chế biến 7 tấn hạt/ngày và 1 máy bóc vỏ lụa công suất 6 tấn/ngày. Năm 2011, gia đình anh mới có đủ điều kiện để nâng cấp xây dựng nhà ở kiên cố. Đó cũng là mốc thời gian gia đình anh tăng nguồn thu nhập 750 triệu đồng/năm nhờ chim trời.

NIỀM ĐAM MÊ và BƯỚC NGOẶT kinh tế

Anh Thăng đưa tôi lên trên nóc mái nhà Thái của gia đình được xây dựng từ đầu năm 2011. Tổng vốn đầu tư để xây dựng nhà nuôi chim yến đầu tiên của anh chỉ đúng 100 triệu đồng. “Vạn sự khởi đầu nan” với  một nông dân chưa qua hết trường làng như anh là điều dĩ nhiên. “Tôi mê tiếng chim lúc nào không hay. Tôi tìm thăm mô hình nuôi chim yến ở thị xã Đồng Xoài để xem nhà nuôi chim yến thế nào. Ông chủ nuôi chim ra điều kiện phải trả 20 triệu đồng và không được quay phim hay chụp hình dù chỉ là máy điện thoại. Tôi lưỡng lự rồi ra về tay không. Hôm sau, tôi ra tận Khánh Hòa ở cả tuần nhưng cũng không được gì. Được người bạn giới thiệu, tôi đến huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh mới hiểu được kỹ thuật nuôi chim yến. Trước khi đầu tư nuôi loại chim này, mọi người cứ bảo Đa Kia là rừng chứ có phải biển đâu mà nuôi chim yến. Tôi nghĩ, đường nào cũng làm nhà để ở nên mới đầu tư thêm tiền để thử vận may” - anh Thăng hồi tưởng.

Sau 2 tháng xây dựng nhà nuôi chim yến, anh Thăng lên gác mở cửa để xem thực hư thế nào. Vừa mở cửa thì hai con chim yến bay ào ra ngoài, một trong hai con va vào tường lăn ra chết. Cầm con chim trên tay, anh đứt từng khúc ruột. 6 tháng sau, anh mới dám lên mở cửa nhà yến. Bắt gặp 5 tổ yến trong nhà, anh mừng thầm vì yến đã về. Sau đó một năm, lũ chim yến cứ lần lượt rủ nhau về xây tổ rồi nhân lên bầy đàn theo năm tháng. Năm 2013, gia đình anh mới đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến chuyên biệt với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng. Năm 2015 vừa qua, gia đình thu về 750 triệu đồng từ nuôi chim yến.

ĐỂ CHIM VỀ XÂY TỔ...

Không phải ngẫu nhiên chim yến lần lượt kéo về xây tổ, nhân đàn để duy trì nòi giống theo cách sắp đặt của con người. Anh Thăng cho biết, đặc tính chim yến thường sống theo bầy đàn. Để chúng trú ngụ trong nhà, trước hết nhà nuôi phải đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm và không khí bầy đàn. Muốn có không khí bầy đàn không còn cách nào khác là phải tạo được tiếng gọi bầy đàn của chúng. Tiếng gọi ấy phải có nhiều cung bậc, âm thanh để đáp ứng từng lứa tuổi, từng con đực, cái khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người nuôi chim yến không biết chỉ đầu tư một thứ âm thanh dẫn dụ nên không thành công. Cái khó nhất trong nghề nuôi chim yến không chỉ dẫn dụ chim về mà phải làm sao để chim ở lại, làm tổ, sinh con, nhân đàn.

Muốn chim yến làm tổ trước hết phải có tiếng kêu từ lũ chim non. Do vậy, ngoài việc bố trí âm thanh dẫn dụ bên ngoài, bên trong nhà nuôi chim yến bắt buộc phải lắp đặt hệ thống tiếng kêu của chim non. Đồng thời phải có tiếng hót của giống đực, giống cái khác nhau. Tất cả âm thanh ấy cộng lại mới tạo dựng được không khí bầy đàn để chim yến cảm nhận được sự an lành kéo nhau về trú ngụ, xây tổ để duy trì nòi giống.

  • Từ khóa
40903

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu