Thứ 7, 27/04/2024 03:28:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:28, 23/10/2013 GMT+7

Nợ BHXH: Thực trạng và giải pháp

Thứ 4, 23/10/2013 | 16:28:00 407 lượt xem

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) được Đảng và Nhà nước ta khẳng định là hai chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Việc thực hiện hai chính sách này trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng cả về số lượng đơn vị sử dụng lao động lẫn số tiền không những ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.


Các đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT khiến người lao động khi ốm đau không được cơ quan BHXH thanh toán chi phí khám chữa bệnh vì không có thẻ BHYT - Ảnh: K.S

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến 30-9-2013 có 537 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền nợ là 26.100 triệu đồng, trong đó nợ BHXH là 19.940 triệu đồng; nợ BHYT là 3.137 triệu đồng; nợ BHTN là 3.046 triệu đồng. Điển hình có một số đơn vị nợ đọng kéo dài với số nợ lớn như: Công ty TNHH World Tec Vina nợ 4 tháng, số tiền nợ gần 1.500 triệu đồng; Công ty TNHH KJ Glove nợ 22 tháng, số tiền nợ trên 1.100 triệu đồng; Công ty Tae Chang Vina nợ 9 tháng, số tiền nợ trên 1.000 triệu động; Công ty Mỹ Lệ TNHH nợ 18 tháng, số tiền nợ trên 710 triệu đồng; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Bình Phước nợ 20 tháng, số tiền nợ trên 600 triệu đồng…

Ông Nguyễn Đình Đương, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN cao là: Tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm, sản xuất kinh doanh đình đốn, sức mua thị trường giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH, BHYT, BHTN; mặt khác, nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của một số chủ sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước, do vậy việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng thường xuyên xảy ra; ngoài ra, một bộ phận chủ sử dụng lao động cố tình không đóng BHXH, BHYT, BHTN hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn.

Trước thực trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; thời gian qua ngành BHXH tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ đọng như: Tăng cường quản lý chặt chẽ công tác thu, xử lý thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; phân công cán bộ chuyên quản thu thường xuyên kiểm tra, đối chiếu đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trích nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT; cung cấp danh sách các đơn vị nợ đọng BHXH gửi Thanh tra sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp xử lý, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động… 

Có thể thấy, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực nhưng dường như các doanh nghiệp đã "nhờn thuốc”, dẫn đến số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN cứ ngày một tăng cao theo thời gian, và danh sách đơn vị nợ đọng cứ càng ngày dài thêm. Theo ông Đương, khi đến làm việc về vấn đề nợ đọng, một số doanh nghiệp cố tình trốn tránh, không muốn tiếp cơ quan BHXH, còn nếu tiếp thì chỉ miễn cưỡng nhưng cử người không đủ trách nhiệm giải quyết công việc để tiếp đoàn. Ông Đương ngao ngán: “Nhiều lần làm việc với những “con nợ chây ì”,  rõ ràng họ nợ tiền là vi phạm pháp luật, vậy mà chúng tôi phải xuống nước, có khi phải năn nỉ mong họ chuyển tiền sớm”.

Song, điều đáng nói là các đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BHTN thì bao nhiều hệ lụy đều dồn về người lao động gánh chịu. Trước hết người lao động khi ốm đau không được cơ quan BHXH thanh toán chi phí khám chữa bệnh vì không có thẻ BHYT, họ phải bỏ tiền túi chi trả các chi phí khám chữa bệnh. Ngoài ra, do doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp nên người lao động không thể chốt sổ BHXH để hoàn tất hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, họ tạm thời mất đi quyền lợi về trợ cấp thất nghiệp trong giai đoạn khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống. Mặt khác, người lao động cũng mất các quyền lợi về trợ cấp BHXH như ốm đau, thai sản...

Vì vậy, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chung tay, nỗ lực của các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan trong việc giải quyết nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Và hơn lúc nào hết, người lao động hãy tự bảo vệ mình bằng cách lên tiếng để đòi hỏi chủ sử dụng lao động tham gia và tham gia đầy đủ về BHXH, BHYT, BHTN cho mình, có như vậy mới đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh trong thực hiện pháp luật BHXH, BHYT.

Thúy Ái

  • Từ khóa
47210

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu