Thứ 7, 27/04/2024 03:43:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:59, 21/08/2017 GMT+7

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Trọng Phước
Thứ 2, 21/08/2017 | 09:59:00 5,926 lượt xem
BPO - Đoàn giám sát Ủy ban MTTQVN tỉnh vừa tổ chức khảo sát, giám sát trực tiếp tại 9 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn 6 xã, phường, thị trấn của 2 huyện: Chơn Thành, Hớn Quản và thị xã Bình Long; đồng thời, làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND, Ban thường trực UBMTTQVN, ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các huyện, thị trên địa bàn. Qua giám sát, đoàn đã phát hiện nhiều thiếu sót trong công tác quản lý về ATVSTP của chính quyền cơ sở.

Phát hiện và xử lý nhiều sai phạm về ATTP

Tại các buổi làm việc với đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo 2 huyện Chơn Thành, Hớn Quản và thị xã Bình Long cho biết: Việc kiểm tra, xử lý về ATVSTP được Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện thường xuyên, đạt hiệu quả, nhất là trong tháng an toàn thực phẩm (ATTP) hằng năm và các dịp lễ, tết. Qua kiểm tra, các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp sai phạm trong thực hiện ATVSTP. Các vi phạm chủ yếu liên quan tới điều kiện trang, thiết bị, con người và chất lượng sản phẩm thực phẩm không đảm bảo; chưa khám sức khỏe định kỳ cho công nhân và người lao động theo quy định; chưa xác nhận kiến thức ATVSTP, hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể như từ đầu năm 2017 đến nay, các đội kiểm tra liên ngành huyện Hớn Quản tổ chức kiểm tra 85 cơ sở, xử phạt 5 cơ sở vi phạm với số tiền 3,25 triệu đồng; 10/13 xã kiểm tra 61 cơ sở, có 55/61 cơ sở ATVSTP?. Phòng kinh tế (thị xã Bình Long) kiểm tra 27 cơ sở, xử lý 8 vụ, phạt tiền 11 triệu đồng; phòng Y tế kiểm tra 54 cơ sở, phát hiện và xử lý 23 cơ sở vi phạm, trong đó nhắc nhở 5 cơ sở, xử phạt hành chính 33 triệu đồng đối với 18 cơ sở vi phạm.

Đoàn giám sát kiểm tra Cơ sở SXKD bánh mì, vịt, heo, gà quay A Khèn

Từ năm 2016 đến tháng 5-2017, các ngành chức năng huyện Chơn Thành đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 147 cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm, phát hiện và xử lý 33 cơ sở vi phạm, trong đó nhắc nhở 5 cơ sở, xử phạt hành chính 36,606 triệu đồng đối với 27 cơ sở vi phạm. 

Hầu hết các cơ sở SXKD đều vi phạm

Ông Trần Minh Tám, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, thành viên đoàn giám sát cho biết: Qua kiểm tra thực tế một số cơ sở SXKD trên địa bàn 3 huyện, thị, đoàn phát hiện hầu hết các cơ sở SXKD đều chưa thực hiện nghiêm túc về hợp đồng cung cấp thực phẩm, nội dung hợp đồng chưa chặt chẽ, chưa có giấy xác nhận đủ điều kiện ATVSTP của cơ sở cung cấp thực phẩm kèm theo; chưa thực hiện việc xét nghiệm mẫu nước định kỳ theo quy định. Ngoài ra, Bếp ăn nhóm trẻ Tuổi Ngọc ở ấp 3, xã Minh Hưng (Chơn Thành) chưa chấp hành tốt công tác đảm bảo ATVSTP; chưa thực hiện việc cách ly khu nấu ăn với khu sinh hoạt cá nhân; thực phẩm lưu mẫu còn để chung với các loại thực phẩm khác; chưa mở sổ theo dõi việc lưu mẫu thường xuyên, chưa có kệ kê thực phẩm để đảm bảo đối lưu; chưa có lưới chắn côn trùng.   

Cơ sở SXKD bánh mì, vịt, heo, gà quay A Khèn tại thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành) kinh doanh đã nhiều năm, tuy nhiên thời điểm đoàn kiểm tra chưa có giấy xác nhận kiến thức ATVSTP; chưa làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận về ATVSTP; khu vực chế biến thực phẩm chưa đảm bảo quy trình, chưa thực hiện việc cách ly khu chế biến thực phẩm với khu sinh hoạt cá nhân; từ năm 2013 đến thời điểm đoàn giám sát đến làm việc chưa có đoàn nào kiểm tra, giám sát, nhắc nhở.

Kiểm tra cơ sở kinh doanh Cơm chay Âu Lạc tại thị trấn Chơn Thành, lực lượng chức năng phát hiện giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP đã hết thời hạn; khu vực chế biến thực phẩm chưa đảm bảo quy trình, chưa có kệ đựng thực phẩm chưa chế biến. Cơ sở sản xuất nước đá và nước uống đóng chai Thành Đạt ở xã Tân Khai kinh doanh nhiều năm, nhưng hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ (cơ sở đang gửi toàn bộ hồ sơ để bổ sung, hoàn thiện); khu vực sản xuất không đảm bảo vệ sinh, nhất là khu vực sản xuất nước đá loại cây; hệ thống thoát nước không đảm bảo, nước thải ứ đọng nhiều nơi và thậm chí tràn lên bề mặt nền bê tông rất mất vệ sinh; khu vực sản xuất nước suối đóng chai chưa có kệ kê theo quy định. Hoặc cơ sở SXKD giống cây trồng, rau củ quả Hưng Thịnh ở ấp Phú Thành, xã Thanh Phú (Bình Long) có 7 công nhân thường xuyên tham gia sản xuất, nhưng cả 7 công nhân đều chưa được tập huấn kiến thức về ATTP; chưa có các thủ tục pháp lý trong SXKD; chưa thực hiện các hợp đồng cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống…

Nhiều vướng mắc, bất cập

Ông Đinh Văn Tiếng, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Tại thời điểm đoàn giám sát, việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 10-1-2017 của UBND tỉnh của các đơn vị được giám sát chưa đạt yêu cầu. Cụ thể: UBND huyện Chơn Thành, Hớn Quản, thị trấn Chơn Thành, xã Tân Khai chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa đồng bộ nên còn rất nhiều hạn chế. Chỉ riêng tiêu chí: “Vận động ít nhất 70% số hộ gia đình, cơ sở SXKD thực phẩm và 100% hợp tác xã, doanh nghiệp SXKD thực phẩm đăng ký, cam kết SXKD thực phẩm an toàn” thì ngành nông nghiệp huyện Chơn Thành mới vận động được 25/560 cơ sở ký cam kết kinh doanh thực phẩm an toàn; ngành công thương huyện vận động được 42/130 cơ sở cam kết SXKD thực phẩm an toàn… UBND thị xã Bình Long và phường An Lộc tuy đã có kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 06 của UBND tỉnh nhưng còn rất hạn chế, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong khảo sát, thống kê để thực hiện tiêu chí trên; chưa có các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện các mục tiêu trong năm 2017 theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành chưa hiệu quả, còn hình thức, chủ yếu là thông qua hoạt động cơ quan thường trực ban chỉ đạo (phòng y tế và trạm y tế) nhưng lực lượng thực hiện vừa thiếu vừa yếu, có trường hợp còn hạn chế về chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu công việc (việc lấy mẫu, test nhanh). Các thành viên ban chỉ đạo cấp huyện, xã chưa có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất trong hoạt động, dẫn đến việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chồng chéo nhau, có cơ sở “vừa mới tiếp đoàn kiểm tra này lại chuẩn bị tiếp đoàn kiểm tra khác, nhất là đối với các cơ sở SXKD, chế biến có quy mô lớn”; mặt khác, nhiều cơ sở SXKD nhỏ, lẻ ít được kiểm tra nhắc nhở như: cơ sở SXKD bánh mì, vịt, heo, gà quay A Khèn; còn nhiều cơ sở SXKD nhỏ lẻ ban đầu chưa được quan tâm hướng dẫn về ATTP, chưa được điều tra, khảo sát đầy đủ, chưa có phương thức kiểm tra, giám sát.

Hầu hết các huyện, thị và xã, phường, thị trấn được giám sát chưa thực hiện công khai xử lý các doanh nghiệp, cơ sở SXKD thực phẩm, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP. Việc tiếp nhận, xử lý và chuyển các phản ánh, kiến nghị phát giác của nhân dân về vi phạm ATTP ở các khu dân cư đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật... (duy nhất chỉ có phường An Lộc (Bình Long) đưa tin 2 trường hợp vi phạm hàng hóa quá hạn sử dụng trên hệ thống truyền thanh phường).

Một số cơ sở, mô hình SXKD thực phẩm đầu tư vốn lớn, mong muốn sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn, nhưng chưa được các cấp, ngành quan tâm hướng dẫn về thủ tục pháp lý, giúp đỡ về quy trình kỹ thuật sản xuất, cây - con giống; tìm kiếm đầu ra sản phẩm nên khó khăn cho việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất (Cơ sở SXKD giống cây trồng, rau củ quả Hưng Thịnh) hoặc chưa được hướng dẫn, giúp đỡ về các thủ tục pháp lý trong SXKD; việc tiêm vắc-xin cũng chưa được quan tâm giúp đỡ, chủ yếu do cơ sở tự thực hiện... (cơ sở chăn nuôi, kinh doanh gà Minh Dư). Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương đoàn giám sát chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm tuyên truyền, vận động và giám sát về ATTP theo chỉ đạo của tỉnh; chưa tổ chức hoạt động giám sát nào tại địa phương về ATTP…

  • Từ khóa
18688

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu